Tiếp đà thắng lợi nông nghiệp

01/04/2021 - 04:14

 - Vượt qua những khó khăn của năm 2020, ngành nông nghiệp gặt hái nhiều thành công, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh An Giang. Năm 2021, ngành nông nghiệp được kỳ vọng tiếp tục đóng vai trò là “bệ đỡ”, cùng các lĩnh vực khác thực hiện thành công “mục tiêu kép”: phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và duy trì phát triển kinh tế - xã hội.

Ứng phó hiệu quả với thiên tai

Năm 2020, mặc dù xảy ra nhiều bất lợi, như: dịch bệnh COVID-19, dịch tả heo Châu Phi, thời tiết diễn biến phức tạp nhưng ngành nông nghiệp An Giang vẫn tiếp tục đạt được những con số ấn tượng, như: tốc độ tăng trưởng đạt 2,64%, đứng thứ 4 của khu vực ĐBSCL; giá trị sản xuất đạt 192 triệu đồng/ha, đứng hàng thứ 3 khu vực; sản lượng cá tra đạt 413.700 tấn, đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng, kết quả trên là đáng trân trọng. Tuy nhiên, để ngành nông nghiệp tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, cần nỗ lực, cố gắng nhiều hơn của các ngành, các cấp, địa phương, doanh nghiệp và người dân. Trước mắt, UBND huyện, thị xã, thành phố phải triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn kiệt để đảm bảo đủ nước cho sinh hoạt và sản xuất. Trong đó, huyện An Phú và TX. Tân Châu phải chú ý đến việc nạo vét tạo nguồn do ảnh hưởng của hạn kiệt; riêng 2 huyện Tịnh Biên và Tri Tôn chú ý đến công tác trữ nước sản xuất, sinh hoạt và phòng cháy, chữa cháy rừng thông qua phương án cụ thể.

Về vấn đề sạt lở bờ sông 2 bên sông Tiền và sông Hậu, tỉnh sẽ từng bước hỗ trợ địa phương từ kinh phí Trung ương theo kế hoạch, song song với việc đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chỉnh trị dòng chảy. UBND huyện, thị xã, thành phố phải rà soát số lượng người dân sinh sống 2 bên bờ sông theo 3 nhóm. Trong đó, nhóm 1 là khu sạt lở đặc biệt nguy hiểm để ưu tiên di dời khẩn cấp; nhóm 2 là khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm; nhóm 3 là khu vực cảnh báo sạt lở ở mức bình thường để chủ động có kế hoạch bố trí dân cư trước mắt và lâu dài một cách phù hợp.

Thăm đồng thường xuyên là cách tốt để bảo vệ sản xuất

Đối với sạt lở các công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, giao thông đường bộ do các dự án nạo vét kênh mương gây sạt lở, ông Trần Anh Thư giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ đạo Thanh tra sở và Chi cục Thủy lợi tổ chức thanh, kiểm tra và đề xuất hướng xử lý. Chi cục Thủy lợi phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường về lâu dài nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản trị việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật xử lý sạt lở các tuyến kênh, mương; hạn chế việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật xử lý ở các tuyến sông lớn vào các tuyến kênh, mương.

Mặc dù theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh An Giang, tình hình nắng nóng năm 2021 không bằng năm 2020, nhưng các ngành chức năng và địa phương có rừng phải luôn chuẩn bị phương án ứng phó trong tình hình nắng nóng cao nhất. Về giải pháp lâu dài, giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp các sở, ngành và địa phương có liên quan rà soát, bổ sung trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy rừng, nạo vét kênh mương; nghiên cứu xây dựng hồ chứa nước đa chức năng vùng núi, trong đó có các hồ chứa quy mô nhỏ phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho hộ, nhóm nông hộ và phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng.

Bảo vệ sản xuất

Theo ông Trần Anh Thư, mặc dù tình hình dịch bệnh tả heo Châu Phi đang được kiểm soát cơ bản tốt nhưng không được lơ là, chủ quan. Để thực hiện tốt kế hoạch tái đàn heo trong thời gian tới, giao Sở NN&PTNT (trực tiếp là Chi cục Chăn nuôi và Thú y) tiếp tục phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, đặc biệt quan tâm đến các ổ dịch cũ. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng ngăn chặn heo và sản phẩm heo nhập lậu từ Campuchia; tuyệt đối không nhập heo không rõ nguồn gốc

Về tình hình dịch hại trên lúa, Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thường xuyên tổ chức kiểm tra thăm đồng và kịp thời hướng dẫn các địa phương về công tác phòng, chống dịch hại trên lúa, đảm bảo thắng lợi vụ đông xuân 2020-2021; chuẩn bị tốt vụ hè thu và thu đông 2021. “Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh làm việc với các doanh nghiệp “đầu tàu” để gắn kết với các hợp tác xã trong việc hình thành, phát triển chuỗi giá trị nông sản (trước mắt là sản phẩm lúa và xoài) nhằm đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân. Lưu ý, phải định hướng luôn tiêu chuẩn sản xuất cho người dân phù hợp nhu cầu thị trường mà doanh nghiệp định hướng xuất khẩu. Đồng thời, Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp Sở Công thương và các địa phương làm việc với các doanh nghiệp để đảm bảo tiêu thụ nông sản cho người dân do tác động của dịch bệnh COVID-19” - ông Trần Anh Thư yêu cầu.

Trong tháng 4-2021, An Giang đăng cai “Ngày hội sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng các tỉnh, thành năm 2021”. UBND tỉnh cho phép các huyện, thị xã, thành phố được trưng bày thêm các sản phẩm đặc trưng của địa phương (chưa đạt sản phẩm OCOP). Các địa phương rà soát các sản phẩm trước đây có chỗ đứng trên thị trường, có tham gia hàng Việt Nam chất lượng cao đề xuất Sở NN&PTNT cho cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm để tham gia trưng bày vào ngày hội, sau khi có sự thống nhất giữa Sở NN&PTNT, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh cùng các địa phương có liên quan.

“UBND huyện, thị xã, thành phố phải thành lập, củng cố và xây dựng quy chế hoạt động cho đội xung kích của cấp huyện để phòng, chống thiên tai; có kế hoạch diễn tập cho các đội xung kích trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai. Giao Sở NN&PTNT kiểm tra kết quả thực hiện của cấp huyện” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu.

 

NGÔ CHUẨN