Tiềm năng đô thị Tri Tôn mở rộng

31/08/2022 - 08:21

 - Giữ vai trò là trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện miền núi, biên giới Tri Tôn (tỉnh An Giang), việc mở rộng đô thị thị trấn Tri Tôn là rất cần thiết. Sau mở rộng, đô thị này kiêm thêm vai trò là trung tâm phát triển thương mại, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao của khu vực.

Trung tâm kết nối

Sáng nay (ngày 31/8), UBND huyện Tri Tôn long trọng tổ chức lễ công bố Quyết định 353/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc công nhận thị trấn Tri Tôn mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV. Đây là thành quả xứng đáng sau bao nỗ lực chỉnh trang hạ tầng đô thị, nâng cao mức sống người dân. Theo đó, thị trấn Tri Tôn mở rộng bao gồm thị trấn Tri Tôn hiện hữu, xã Châu Lăng và xã Núi Tô, quy mô 7.326,7ha, dân số 34.341 người.

Thời gian qua, thị trấn Tri Tôn mở rộng có bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục - thể thao, nhân lực, quốc phòng - an ninh. Kinh tế trên địa bàn đô thị chuyển biến tích cực, cơ cấu kinh tế phát triển mạnh theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp...

Đô thị thị trấn Tri Tôn mở rộng có nhiều tiềm năng phát triển

“Cùng sự phát triển đi lên của huyện, thị trấn Tri Tôn đã có bước tiến nổi bật. Nhiều tập đoàn, công ty lớn về đầu tư; nhiều chi nhánh tổ chức tín dụng, ngân hàng mọc lên; hàng loạt cửa hàng tiện ích xuất hiện; đô thị khang trang, văn minh… Qua đó, tạo điều kiện thuận cho người dân mua sắm, sinh hoạt, nâng cao mức hưởng thụ” - ông Trần Văn Tươi (người dân thị trấn Tri Tôn) nhận xét.

Theo UBND huyện Tri Tôn, hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thị trấn Tri Tôn mở rộng tăng trưởng ổn định, chiếm khoảng 16,4% trong cơ cấu kinh tế; tốc độ tăng trưởng 10,18%/năm. Riêng Cụm công nghiệp Núi Tô với quy mô 30ha đang triển khai xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực: Chế biến lương thực, nhà máy xay xát, chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến dược liệu... Trong khi đó, thương mại - dịch vụ chiếm 49,6% tỷ trọng cơ cấu kinh tế.

Trên địa bàn thị trấn Tri Tôn mở rộng hiện có chợ Tri Tôn, chợ Sao Mai, chợ Châu Lăng, chợ rau quả, trung tâm Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh, Thế giới di động, cùng hệ thống bán lẻ tiểu thương phát triển lâu đời. Các loại hình dịch vụ khác (như: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn pháp luật, tin học, y tế) có bước phát triển khá, góp phần quan trọng vào việc hình thành môi trường đầu tư kinh doanh sôi động và lành mạnh trên địa bàn.

Về du lịch, thị trấn Tri Tôn mở rộng có nhiều tiềm năng phát triển với cảnh quan thiên nhiên đẹp, như: Đồi Tà Pạ, hồ Soài Chek, hồ Soài So... cùng với đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, nhiều ngôi chùa cổ kính, lễ hội đua bò Bảy Núi, sự kiện dù lượn, diều lượn “Bay trên Phụng Hoàng Sơn”, lễ hội khinh khí cầu… Thị trấn Tri Tôn mở rộng đang từng bước chuyển đổi theo mô hình đô thị sinh thái nông nghiệp, nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, trải nghiệm nông nghiệp đô thị, công viên nông nghiệp đô thị.

Phát triển xứng tầm

Thị trấn Tri Tôn mở rộng nằm ở phía Tây Nam tỉnh An Giang, tuyến giao thông đường bộ và đường thủy đối ngoại quan trọng kết nối Đông - Tây - Nam - Bắc vùng tỉnh An Giang, Kiên Giang, Châu Đốc và biên giới Campuchia. Thị trấn mở rộng có nhiều tiềm năng, động lực phát triển về thương mại dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, là cầu nối giao thương quan trọng với các trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Đỗ Minh Trí cho biết, trên địa bàn thị trấn Tri Tôn mở rộng có các dự án được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, như: Khu dân cư - trung tâm thương mại phía Đông, Dự án nhà ở xã hội thị trấn Tri Tôn, Khu dân cư thương mại Sao Mai, Nhà thi đấu thể thao huyện, Nhà thiếu nhi huyện, quảng trường Nguyễn Trãi, Khu liên hợp thể thao du lịch Tà Pạ - Soài Chek, Khu du lịch Soài So - Suối Vàng...

Đến nay, hệ thống chiếu sáng đô thị, đèn tín hiệu giao thông được lắp đặt, tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; hệ thống công trình công cộng trên địa bàn đã và đang được đầu tư, nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới, tạo sự khang trang và mỹ quan cho đô thị.

Từ trung tâm kết nối của thị trấn Tri Tôn mở rộng, huyện Tri Tôn thu hút nhiều tập đoàn lớn đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Tập đoàn THACO, Tập đoàn TH, Tập đoàn Tân Long cùng một số doanh nghiệp lớn. Riêng trên địa bàn thị trấn Tri Tôn mở rộng, đang tập trung cho khu đô thị Sao Mai, nhà ở xã hội, cải tạo chợ thị trấn Tri Tôn thành khu bách hóa tổng hợp, phát triển khu hành chính mới, nâng cấp giao thông tỉnh lộ qua địa bàn...

“Thị trấn Tri Tôn mở rộng được Bộ Xây dựng công nhận đạt chuẩn đô thị loại IV với tổng số điểm khá cao (85,53 điểm). Đây là điều kiện để huyện tập trung đầu tư vào lĩnh vực trọng tâm, thúc đẩy thị trấn Tri Tôn ngày càng phát triển, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Đồng thời, tiếp tục chỉnh trang, nâng cao chất lượng đô thị, xứng đáng là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, xã hội, du lịch, dịch vụ... của huyện Tri Tôn, tạo đầu tàu thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm phía Tây tỉnh An Giang” - ông Đỗ Minh Trí nhấn mạnh.

Thị trấn Tri Tôn mở rộng được xác định là một trong 4 đô thị trung tâm của tiểu vùng (TP. Châu Đốc, TX. Tịnh Biên, thị trấn Tri Tôn và thị trấn An Phú)

NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích