Thương mại, dịch vụ tỉnh An Giang tiếp tục tăng trưởng

17/01/2023 - 06:46

 - Năm 2022 là một năm có nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD)… do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như tình hình kinh tế thế giới. Ngành công thương An Giang đã triển khai nhiều giải pháp để duy trì và thúc đẩy sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại, ổn định thị trường.

Năm 2022 vừa qua, tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát tốt đã tạo điều kiện giúp thị trường bán lẻ hàng hóa, dịch vụ trong nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng diễn ra khá sôi động, có sự phục hồi đáng kể. Các DN đã tăng cường nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn với giá cả hợp lý, nhằm kích cầu tiêu dùng, tăng doanh thu. Tính đến thời điểm hiện tại, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn, thị trường tương đối ổn định.

Để bình ổn thị trường, đảm bảo cung - cầu, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, Sở Công Thương An Giang đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường chủ động phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi kinh doanh không lành mạnh, bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng gây tăng giá bất hợp lý và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại… Điều này đã góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong năm 2022 ước đạt 95.528 tỷ đồng, tăng gần 20% so năm 2021, vượt 6,37% so với kế hoạch năm.

Thương mại, dịch vụ tiếp tục duy trì tăng trưởng

Bên cạnh thương mại nội địa, hoạt động xuất, nhập khẩu đạt khá và vượt kịch bản tăng trưởng đề ra. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt gần 1,16 tỷ USD, tăng 1,45% so năm 2021; vượt 0,31% so kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt hơn 210 triệu USD, tăng 16,45% so cùng kỳ, vượt 0,12% so kế hoạch năm.

Có được kết quả trên, năm 2022, ngành công thương đã bám sát nội dung của Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các chương trình, kế hoạch của UBND tỉnh cũng như chức năng, nhiệm vụ được giao. Sở Công Thương đã thực hiện nhiều giải pháp để duy trì và thúc đẩy sản xuất công nghiệp, phát triển thương mại, ổn định thị trường.

Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Minh Hùng cho biết, ngành công thương đã tích cực hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các công ty, DN, cơ sở SXKD... thông qua việc tiếp cận, tiêu thụ qua các kênh bán lẻ, như: Siêu thị, cửa hàng tiện ích, thương mại điện tử... Đồng thời, phối hợp các đơn vị liên quan, đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng, giá cả hợp lý; giúp các DN giới thiệu, quảng bá các sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng. Năm 2022, Sở Công Thương đã phối hợp thực hiện 99 chuyến bán hàng lưu động và 1 phiên chợ hàng Việt với tổng doanh số trên 1,8 tỷ đồng, thu hút trên 150.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm...

Năm qua, các đơn vị, DN đã hỗ trợ, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh. Sở Công Thương An Giang đã chủ động phối hợp với Viettel An Giang, VNPT An Giang triển khai chương trình thanh toán không dùng tiền mặt, mô hình “Chợ 4.0” tại cửa hàng xăng dầu, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, quán ăn, quán cà-phê, chợ… trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ các DN, cơ sở SXKD, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể… xây dựng website, tham gia các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.

Các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được tăng cường. Thông qua các biện pháp, như: Tổ chức hội thảo tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp… đã góp phần nâng cao năng lực của cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, trách nhiệm và vai trò kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý tại địa phương…

Ông Nguyễn Minh Hùng cho biết, năm 2022, ngành công thương đã thường xuyên thông tin đến DN kinh doanh xuất khẩu các chương trình tư vấn, giao thương, hội chợ, thị trường hàng hóa; các chủ trương, chính sách… Sở Công Thương An Giang còn đưa ra các dự báo sớm về nhu cầu và giá cả hàng hóa xuất khẩu chủ lực của tỉnh, từ đó kịp thời tham mưu UBND tỉnh tìm giải pháp và định hướng phù hợp với hoạt động sản xuất và xuất khẩu của DN, cũng như có những kiến nghị đến bộ, ngành Trung ương triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ cho DN...

Sở Công Thương An Giang phối hợp các sở, ngành liên quan theo dõi tình hình xuất, nhập khẩu, thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới; triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng nông sản qua cửa khẩu biên giới theo hình thức thương mại chính ngạch…

Với những giải pháp đồng bộ, khai thác hiệu quả các lợi thế và nguồn lực, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn An Giang có sự phát triển mạnh mẽ; sản phẩm hàng hóa và các loại hình dịch vụ phát triển đa dạng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022, tạo tiền đề để thực hiện kế hoạch năm 2023.

ĐỨC TOÀN