Tịnh Biên – 40 năm dựng xây và phát triển

25/01/2020 - 06:00

 - Chính thức tái lập vào ngày 23-8-1979, sau 40 năm phấn đấu và xây dựng, Tịnh Biên (An Giang) đã thực sự vươn mình với những công trình thủy lợi tiêu biểu, những điểm du lịch hấp dẫn và tiềm năng giao thương biên mậu. Qua đó, cho thấy nỗ lực của hệ thống chính trị địa phương cùng những đóng góp về trí tuệ, bản lĩnh của thế hệ lãnh đạo, cán bộ và nhân dân Tịnh Biên các thời kỳ.

Đi lên từ gian khó

Trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, Đảng bộ và nhân dân huyện Tịnh Biên đã vượt qua muôn vàn gian khổ, bằng ý chí tự lực, tự cường, góp phần cùng cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, một lần nữa huyện Tịnh Biên lại đứng trước “đầu sóng, ngọn gió” với quyết tâm giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Qua đó, bảo vệ được thành quả của Cách mạng, mở ra thời kỳ dựng xây và phát triển, từng bước ổn định đời sống của nhân dân.

“Trong muôn vàn khó khăn, Đảng bộ huyện Tịnh Biên đã quán triệt sâu sắc tư tưởng kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội, tích cực thực hiện công cuộc đổi mới, luôn coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt trong quá trình kiến thiết quê hương.

Thành tựu của nổi bật của huyện là sự năng động, linh hoạt, vận dụng sáng tạo các chủ trương của Đảng, Nhà nước vào điều kiện thực tế của địa phương, phục vụ đắc lực tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn” – Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thành Huân khẳng định.

Trong thời kỳ đầu xây dựng, Đảng bộ huyện Tịnh Biên xác định sẽ tập trung sức lực khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, phát động phong trào quần chúng thi đua lao động sản xuất, ra sức cải tạo ruộng đồng, mở rộng diện tích canh tác.

Từ đó, đã tạo ra bước phát triển khá vững chắc trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Năng suất lúa bình quân năm 1982 là 1,8 tấn/ha, đến năm 1985 đạt 2,3 tấn/ha, diện tích hoa màu đạt được 1.100ha… đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, được cải thiện đáng kể.

Trên đà phát triển

Kế thừa truyền thống cha anh, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ và nhân dân huyện Tịnh Biên luôn chung sức, chung lòng dựng xây quê hương. Trong đó, huyện đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng kết hợp đầu tư những công trình thủy lợi, nỗ lực phát huy tiềm năng du lịch và kinh tế biên giới, tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

Đến nay, toàn huyện đã chuyển dịch hơn 1.450ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang những cây trồng có giá trị kinh tế cao như khoai mì công nghiệp, đậu phộng. “Mục tiêu của huyện là kết nối doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho nông dân để chủ động đầu ra cho các loại nông sản này. Đây là bước tiến mới nhằm phát triển những cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Đồng thời, những công trình thủy lợi đặc thù như Hệ thống trạm bơm 3-2, Trạm bơm bọng Đình Nghĩa đã trở thành biểu tượng cho nỗ lực của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ và nhân dân Tịnh Biên trong việc mang nước lên cao để đánh thức tiềm năng sản xuất ở vùng đất này” – ông Nguyễn Thành Huân cho hay.

Tịnh Biên "thay da đổi thịt" sau 40 năm dựng xây và phát triển

Về du lịch, Tịnh Biên đã đón hơn 3,6 triệu lượt du khách đến tham quan, mua sắm (trong đó có 14.500 du khách nước ngoài) với doanh thu hơn 371 tỷ đồng trong năm 2019.

Hiện nay, Tịnh Biên đang tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và đề cao tinh thần ứng xử văn hóa của người dân tại các điểm, các khu du lịch, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư phát triển các dự án đầu tư trên địa bàn. Trong năm 2019, kim ngạch xuất - nhập khẩu của Tịnh Biên đạt trên 306 triệu USD, tăng 89% so cùng kỳ.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tịnh Biên đã xây dựng các xã Núi Voi, Thới Sơn, Tân Lợi và Nhơn Hưng trở thành xã nông thôn mới. Trong đó, xã Thới Sơn đang tích cực hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Các xã An Phú, Tân Lập, Vĩnh Trung, An Hảo, An Nông, An Cư… đều đạt từ 10 đến 14 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đó là kết quả từ sự quan tâm, nỗ lực của hệ thống chính trị địa phương và sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân trong công cuộc dựng xây, đổi mới quê hương.

Định hướng tương lai

Những thành tựu trên đã đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của Tịnh Biên trên con đường phát triển. Đó là động lực để huyện miền núi này tiếp tục phấn đấu vươn đến những mục tiêu cao hơn trong tương lai.

“Mục tiêu trọng tâm của huyện những năm tới là nâng chất cơ sở hạ tầng giao thông, hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng đô thị để trở thành thị xã trong tương lai. Chúng tôi xác định 7 đơn vị hành chính sẽ thực hiện nâng cấp lên phường là thị trấn Tịnh Biên, thị trấn Chi Lăng, thị trấn Nhà Bàng và các xã An Phú, Thới Sơn, Nhơn Hưng, Núi Voi.

Các địa phương này sẽ tập trung huy động nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh. Đồng thời, đảm bảo các chỉ tiêu về tỷ lệ hộ nghèo, mật độ dân số, xây dựng quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị…” – ông Nguyễn Thành Huân thông tin.

Vẻ đẹp rừng tràm Trà Sư hút hồn du khách. Ảnh: TRUNG HIẾU

Hiện nay, huyện đã vận dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách và vận động xã hội hóa để thực hiện duy tu, nâng cấp các tuyến đường giao thông, các công trình trọng điểm làm động lực phát triển kinh tế - xã hội và tạo nền tảng đi lên thị xã. Trong đó, nổi bật là dự án cơ sở hạ tầng Núi Cấm đã đạt 93% khối lượng công trình và đang thi công dự án Khu dân cư dưới chân Núi Cấm.

Thời điểm này, huyện cũng nỗ lực đẩy nhanh tiến độ nâng cấp đường tỉnh 948, đường tỉnh 955A để thông suốt “mạch máu” cho hoạt động du lịch và giao thương biên mậu...

Đồng thời, Tịnh Biên cũng sẽ thực hiện các công trình chào mừng Đại hội Đảng các cấp kết hợp với việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị, như: cổng chào huyện, công viên cổng chào huyện, công viên khu hành chính huyện, đường liên xã Nhà Bàng – Thới Sơn, nâng cấp lộ Tây Trà Sư, trồng 12.000 cây xanh đô thị... với tổng kinh phí thực hiện khoảng 38 tỷ đồng. Các công trình này sẽ góp phần tăng vẻ mỹ quan, tạo tiền đề thuận lợi để Tịnh Biên trở thành thị xã trong tương lai.

“Đã 40 năm đi qua, bao nhiêu nước mắt và mồ hôi của những lớp người đã thấm vào vùng đất này, gầy dựng nên truyền thống hào hùng, kiên cường bất khuất. Kế thừa truyền thống đó, chúng tôi đang tiếp tục xây dựng quê hương Tịnh Biên ngày càng tươi đẹp hơn, trở thành điểm đến lý tưởng cho hoạt động đầu tư, phát triển du lịch và giao thương biên mậu. Và trong tương lai, thế hệ trẻ huyện nhà sẽ lại tiếp nối tinh thần ấy, cùng xây dựng Tịnh Biên trở thành đô thị năng động ở vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc” – Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Nguyễn Thành Huân khẳng định.

THANH TIẾN