Tìm cơ hội phát triển trong biến đổi khí hậu

16/02/2023 - 07:12

 - Biến đổi khí hậu (BĐKH) là câu chuyện không mới, nhưng vẫn chưa cũ. Khi thời tiết ngày càng trở nên cực đoan hơn, con người càng phải biết “thuận theo tự nhiên”, nỗ lực đưa mọi thứ trở về sự ổn định vốn có. Thách thức rất nhiều, nhưng biết nhìn ra cơ hội từ câu chuyện này, sẽ là góc nhìn rất khác.

Con người phải thích nghi với biến đổi khí hậu cực đoan

Kịch bản nhiều năm tới

Theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2025, mức độ biến đổi nhiệt độ trung bình theo năm tăng 0,7 - 0,8oC. Đến năm 2030, mức tăng nhiệt độ trung bình năm tăng 0,9 - 1oC. Đến năm 2025, mức độ biến đổi nhiệt độ trung bình theo năm tăng 0,9 - 1oC. Đến năm 2030, mức tăng nhiệt độ trung bình năm tăng 1 - 1,2oC.

Đến năm 2050, lượng mưa năm tăng lên 9,1% (mùa mưa tăng 4,7%, mùa khô tăng 24,6%). Giai đoạn này, lượng mưa mùa khô biến động mạnh hơn so với giai đoạn 2025 và 2030. Kết hợp kịch bản nước biển dâng, ngập lụt do lũ và triều cường, An Giang có diện tích ngập khá lớn, nằm rải rác các địa phương, nặng nề nhất phải kể đến huyện An Phú và TP. Long Xuyên.

Điều đó đồng nghĩa với việc, nắng nóng, thiếu nước làm tăng diện tích đất khô cằn, bỏ hoang nhiều nơi, ảnh hưởng đến hoạt động trồng trọt và chăn nuôi của người dân. Nước dâng, ngập lụt, triều cường làm cho diện tích đất bị ngập tăng và làm mất đất canh tác.

Lượng mưa ít vào mùa khô, mưa muộn ảnh hưởng đến mực nước ngầm, sản xuất nông lâm nghiệp và sinh hoạt. Nhiệt độ thay đổi làm tình hình dịch hại trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp. Nếu nhiệt độ tăng 1oC, sản lượng nông nghiệp giảm 10%. Sản lượng vụ đông xuân giảm 2,4%, đến năm 2070 giảm 11,5%. Vụ hè thu giảm 4,5%, đến năm 2100 giảm 50%.

Ngập lụt gây ảnh hưởng đến việc vận chuyển nguyên vật liệu lưu thông qua lại giữa các vùng, gây thiệt hại cho sản xuất. BĐKH có thể tác động đến hiện tượng di dân, làm thiếu hụt lao động phục vụ cho các ngành sản xuất công nghiệp. Sự tăng nhiệt độ góp phần làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện năng. Mưa bão nhiều gây ngập lụt, khó khăn cho giao thông đi lại, nhiều tuyến đường bị chia cắt. Bên cạnh đó, có thể gây sạt lở, ảnh hưởng đến các tuyến đường ven sông, ven kênh.

“Cái khó ló cái khôn”

Theo phân tích của UBND tỉnh, BĐKH gây ra nhiều thách thức. Nhưng ở góc độ khác, BĐKH mang đến cơ hội không nhỏ cho các ngành, lĩnh vực, nếu chúng ta thay đổi cách tiếp cận. Đối với ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, BĐKH thúc đẩy quá trình nghiên cứu tạo ra giống cây trồng và vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng địa phương; tạo điều kiện hình thành vùng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, xây dựng thương hiệu nông sản cho tỉnh; mở ra cơ hội hợp tác với công ty, tập đoàn lớn trong việc phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp xanh thích ứng với BĐKH, có quy mô và năng suất lớn, mang lại hiệu quả cao cho người dân.

Đối với ngành công nghiệp, BĐKH là cơ hội để tỉnh chú trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội theo hướng tăng trưởng xanh, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất, từ đó mang lại cơ hội chuyển đổi công nghệ sản xuất. Hiện tượng nhiệt độ tăng, nắng nóng kéo dài giúp cho ngành năng lượng điện mặt trời có nhiều cơ hội phát triển hơn (đặc biệt ở huyện Tri Tôn và Tịnh Biên).

Đối với ngành giao thông vận tải, xây dựng, BĐKH thúc đẩy quá trình nghiên cứu ra vật liệu có khả năng hạn chế giãn nở nhiệt, chống xói mòn, chống sạt lở; thúc đẩy quá trình kết nối, hợp tác giữa các vùng, khu vực trong tỉnh, nhằm tìm ra giải pháp thích hợp cho hoạt động giao thông…

Để nắm bắt những cơ hội trên, vượt qua thách thức, ngăn chặn đến mức tối đa ảnh hưởng của BĐKH đến đời sống người dân trong tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư vừa ký ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về ứng phó với BĐKH, tỉnh phấn đấu nâng cao năng lực của cơ quan quản lý các cấp, nhận thức của cộng đồng. Đến năm 2050, 100% cán bộ quản lý các cấp được tập huấn, nâng cao năng lực trình độ về ứng phó BĐKH; 70% cộng đồng dân cư được nâng cao nhận thức về BĐKH. Nhiệm vụ ứng phó BĐKH và giảm thiểu rủi ro thiên tai phải được lồng ghép vào các kế hoạch phát triển của tất cả ngành, lĩnh vực.

Đồng thời, tỉnh xác định mục tiêu đưa giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường hoạt động giảm phát thải khí nhà kính ở tất cả lĩnh vực, góp phần thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 theo cam kết của Chính phủ tại Hội nghị COP 26; tiếp tục thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch và tín chỉ các-bon…

Giải pháp ứng phó với BĐKH thời gian tới được tỉnh đưa ra chia thành nhóm tăng cường năng lực, thể chế, chính sách; giải pháp thích ứng trong từng lĩnh vực (nông nghiệp, lâm nghiệp; công nghiệp, năng lượng; xây dựng, giao thông vận tải; du lịch; y tế, giáo dục, truyền thông; tài nguyên và môi trường). Cùng với đó là danh mục 41 nhiệm vụ, dự án ưu tiên ứng phó với BĐKH tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

VẠN LỘC