Hỗ trợ phù hợp
Huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) có trên 34% dân số là đồng bào DTTS Khmer, sinh sống tập trung tại 10/15 xã, thị trấn của huyện; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS còn chiếm khá cao. Để nông dân Khmer vươn lên thoát nghèo bền vững, cần tạo những mô hình sinh kế phù hợp tập quán trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất nhỏ gắn với đời sống trong phum, sóc.
“Từ các chương trình, đề án, dự án của Trung ương và tỉnh đầu tư cho vùng đồng bào DTTS Khmer, Hội Nông dân huyện đã triển khai đến các xã, thị trấn; phối hợp các ngành tổ chức nhiều lớp dạy nghề, hỗ trợ các phương tiện sản xuất, như: Máy đánh đường, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy trộn hồ, hàn tiện và các loại máy khác để giải quyết việc làm tại chỗ, giúp nông dân Khmer cải thiện cuộc sống” - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn Chau Kim Son thông tin.
Thời gian qua, Trường Trung cấp nghề và đào tạo cán bộ hợp tác xã Miền Nam đã hỗ trợ trao tặng 6 máy trộn bê-tông, 10 máy đánh đường thốt nốt bằng máy phát điện, 13 máy phun thuốc trên xoài, 15 máy may, 15 máy phun thuốc trên lúa và 15 máy hàn tiện cho 74 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn tại các xã: Châu Lăng, Ô Lâm và An Tức, với tổng kinh phí 520 triệu đồng.
Thông qua dự án “Nâng cao lợi ích từ sản phẩm và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào Khmer tỉnh An Giang”, Tổ chức phát triển nguồn nhân lực Châu Á (AsiaDRHHA) đã tài trợ 30 máy đánh đường thốt nốt cho 30 hộ Khmer tham gia dự án tại các xã: Ô Lâm, Núi Tô, Châu Lăng, An Tức, Lê Trì, với số tiền 180 triệu đồng.
Hướng dẫn nông dân Khmer sử dụng máy móc được trang bị
Được hỗ trợ máy đánh đường thốt nốt, bà Néang Sa Von (nông dân Khmer xã Châu Lăng) vui mừng: “Lúc chưa có máy đánh đường, công đoạn làm ra sản phẩm rất cực, phải đánh đường bằng tay suốt 2 giờ. Bây giờ có máy, thời gian đánh đường nhanh hơn, khoảng nửa giờ là xong, rất đỡ mệt. Tôi cám ơn Nhà nước rất nhiều”.
Ông Chau Nghinh (nông dân Khmer xã Ô Lâm) được hỗ trợ máy phun thuốc trên xoài vào cuối năm 2022. Nhờ đó, ông thường xuyên đi phun thuốc thuê cho những vườn xoài quanh vùng, kiếm thêm thu nhập. “Nhờ có cái máy, tôi phun từ 1 - 2 ngày là xong 1 vườn xoài, kiếm thu nhập từ 1 - 1,5 triệu đồng, tùy vườn lớn nhỏ. Những công việc làm thuê trước đây thu nhập rất bấp bênh, không ổn định như đi phun thuốc mướn bằng máy” - ông Chau Nginh phấn khởi.
Tạo sinh kế nhỏ
Ông Chau Kim Son cho biết, Hội Nông dân huyện Tri Tôn đã triển khai thực hiện dự án “Hỗ trợ bò bản địa sinh sản cho hộ nghèo đồng bào DTTS Khmer” tại xã Ô Lâm, với 24 hộ, tổng kinh phí 357,6 triệu đồng, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ. Đơn vị còn phối hợp các ngành, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài huyện tổ chức 301 cuộc hội thảo, thu hút 11.214 lượt hội viên, nông dân tại 15 xã, thị trấn tham gia.
Qua đó, đã giới thiệu thí điểm mô hình ứng dụng pin năng lượng mặt trời phun tưới tự động cho vườn chúc ăn trái tại xã Núi Tô, với diện tích 0,13ha, do dự án PEER tài trợ; lắp đặt phun tưới vườn xoài tại xã Ô Lâm; hướng dẫn và hỗ trợ nông dân xã Châu Lăng xây dựng mô hình tưới vườn tự động điều khiển từ xa qua điện thoại di động; hỗ trợ dự án xây dựng thương hiệu đường thốt nốt tại địa phương và 2 điểm dừng chân tại xã Ô Lâm và Lương Phi, tổng kinh phí 150 triệu đồng…
Cuối tháng 9 vừa qua, thực hiện Dự án 2 (đa dạng hóa sinh kế) của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tri Tôn đã bàn giao bò giống cho UBND xã Lương Phi trao cho 21 hộ dân thuộc Tổ hợp tác chăn nuôi bò Lương Phi để nuôi vỗ béo tại cộng đồng.
Thời gian thực hiện dự án từ tháng 6/2023 đến tháng 12/2025, với tổng kinh phí 828 triệu đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 472 triệu đồng, các hộ dân tham gia đối ứng gần 356 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty TNHH Liên doanh Antraco hỗ trợ 1 con bò giống đực cho dự án để phối giống, trị giá 35 triệu đồng.
Cũng nằm trong Dự án 2, có 48 con bò giống đã được bàn giao cho 28 hộ Khmer xã Châu Lăng tham gia mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, với tổng kinh phí 924 triệu đồng (dự án hỗ trợ 630 triệu đồng, các hộ dân đối ứng 294 triệu đồng). Các hộ được tham gia lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi bò vỗ béo theo hướng an toàn sinh học, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ môi trường của Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú An Giang.
Theo ước tính, mỗi con bò sau khi vỗ béo, có thể đạt trọng lượng từ 250 - 300kg. Với giá bò hơi khoảng 100.000 đồng/kg, mỗi con thu về hơn 25 triệu đồng, giúp các hộ có lợi nhuận khoảng 9 triệu đồng/con trong chu kỳ nuôi đầu tiên; khoảng 13 triệu đồng/con trong chu kỳ nuôi tiếp theo, chưa kể thu nhập từ số con giống tăng thêm. Quan trọng hơn, mô hình tạo cơ hội để nhiều hộ nông dân Khmer có thể phát triển kinh tế nhỏ lẻ hộ gia đình.
“Thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò kết nối, hỗ trợ để ngày càng có nhiều hội viên, nông dân DTTS Khmer được thụ hưởng từ các chương trình, dự án, có thu nhập tốt hơn, vươn lên thoát nghèo” - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tri Tôn Chau Kim Son nhấn mạnh.
|
NGÔ CHUẨN