Mai vàng còn gọi là hoàng mai, huỳnh mai hay lão mai. Cây này được trồng làm cảnh phổ biến ở miền Nam và nở hoa vào dịp Tết Nguyên đán. Mai vàng được lưu dân người Việt thuần hóa từ cây dại khi họ đi khai hoang mở cỏi. Hoa mai có 5 cánh và thường nở trùng với dịp Tết như hoa đào ở miền Bắc, nên được trang trí vào dịp Tết. Dần về sau, hoa mai trở thành hình ảnh đặc trưng khi nhắc đến ngày Tết của miền Nam.
Mai vàng phân bố tự nhiên nhiều nhất tại những khu rừng thuộc dãy Trường Sơn và các tỉnh từ Quảng Nam, TP. Đà Nẵng cho tới tỉnh Khánh Hòa. Mai vàng là cây lâu năm, có thể sống trên 100 năm, gốc to, rễ lồi lõm, thân xù xì, cành và nhánh nhiều, lá mọc xen. Mai có dáng vẻ thanh cao. Thân cây mềm mại, lá xanh biếc dịu dàng, hoa tươi rực rỡ. Mai thường trút lá vào mùa đông và ra hoa vào mùa xuân. Hoa nở thành từng chùm, có cuống dài treo lơ lửng trên cành, thoảng mùi thơm e ấp, kín đáo. Mỗi nụ hoa thường có 5 cánh, cá biệt có hoa tới những 9, 10 cánh. Dân gian tin rằng, năm mới nhà nào có cành mai như vậy là dấu hiệu của điềm lành, một năm thịnh vượng, an khang.
Là người chơi mai từ thời còn trẻ, ông Phan Phước Niềm (xã Bình Thủy, huyện Châu Phú) khát khao tìm về nguồn cội hoa mai. Ông Niềm cho biết, nhiều loại mai trên thị trường rất đẹp nhưng không lạ. Do vậy, ông thường lên những chuyến xe ngược về tỉnh Bình Định, Phú Yên - nơi có làng mai danh tiếng để tìm hiểu giống mai xưa, vô tình phát hiện cây mai hương giống quý và mang về trồng hơn 3 năm qua.
Với bàn tay chăm bón có kỹ thuật, cùng với tình yêu đặc biệt với mai, cây mai hương sinh trưởng tốt và có dáng thế đẹp, lạ. Hiện tại, cây có tàn rộng hơn 4m, gốc cây có đường kính 10 tấc hoành. Điều đặc biệt ở mai hương chính là cây có dáng nhẹ nhàng, thanh tao, có 5 đọt, trong đó có 1 đọt chủ. Điều này tượng trưng cho ngũ phúc, niềm mong ước về “Phước - lộc - thọ - an khang” mà gia đình nào cũng muốn hướng đến.
Là người sống với mai, bầu bạn với mai hàng chục năm qua, nhờ hoa mai mà ông Niềm có cuộc sống ấm no. Do vậy, mong ước của ông Niềm không chỉ là sưu tầm được những giống mai quý, mà còn phát triển được làng mai trên quê hương mình. “Mai vàng là loại hoa đặc trưng vùng đất phương Nam, có hoa mai mới có Tết, lòng ai cũng hân hoan khi thấy mai vàng trước ngõ. Mỗi khi ngày Tết gần kề, nhà nhà dù thế nào cũng cố gắng có được một cây mai lớn hay nhỏ. Nắm bắt nhu cầu đó, tôi rất mong những anh em cùng đam mê chung tay phát triển thêm nhiều loại mai thị trường, ươm trồng mai giống tại địa phương để cây mai trưởng thành và được trao tay người thưởng thức với mức giá mềm hơn” - ông Niềm chia sẻ.
Cùng với đó, mơ ước về một làng mai vẫn luôn ấp ủ trong ông. Đó là một làng mai rực rỡ màu sắc khi Tết đến xuân về, vừa là điểm để người chơi mai lựa chọn, vừa là điểm tham quan, chụp ảnh lưu niệm sinh động.
Những ngày giáp Tết, mai mang lại không khí vui tươi, sum vầy. Người phố thị nao nức đi chợ hoa xuân, ngắm và lựa chọn cho mình một chậu hoa với kích cỡ, hình dáng phù hợp với phòng khách, diện tích nhà hay đi “rước” những chậu mai từ các trung tâm, dịch vụ ký gửi về nhà chưng Tết, rồi hết Tết lại nhờ người chăm sóc giúp.
Còn ở miền quê, nhà nhà bắt đầu chăm sóc, tỉa mai trước nhà. Dù cả năm đôi khi gia chủ vì bận bịu mà ít quan tâm đến, nên dù đất đai có bị khô cằn, thiếu nước, thiếu dinh dưỡng nhưng với đặc tính vốn có, cây mai vẫn chịu đựng và vững vàng theo năm tháng.
Sau những tháng ngày “ngủ đông”, mai đâm chồi nảy lộc tượng trưng cho phẩm chất nhẫn nại, kiên trì và can đảm trước mọi khó khăn thử thách và chính là sự tượng trưng cho tính hy sinh, chắt chiu, dành dụm để mang lại cho đời những thành quả đẹp.
Chính những tính chất đặc biệt, tượng trưng cho những phẩm chất tốt đẹp của người Việt, cây mai được xếp vào hàng “Tứ bình” (Tùng, Cúc, Trúc, Mai), đây là bốn loài cây tứ quý có những tính chất nổi bật, biểu tượng cho sự cao thượng, quyền quý. Hoa mai đã đi vào văn hóa, văn chương từ bác học đến bình dân của người Việt. Người đời không ít kẻ ngưỡng vọng hoa mai, bởi vẻ đẹp và khí chất cao quý của nó. Không dưng mà một người như Cao Bá Quát chỉ cúi đầu trước hoa mai.
Ông có mấy câu thơ để lại cho đời: “Thập tải luân giao cầu cố kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái hoa mai…”, nghĩa là: “Mười năm giao du trong thiên hạ tìm thanh kiếm cổ/Một đời chỉ biết cúi lạy hoa mai”. Hai câu thơ đã cho thấy sự ngưỡng vọng của người đời dành cho loài hoa ấy như thế nào.
Hoa mai - loài hoa được tôn thờ trong thế kỷ trước và được yêu thương, nâng niu trong những giây phút này. Hoa mai đã đi vào thơ thiền của Mãn Giác Thiền sư (đời nhà Lý) với 2 câu thơ nổi tiếng: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”, dịch nghĩa: “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua, sân trước một nhành mai”.
Cả bài thơ, đặc biệt là 2 câu cuối mang đến thông điệp về đời sống vô thường của kiếp nhân sinh, nhưng đồng thời thiền sư đã mượn hình ảnh hoa mai để nói về triết lý Phật giáo một cách sâu sắc, rằng bên cạnh cái vô thường luôn có cái thường hằng bất biến không đến, không đi và không mất, đó là nơi an lạc bình yên.
Mùa xuân, ngắm hoa mai từ nhà ra ngõ, hoa mai vừa mang đến không khí Tết rực rỡ, vui tươi, đầm ấm. Hoa mai tuy không ngạt ngào sắc hương như những loài hoa khác nhưng có một mùi hương nhẹ nhàng rất riêng. Trong không khí Tết, mùi hoa mai dịu nhẹ trong gió tạo ra một bầu không khí rất riêng.
Tết với hoa mai như duyên tao ngộ, không hoa Tết sẽ trở thành nhạt nhẽo, mà thiếu mai càng thêm trống vắng. Kẻ ly hương mỗi lần thấy mai nở rộ là bâng khuâng nhớ nước, nhớ nhà, nhớ quê cha đất tổ. Nhiều người Việt đi khắp năm châu bốn bể, thưởng ngoạn vẻ đẹp bất tận của thiên nhiên nhưng vẫn cố nhớ màu hoa, hương hoa mai ngày Tết.
NGỌC GIANG