Kết quả ấn tượng
Năm 2017, chỉ số PAPI tỉnh An Giang đạt 37,51 điểm (tăng 1,88 điểm so với năm 2016), xếp hạng 18/63 tỉnh, thành phố cả nước (tăng 16 bậc), xếp hạng 6/13 tỉnh, thành phố ĐBSCL. Đối với chỉ số PAR INDEX, An Giang đạt 83,54 điểm (tăng 10,65 điểm), xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố cả nước (tăng 28 bậc) và lần đầu tiên, được xếp đứng đầu khu vực ĐBSCL. Tính riêng trong tỉnh, có 6 sở, địa phương được xếp hạng chỉ số PAR INDEX năm 2017 ở mức “rất tốt” là các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông - Vận tải, Tư pháp, Tài chính, Ngoại vụ và UBND TP. Châu Đốc. Các sở, ngành, địa phương còn lại đều ở mức “tốt”. Đối với chỉ số PCI, thực hiện phương pháp đánh giá mới, An Giang đạt 62,16 điểm, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố (tăng 4,37 điểm và 6 bậc so năm 2016), đứng thứ 7 tại khu vực ĐBSCL.
Chủ tịch UBND tỉnh Vương Bình Thạnh cho rằng, kết quả cải thiện của 3 chỉ số quan trọng là nỗ lực rất lớn của các đơn vị, cá nhân trong tỉnh. Đến nay, cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” đã được thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp xã. Trung tâm Hành chính công của tỉnh đi vào hoạt động, tập trung đầu mối, tạo thuận lợi cho người dân, DN trong quá trình giải quyết TTHC. Hầu hết các TTHC đều được quan tâm rút ngắn thời gian giải quyết, cắt giảm các giấy tờ không cần thiết. “Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp hỗ trợ phát triển DN, thu hút đầu tư, chương trình hành động nâng cao chỉ số PCI, chương trình hỗ trợ DN, thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh… Tỉnh đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý điều hành, giải quyết TTHC qua mạng, sử dụng dịch vụ bưu chính để nhận, trả kết quả TTHC đến tận nhà người dân… Tất cả những việc làm đó là nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, DN trong quá trình giải quyết TTHC” - ông Vương Bình Thạnh đánh giá.
Không được chủ quan
Dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Theo ông Vương Bình Thạnh, một trong những hạn chế là tốc độ cải cách còn chậm, kết quả đạt được chưa tương xứng với tâm huyết và yêu cầu đề ra của lãnh đạo tỉnh, quy mô CCHC chưa toàn diện, chưa có nhiều sáng kiến mang tính đột phá. Trong khi đó, một số lãnh đạo cơ quan, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý, điều hành CCHC tại cơ quan, địa phương mình. Việc tổ chức triển khai các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh còn chậm. Vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có phong cách làm việc chưa tốt, còn biểu hiện gây khó khăn, phiền hà cho người dân, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính, giờ giấc làm việc chưa thật sự tốt. Qua đó, vẫn còn nhiều TTHC trễ hạn, hẹn nhiều lần…
Ông Vương Bình Thạnh cho rằng, hiện nay đã bước vào giữa nhiệm kỳ của Chương trình CCHC giai đoạn 2016-2020, từng cơ quan, địa phương cần rà soát nhiệm vụ được giao trong Chương trình CCHC giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch CCHC năm 2018 của UBND tỉnh cũng như những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch CCHC của cơ quan, địa phương để có chủ động, chỉ đạo tổ chức thực hiện, phấn đấu hoàn thành đầy đủ các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra từ đầu nhiệm kỳ. “Trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, cơ quan, địa phương nào để cấp dưới không thực hiện hoặc thực hiện không hoàn thành, để công việc trễ hạn… thì thủ trưởng cơ quan, địa phương đó chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh. Các cơ quan, địa phương thường xuyên nghiên cứu các mô hình, cách làm hay ở các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, trong nước, kể cả học tập nước ngoài để áp dụng vào thực tế. Đồng thời, mạnh dạn đề xuất những sáng kiến đột phá, thiết thực đối với cơ quan, địa phương và tham mưu nhân rộng các mô hình hay ra toàn tỉnh” - ông Vương Bình Thạnh yêu cầu.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ CCHC, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, tạo thuận lợi và sự hài lòng cho người dân, DN, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, theo dõi, xử lý hồ sơ, sử dụng phần mềm chấm điểm tự động chỉ số CCHC đối với từng cơ quan, địa phương. Đồng thời, nhanh chóng triển khai vận hành hệ thống Camera giám sát ở 156 xã, phường, thị trấn, bộ phận “một cửa” cấp huyện, các sở, ban, ngành và Trung tâm hành chính công tỉnh An Giang.
|
NGÔ CHUẨN