Tiếp nối hào khí Bảy Thưa

21/03/2024 - 22:08

 - Từ ngày 28 - 31/3 (nhằm ngày 19 - 22/2 âm lịch), trên địa bàn huyện Châu Phú (tỉnh An Giang) sẽ diễn ra Lễ hội văn hóa truyền thống huyện lần thứ XXII/2024, kỷ niệm 151 năm Ngày Quản cơ Trần Văn Thành và nghĩa binh Gia Nghị chống Pháp hy sinh. Qua đó, nhắc nhở, giáo dục thế hệ hôm nay tiếp bước tiền nhân, ra sức xây dựng quê hương.

Vùng đất Châu Phú xưa kia là nơi ngập nước, rừng rậm, hoang vu. Trải qua quá trình khẩn hoang và nhiều lần chia tách, sáp nhập, huyện Châu Phú trở thành vùng đất trù phú, dân cư đông đúc. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Châu Phú luôn đồng lòng, nỗ lực xây dựng quê hương.

Nhờ đó, mức tăng trưởng kinh tế của huyện nhiều năm liền luôn đạt kết quả tích cực, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mang lại hiệu quả thiết thực, diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng lên.

Trong công cuộc đấu tranh bảo vệ quê hương, trên vùng đất Châu Phú đã diễn ra những cuộc khởi nghĩa tiêu biểu, thể hiện tinh thần quật khởi, quyết không cam chịu sự cai trị của ngoại xâm. Điển hình như cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa do Quản cơ Trần Văn Thành khởi xướng và chỉ huy kháng Pháp. Qua đó, đã tạo nên mốc son chói lọi, với hào khí yêu nước hào hùng sống mãi trong lòng thế hệ hôm nay và mai sau.

Ông Trần Văn Thành (sinh khoảng năm 1818), gia nhập quân đội triều Nguyễn năm 1840; nhờ giỏi võ nghệ, chữ nghĩa và tài chỉ huy nên ông được phong làm Suất đội, chỉ huy 50 binh sĩ.

Tượng Quản cơ Trần Văn Thành đặt tại đền thờ do người dân trong và ngoài địa phương đóng góp xây dựng

Năm 1845, ông được thăng chức Chánh Quản cơ, chỉ huy 500 binh sĩ. Khoảng năm 1851, giữa lúc triều Nguyễn đề ra chính sách khẩn hoang lập làng, ông Trần Văn Thành cùng gia đình đến vùng trũng Láng Linh khẩn hoang đất đai.

Năm 1867, thực dân Pháp chiếm vùng đất An Giang, Trần Văn Thành đã tổ chức nghĩa quân cùng Nhân dân chống giặc. Qua vài lần tấn công các đồn của quân Pháp không thành công, ông cùng nghĩa quân và gia đình rút vào vùng đồng trũng lập căn cứ Láng Linh - Bãi Thưa.

Năm 1872, Quản cơ Trần Văn Thành phất cờ khởi binh chống Pháp, lấy hiệu binh Gia Nghị và tổ chức nhiều đợt tấn công vào các nơi chiếm đóng của quân Pháp ở xung quanh căn cứ Bãi Thưa, dọc theo sông Hậu và rạch Mặc Cần Dưng…

Sau nhiều lần quân Pháp tấn công, chiêu dụ Trần Văn Thành không thành công, ngày 19/3/1873 (nhằm ngày 20/2 âm lịch, năm Quý Dậu), Pháp tổ chức tổng tấn công căn cứ Bãi Thưa. Sau một ngày cầm cự, trước hỏa lực mạnh của Pháp, căn cứ Bãi Thưa thất thủ. Trần Văn Thành ra lệnh cho nghĩa binh và gia đình rút lui, tránh tổn thất lớn, riêng ông đã mất tích.

Tuy cuộc khởi nghĩa thất bại và Quản cơ Trần Văn Thành đã ra đi, nhưng tiếng vang về lòng yêu nước vẫn còn mãi. Vùng đất Láng Linh được Trần Văn Thành và người dân khai khẩn xưa kia, nay đã trở thành vùng đất màu mỡ, ruộng đồng bao la, đời sống dân cư sung túc.

Ghi nhớ công lao khai hoang, phục hóa, chống giặc ngoại xâm của Quản cơ Trần Văn Thành, Nhân dân Châu Phú đã lập đền thờ tại trại ruộng Láng Linh (xã Thạnh Mỹ Tây). Năm 1986, đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia. Năm 2003, nhân kỷ niệm 130 năm ngày giỗ của Quản cơ Trần Văn Thành, huyện Châu Phú quyết định lấy ngày 21/2 (âm lịch) hàng năm là ngày Lễ hội Văn hóa truyền thống của huyện.

Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú lần thứ XXII/2024 kỷ niệm 151 năm ngày Quản cơ Trần Văn Thành và nghĩa binh Gia Nghị chống Pháp hy sinh là dịp ôn lại trang sử truyền thống hào hùng, tinh thần kiên cường, bất khuất của dân tộc, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân, anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho thế hệ hôm nay có cuộc sống tươi đẹp. Theo đó, phần lễ khai hội sẽ diễn ra lúc 9 giờ, ngày 30/3 (nhằm ngày 21/2 âm lịch), tại sân lễ chính đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành (xã Thạnh Mỹ Tây).

Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Châu Phú được tổ chức thường niên, với nhiều hoạt động sôi nổi

Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Châu Phú Lê Cao Trí cho biết: “Để tạo không khí vui tươi, phấn khởi chào mừng lễ hội văn hóa truyền thống của huyện, chúng tôi tăng cường tuyên truyền trực quan với nhiều cờ, phướn, khẩu hiệu, băng-rôn trên các tuyến đường chính, đường dẫn vào đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành và tại khu vực diễn ra lễ hội. Đồng thời, tổ  chức các hoạt động vui chơi để thu hút người dân tham gia”.

Theo đó, cùng với phần lễ chính, trong thời gian diễn ra lễ hội còn có các hoạt động văn hóa -  văn nghệ, thể dục - thể thao, như: Biểu diễn, giao lưu múa dân vũ, biểu diễn thể dục dưỡng sinh, ngày hội đi bộ; trò chơi dân gian, biểu diễn võ cổ truyền và lân sư rồng; triển lãm ảnh nghệ thuật; thi đấu bóng truyền, cờ tướng; trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiềm năng, sản phẩm chứng nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); tổ chức hội thi và trưng bày hoa lan huyện Châu Phú mở rộng tại Khu đô thị Sao Mai (thị trấn Cái Dầu)…

 Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Châu Phú luôn trân trọng, tự hào về tinh thần yêu nước của các bậc tiền nhân, quân và Nhân dân Châu Phú qua các thời kỳ. Do đó, huyện tạo mọi điều kiện để lễ hội văn hóa truyền thống diễn ra trang trọng, vui tươi, an toàn, thật sự mang đến giá trị tinh thần giàu bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục lòng yêu nước trong thế hệ hôm nay.

Thông qua lễ hội văn hóa truyền thống tổ chức hàng năm, lãnh đạo huyện kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân huyện Châu Phú đoàn kết, thống nhất, tiếp nối truyền thống hào hùng, quyết tâm xây dựng quê hương Châu Phú ngày càng giàu đẹp.

MỸ LINH