Nguồn gốc lễ Giáng sinh
Lễ Giáng sinh còn được gọi là Noel, Christmas, Xmas hay lễ Thiên Chúa giáng sinh (từ tiếng Pháp Noël, là viết tắt từ gốc Em-ma-nu-el, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta) là một ngày lễ kỷ niệm ngày Chúa Giê-su ra đời của phần lớn người Cơ Đốc giáo (Kitô giáo). Họ tin là Chúa Giê-su được sinh tại Bethlehem thuộc tỉnh Judea của Đế quốc La Mã (ngày nay là 1 thành phố của Palestine).
Giáng sinh ngày nay đã trở thành một ngày lễ quốc tế.
Ngày lễ Giáng sinh được cử hành chính thức vào ngày 25/12 nhưng thường được tổ chức từ tối ngày 24/12 bởi theo lịch Do Thái, thời điểm tính bắt đầu một ngày là lúc hoàng hôn chứ không phải nửa đêm.
Lễ chính thức ngày 25/12 được gọi là "lễ chính ngày", còn lễ đêm 24/12 gọi là "lễ vọng" và thường thu hút nhiều người tham dự hơn. Nhiều giáo hội Chính Thống giáo Đông phương như ở Nga, Gruzia vẫn sử dụng lịch Julius để định ngày này, cho nên lễ Giáng sinh của họ ứng với ngày 7/1 theo lịch Gregory.
Nguyên thủy, lễ Giáng sinh là của những người theo đạo Kitô giáo, nhằm kỷ niệm ngày sinh ra của người lãnh đạo tôn giáo mình, người mà họ cho là Thiên Chúa xuống thế làm người. Nhưng dần dần, theo thời gian và qua các lễ hội của phương Tây, người ta tổ chức lễ Giáng sinh ngày càng linh đình. Kết quả là bây giờ, lễ Giáng sinh được xem là một ngày lễ quốc tế với ông già Noel và cây thông Noel ở khắp mọi nơi.
Ý nghĩa ngày Giáng sinh
Ngoài ý nghĩa kỷ niệm ngày Thiên Chúa giáng sinh của những người theo đạo, Noel là một ngày lễ gia đình, một ngày để mọi người quây quần, gắn kết tình cảm.
Trẻ em trong gia đình rất yêu thích ngày Noel vì tất cả mọi điều ước của chúng trong ngày này sẽ trở thành sự thật và được nhận quà từ ông già Noel đáng mến.
Ngày Noel cũng là một thông điệp của hoà bình “Vinh danh Thượng Đế trên cao – Bình an cho người dưới thế”: đây là câu được hát bởi những thiên thần báo tin sự xuất hiện của vị cứu thế và Noel cũng là ngày người ta chia sẻ với những ai bị bỏ rơi, bị cô đơn, bệnh hoạn, già yếu…
Một số biểu tượng Giáng sinh
Ông già Noel (Santa Claus) hay thánh Nicholas có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ từ thế kỷ thứ 4. Thánh Nicholas được ca tụng vì tình yêu đối với trẻ em và sự hào phóng của ngài. Đặc biệt, theo truyền thuyết, vào đêm Giáng sinh ông già Noel sẽ xuất hiện và tặng quà cho trẻ em.
Tuần lộc: chiếc sừng của tuần lộc có khả năng bắt, thu nhận tất cả những giấc mơ, nguyện vọng của trẻ em trên toàn thế giới. Do đó ông già Noel quyết định chọn loài sinh vật này làm phương tiện di chuyển trong đêm Noel.
Ông già Noel là một biểu tượng của lễ Giáng sinh.
Cây thông Noel: Người ta thường sắm một cây thông và trang trí lên đó những ngôi sao, những quả châu, dải kim tuyến lấp lánh, hoa... Cây thông được xem là biểu tượng của niềm hy vọng và sức sống mới.
Hang đá và máng cỏ: Vào đêm 24/12 tại các giáo đường đều có hang đá và máng cỏ, bên trong có tượng Chúa Hài đồng, tượng Đức mẹ Maria, xung quanh có những con lừa, tượng Ba Vua, một số thiên thần, Thánh Giuse trên mái nhà có ánh sáng, chiếu từ một ngôi sao hướng dẫn ba vua tìm đến với Chúa.
Vòng lá là vòng tròn kết bằng cành lá xanh, thường được đặt trên bàn hay treo lên cao để mọi người trông thấy. Vòng lá có hình tròn nói lên tính cách vĩnh hằng và tình yêu thương vô tận của Thiên Chúa.
Bông tuyết: Giáng sinh đến vào mùa tuyết rơi ở phía bắc lãnh thổ nước Mỹ. Chính vì vậy bông tuyết đã trở thành biểu tượng Giáng sinh không thể thiếu ở Mỹ.
Chuông từ lâu đã gắn bó mật thiết với các nhà thờ Thiên chúa giáo. Chính vì vậy chuông là một biểu tượng quen thuộc trong mùa Giáng sinh.
Ngôi sao trong lễ Giáng sinh có ý nghĩa đặc biệt. Tương truyền, lúc Chúa vừa chào đời, trên trời xuất hiện một ngôi sao rực rỡ. Vào mùa Giáng sinh, ngôi sao và được treo chỗ sang trọng nhất ở các giáo đường.
Nến: Trong ngày lễ Giáng sinh, người dân thường thắp nến để biểu thị cho sự ấm áp, thịnh vượng cũng như là ánh sáng chiếu sáng đến Chúa giáng sinh.
Tất: Dịp Noel trẻ em thường treo bít tất bên cạnh lò sưởi để nhận quà như ước mơ từ ông già Noel.
Giáng sinh không thể thiếu những hộp quà, cây thông...
Hộp quà: Những món quà biểu lộ tình yêu của mọi người với gia đình và bạn bè. Đối với một số người, những món quà Giáng sinh còn có một ý nghĩa tín ngưỡng sâu sắc. Đó là lễ kỷ niệm ngày sinh của Chúa Jesus, món quà mà Thiên Chúa đã ban tặng cho con người.
Chiếc kẹo gậy thể hiện cho tình yêu và sự hy sinh của Chúa Jesus. Màu trắng của kẹo biểu hiện cho sự trong trắng và vô tội của Chúa. Sau đó, ba sọc nhỏ tượng trưng cho những đau đớn mà Chúa đã phải chịu trước khi ngài chết trên cây thập ác. Một sọc đậm để tượng trưng cho máu mà Chúa đã đổ cho loài người.
Cây trạng nguyên: Theo truyền thuyết cho rằng một bé trai không có quà dâng lên Chúa Hài Đồng, nên em đã mang đến máng cỏ một chùm lá cây. Các bạn em cười chế nhạo em, nhưng khi em đặt những nhánh lá dưới chân Chúa Hài Đồng, những cành lá đó biến thành những bông hoa đỏ rực rỡ rất đẹp.
Bánh khúc cây đã trở thành một trong những món bánh mừng Giáng sinh quen thuộc và phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Tương truyền ăn bánh khúc cây trong dịp Giáng sinh sẽ giúp mọi người xua đuổi điều xui xẻo.
Theo NGỌC KHÁNH (Vietnamnet)