Tình đất miệt thứ

25/01/2023 - 04:59

Chiếc xe máy lạnh đời mới đưa chúng tôi băng qua phố thị, tiến dần về Tắc Cậu, An Biên, U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang), nơi xưa giờ vẫn gắn liền với từ cửa miệng “miệt thứ”. Càng gần đến nơi, thì mấy cây bút lão luyện, nhiều năm lui tới U Minh càng nhắc đến “hồi đó”. Người sống lưng lửng giao thời như chúng tôi thì bất giác hoài niệm nhớ cha, nhớ ông.

Ký ức U Minh

“Thằng bạn tôi hồi đó vào xứ U Minh làm việc, về kể với bà con cô bác là ở xứ này trâu bò phải ngủ mùng, hổng ai tin. Chèn ơi, câu nói “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh tựa bánh canh” là chuyện có thiệt mà! Chiều tối, muỗi ào ra tấn công, trâu bò nào chịu nổi, chết là bình thường. Còn vắt thì nhiều vô số, sơ sểnh một chút là chúng nhảy lên hút máu” - nhà báo Mười Phụ rổn rảng kể chuyện xưa, khi xe bắt đầu băng qua vùng đệm của Vườn quốc gia U Minh Thượng.

Nhà báo dẫu say nghề như ông, chừng 20 năm trước, nghe nói đi công tác ở miệt thứ này, cũng tự nhiên ngán ngược. Đường sá khó đi, thiếu thốn đủ thứ, mỗi chuyến công tác trùng trùng vất vả, kéo dài nhiều ngày mới trở ra ánh sáng thị thành. Không gian thiên nhiên của U Minh không phải ai cũng phù hợp, dám dấn thân. Như câu ca dao “U Minh, Rạch Giá, thị quá sơn trường/ Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua”, con người chỉ là một sinh vật bé nhỏ, yếu ớt giữa chốn rừng thiêng nước độc, giữa nơi hoang dã.

Về U Minh, chợt nhớ nhà văn Sơn Nam - ông già Nam Bộ lẫy lừng thuở trước. Trong cuốn “Văn minh miệt vườn”, ông giải thích: “U Minh có nghĩa là tối và mờ, u u minh minh, có lẽ ở đây cây cỏ quá dày và rậm rạp, nước ngập lênh láng, đất lại thấp nên thuở xưa còn gọi là Láng Biển, Láng U Minh”.

Với nhiều người, tiếng U Minh gợi lên cái gì xa xăm, thăm thẳm, heo hút và mênh mông, rất khó nắm bắt. Mấy bận lui tới đàm đạo chuyện đời, chuyện văn cùng cha tôi, dường như ông mang cả ký ức từ chốn quê xa tít về đến thị thành. Ai nói xứ đó buồn, khó sống, chứ với ông, chưa bao giờ ông muốn xa quê, như ông từng tự thán “Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê...”.

U Minh, trong ký ức của ông, là cuộc sống sinh động đến ngỡ ngàng: “Khách đi đường ngỡ mình lạc lối trong hang, thứ hang thiên nhiên, bất tận. Có tiếng vượn hú. Từ bên này, con vượn bồng con, nắm sợi dây rau câu, lấy trớn đu mình sang nhánh ở bờ bên kia để hái trái rừng. Trái quá chát, vỏ quá dày, vượn nhăn mặt, bực tức ném mạnh.

Trái vừng sa vào giữa lưới nhện giăng hờ, lơ lửng. Lưới rung rinh không đứt hẳn; con nhện hoảng hốt, thả sợi tơ dài, sa xuống. Chợt thấy mặt nước, nó toan rút lên. Nhưng trễ quá rồi! Con cá bông phóng mỏ theo, táp mạnh… Cá lớn bằng cây cột nhà, vảy xanh vảy trắng thêu từng vòng ngời lên khắp thân mình. No mồi, cá lặn sát đáy, lội nhanh. Bầy cá con hối hả di chuyển theo mẹ, hàng trăm con lấm tấm như rắc cườm đầy mặt nước, mất dạng trong bóng mát đằng kia…” (Hương rừng).

Tình đất lẫn vào tình người

12 năm trước, chị Néang Ma La (ngụ xã An Tức, huyện Tri Tôn) theo người yêu về U Minh Thượng. Ở nơi xa lạ, cách quê nhà 150km, chị vẫn cảm thấy thân thương quá đỗi. Người dân thân thiện vô cùng, gặp lần đầu mà gần gũi như quen biết từ lâu rồi. Ấn tượng của chuyến đi ấy đẹp đến nỗi, chị nhận lời về xã An Minh Bắc làm việc, làm dâu, chẳng mảy may băn khoăn, trăn trở gì cả.

Mà U Minh hồi đó đâu được như bây giờ! Đường về làm dâu xứ lạ của chị là con đường lộ nhỏ xíu, dằn xóc tê mình. Xa thiệt xa mới nhìn thấy 1 mái nhà. Càng đi xa, sóng điện thoại mỏng dần, không gian càng vắng vẻ hơn. Nơi chị làm việc trực thuộc Vườn quốc gia U Minh Thượng, nhưng phòng vé chỉ là căn nhà lá, nhà sàn. Mãi về sau này mới được đầu tư khang trang, kiên cố.

Rồi cuộc sống phát triển, U Minh “thay da, đổi thịt” từng ngày. Nhà cửa dày đặc, đường sá dễ chạy, khác hẳn xưa. Lực lượng chức năng có thể đi tuần tra trên lộ đan 1,5-2m, thay cho phương thức tuần tra duy nhất bằng vỏ lãi xưa kia. “Tôi sinh được 2 đứa con, coi như bám gốc bám rễ ở U Minh luôn rồi. Điều tôi thích nhất là nơi đây có không khí trong lành, cuộc sống bình yên, không xô bồ, náo nhiệt. Đôi lúc, tôi tự hỏi, không hiểu sao mình có thể sống đơn giản, không bon chen gì cả. Chưa bao giờ tôi nuối tiếc vì lập gia đình xa quê. Tôi vẫn về An Giang vài lần mỗi năm, vẫn như chưa từng xa xứ” - chị Ma La tâm sự trong buổi chiều tà, trước giờ tan làm.

Trước khi chúng tôi đến U Minh Thượng, trời mưa rỉ rả, rồi mưa như trút nước. Con đường phía trước trắng cả nỗi niềm của khách trên xe. May thay, trời trống chân dần, ráo hoảnh như chưa từng mưa. Không gian mát mẻ giúp chúng tôi có dịp nhìn ngắm nhiều loài động vật hoang dã được cứu hộ và chăm sóc tại Vườn quốc gia U Minh Thượng. Tê tê, rái cá lông mũi, dơi ngựa Thái Lan, mèo cá, khỉ đuôi dài, điêng điểng, già đẩy Java, rùa ba gờ, trăn đất, cà cuống... được sinh sống trong môi trường tự nhiên của chúng, được bảo hộ khỏi bàn tay hám lợi, thói sành ăn của một số con người.

“Đất lành, chim đậu”, chẳng sai tí nào. Động vật hiểu rõ hơn hết sự thân thiện của con người là thật tâm hay hình thức, bằng giác quan nhạy bén của chúng. Thế nên, ở vùng đất lành U Minh Thượng này, bầy khỉ ngồi giữa đường nhựa, trơ mắt nhìn xe cộ qua lại. Chiều vắng khách, chúng tràn ra quầy đồ ăn trước phòng vé, “xin” mớ chuối chín, bánh trái của mấy cô bán hàng. Muỗi vẫn cứ như sáo thổi, vo ve đặc quánh không gian. Đỉa, vắt vẫn thủng thỉnh sinh sống ở nơi chúng vẫn sống…

Rời U Minh, chúng tôi trở về phố thị náo nhiệt, nơi mình thuộc về, nhưng câu chuyện với đồng hương An Giang khiến chúng tôi cảm thấy, U Minh trở nên thân thuộc, như cảm giác chị Ma La nhận được hơn 10 năm trước. Trở thành vườn quốc gia, U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) và U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau) sẽ được bảo tồn, gìn giữ không gian miệt thứ ngày xưa nhà văn Sơn Nam vẫn nhắc. Tình đất rồi sẽ lẫn vào tình người, nương nhau mà sống, dẫu thế sự đổi thay.

Ngày 30/4/2015, Ban Thư ký Công ước Ramsar đã công nhận Vườn quốc gia U Minh Thượng là khu Ramsar thứ 8 của Việt Nam, thứ 2.228 của thế giới. Tính độc đáo của hệ sinh thái rừng tràm trên đất than bùn đã làm phong phú của chuỗi dinh dưỡng, tạo điều kiện cho sự hình thành, phát triển nguồn tài nguyên động vật hoang dã đa dạng. Nơi đây có sự hiện diện của 32 loài thú, 184 loài chim, 50 loài bò sát lưỡng cư, 64 loài cá, 209 loài côn trùng. Trong đó, 54 loài động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam (năm 2007) và danh lục IUCN (năm 2021).

GIA KHÁNH