Phân loại, đóng gói sản phẩm rau tại Hợp tác xã nông nghiệp thương mại dịch vụ Phú Quới, xã Yên Luông, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang). Ảnh: NGUYỄN SỰ
Là nơi sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước, những ngày này, nông dân tại các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre nói riêng và cả vùng ĐBSCL nói chung như “ngồi trên đống lửa” khi nhiều loại nông sản đến vụ thu hoạch bí đầu ra. Do khó tìm nơi tiêu thụ, nông sản bị ùn ứ, kéo theo giá giảm sâu.
Tiêu thụ nông sản gặp khó
Hơn một tháng nay, gia đình bà Phan Thị Cà, ngụ xã Thừa Đức, huyện Bình Đại (Bến Tre) tất bật lo thu hoạch, rồi tìm nguồn tiêu thụ cho khoảng 20 tấn củ cải trắng, củ sắn (củ đậu), đậu phộng (lạc)... của gia đình. Do giãn cách xã hội nên gia đình bà phải tìm đủ mọi kênh như mạng xã hội, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên... mới tiêu thụ hết số sản phẩm thu hoạch được. “Trước đây, gia đình thu hoạch sẽ có thương lái đến tận đồng để thu mua, chuyển đi tiêu thụ. Từ khi dịch bệnh tới nay, việc tiêu thụ thay đổi hoàn toàn nên việc thu hoạch cũng thay đổi theo. Hiện giờ, bất cứ lúc nào có người gọi điện đặt hàng dù số lượng bao nhiêu cũng thu hoạch để kịp giao hàng. Nhờ vậy, gia đình tôi đã tiêu thụ hết nông sản ngay trong mùa dịch bệnh dù giá không cao như mọi năm”, bà Cà nói.
Không chỉ có nông dân, các hợp tác xã (HTX) cũng gặp khó trong khâu tiêu thụ. Theo ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc HTX Rau an toàn Hòa Thạnh, xã Bình Tân, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang), các sản phẩm của HTX chủ yếu cung ứng qua hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích tại TP Hồ Chí Minh với sản lượng từ 5 - 6 tấn rau các loại mỗi ngày. Giờ, do dịch bệnh và việc siết chặt các chốt kiểm soát dịch khiến hàng hóa lưu thông lên TP Hồ Chí Minh tiêu thụ gặp khó khăn và rau các loại tồn đọng khá nhiều. Hiện, HTX chưa tìm được hướng để tiêu thụ hết lượng rau cho xã viên.
Tại Long An, các hộ trồng thanh long đang rất lo lắng khi giá giảm sâu. Toàn tỉnh hiện có hơn 12.000 ha thanh long, trong đó diện tích cho trái hơn 10.000 ha. Do giá thanh long ở mức rất thấp, chỉ khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg, nhà vườn đang thua lỗ nặng.
Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An Nguyễn Quốc Trịnh cho rằng, việc xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc đã thông thương cả đường bộ lẫn đường thủy, nhưng chi phí vận chuyển lại tăng. Cụ thể, vận chuyển 15 tấn hàng sang Trung Quốc đã đội lên hơn 150 triệu đồng/container. Chính chi phí vận chuyển cao đã kéo giá thanh long xuống rất thấp, chỉ còn khoảng 3.000 đồng/kg.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An Định Thị Phương Khanh đề xuất, các bộ, ngành Trung ương cần có chỉ đạo cho các tỉnh, thành phố thống nhất chung phương án kiểm soát dịch bệnh để bảo đảm hàng hóa lưu thông được thông suốt. Chi phí vận chuyển đã bị đẩy lên rất cao, gấp hai đến ba lần so với trước dịch đã làm cho giá thành sản xuất tăng cao.
Nông dân xã Hòa Phú, Châu Thành (Long An) thu hoạch thanh long. Ảnh: THANH PHONG
Kết nối đầu ra cho nông sản
Bằng nhiều kênh khác nhau, xã Thừa Đức, huyện Bình Đại (Bến Tre) đã kết nối giúp người dân trên địa bàn tiêu thụ hơn 970 tấn nông sản. Bà Đỗ Thị Hồng Nhung, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thừa Đức cho hay, trong đợt giãn cách theo Chỉ thị 16, việc tiêu thụ nông sản của nông dân gặp rất nhiều khó khăn do ít thương lái đến thu mua. Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên xã... đã tìm nhiều kênh từ bán hàng qua mạng, kết nối các địa phương khác để tiêu thụ dưa hấu, củ sắn, củ cải, đậu phộng, thủy sản... giúp người dân. Thời gian tới, các loại nông sản chuẩn bị thu hoạch tiếp tục được địa phương kết nối tiêu thụ giúp nông dân.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển tỉnh Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho biết: Tỉnh đang khuyến khích người dân, HTX, tổ hợp tác và doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (sàn postmart.vn) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (sàn voso.vn). Phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức các điểm bán hàng bình ổn và hàng hóa thiết yếu hỗ trợ người dân các xã tiêu thụ nông sản trong mùa dịch, nhất là sản phẩm nông sản có sản lượng lớn...
Tại Tiền Giang, sau một thời gian gặp khó trong việc tiêu thụ sản phẩm cho xã viên cũng như nông dân do khâu vận chuyển, HTX nông nghiệp dịch vụ nông thôn Bình Nhì, huyện Gò Công Tây đã liên kết với các đối tác giúp xã viên và nông dân tiêu thụ được sản phẩm. Giám đốc HTX Huỳnh Văn Lượng chia sẻ: “Sau khi một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội, việc lưu thông hàng hóa của HTX bị tắc nghẽn. Từ đó, nhiều thương lái đã lợi dụng thời điểm này để ép giá nông dân và xã viên. HTX đã liên kết với các HTX khác tại Tiền Giang có hợp đồng tiêu thụ lớn và cung ứng sản phẩm theo nhu cầu của họ. Từ đó, nông dân trên địa bàn tiêu thụ được sản phẩm, giá cả cũng cao hơn thị trường từ 1.000 đến 3.000 đồng/kg. Mỗi ngày, HTX cung ứng hơn bốn tấn hàng các loại như bầu, bí, mướp, rau các loại”.
Theo ông Võ Văn Lập, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Tiền Giang, nhờ sự hỗ trợ của Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam trong điều kiện dịch Covid-19 (Tổ công tác 970) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc giải quyết đầu ra cho một số sản phẩm nông sản gặp nhiều thuận lợi hơn.
Thực tế Tổ công tác 970 đã thực hiện kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nhiều tỉnh, thành phố phía nam, nhất là các địa phương ở ĐBSCL. Đến nay, đã có 1.344 đầu mối cung cấp nông sản và thực phẩm đăng ký với Tổ công tác 970 sản lượng hàng nghìn tấn mỗi ngày, sản phẩm cung cấp rất đa dạng. Các đầu mối cung cấp hàng hóa là hệ thống các HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, trang trại, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nhỏ, các ban quản lý chợ…
Tại TP Hồ Chí Minh, Tổ công tác 970 đã triển khai thành công chương trình túi an sinh kết hợp năm loại nông sản, tổng trọng lượng 10 kg/túi (combo 10 kg/túi) cho một số doanh nghiệp, siêu thị. Túi an sinh này bảo đảm cho nhu cầu một hộ từ ba đến năm ngày với các mức giá: combo bình dân giá 100.000 đồng/túi 10 kg; combo trung bình giá 150.000 đồng/túi 10 kg; combo hạng cao hơn giá 200.000 đồng/túi 10kg...
Tiến sĩ Trần Minh Hải (Tổ công tác 970) cho biết, thông qua hoạt động kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản đã hình thành các đầu mối lớn cung cấp nông sản - hàng hóa giúp đẩy nhanh thời gian cung cấp hàng từ các tỉnh về TP Hồ Chí Minh và mỗi ngày kết nối thành công số lượng lớn nông sản, hàng hóa thông qua hoạt động này.
Theo Nhân Dân