Tinh giản biên chế và những con số biết nói!

09/03/2023 - 19:40

Kết quả tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 tuy đạt về chỉ tiêu số lượng nhưng chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tinh giản biên chế là một chủ trương lớn của Nhà nước, đã được thực hiện liên tục, thường xuyên trong nhiều năm qua và đạt nhiều kết quả.

Theo số liệu thẩm tra tinh giản biên chế đến ngày 15/10/2018 và số liệu kiểm tra tinh giản biên chế đến 30/6/2022 của Bộ Nội vụ thì số liệu tinh giản biên chế của các Bộ, ngành, địa phương đến nay là 79.024 người (Bộ ngành: 5.510 người; địa phương: 73.5134 người).

Cụ thể hơn, nếu tính theo đối tượng áp dụng thì số viên chức nghỉ tinh giản biên chế cao nhất (tỷ lệ 66,115%); cán bộ, công chức cấp xã (tỷ lệ 19,020%) và thấp nhất là người làm việc tại khu vực doanh nghiệp (tỷ lệ 0,216% ; người làm việc tại các Hội (chiếm tỷ lệ 0,230%). 

Còn nếu tính theo lý do tinh giản biên chế thì tinh giản biên chế do đánh giá hàng năm không hoàn thành nhiệm vụ cao nhất (tỷ lệ 52,712%); do chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo (chiếm tỷ lệ là 15,684%); dôi dư do sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, đơn vị hành chính (tỷ lệ là 15,447%) và thấp nhất là do sức khỏe không đảm bảo tỷ lệ là 3,746% ). 

Ở góc khác, nếu tính theo chính sách được hưởng thì đối tượng hưởng chính sách về hưu trước tuổi cao nhất (tỷ lệ 81,813%); chính sách thôi việc ngay (tỷ lệ 18%); chính sách chuyển chuyển sang làm việc tại các tổ chức không hưởng lương thường xuyên từ ngân sách nhà nước (tỷ lệ 0,115%) và thấp nhất là chính sách thôi việc sau khi đi học nghề (tỷ lệ 0,072%).

Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ 

Nhìn vào những con số biết nói trên cho thấy, dù kết quả tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2021 tuy đạt về chỉ tiêu số lượng nhưng theo đánh giá vẫn chưa thực sự gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Có ý kiến cho rằng việc tinh giản biên chế trong thời gian qua chủ yếu giảm số người về hưu, thôi việc, nghỉ việc, chỉ giảm những người tinh (có đủ năng lực tham gia khu vực tư) mà chưa thực sự gắn với việc đánh giá xếp loại hoàn thành công việc. Bên cạnh đó có những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện muốn nghỉ hưu, thôi việc nhưng lại không thuộc đối tượng tinh giản biên chế nên họ lựa chọn làm việc với hiệu quả làm việc không cao để “được” đánh giá xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ để thực hiện tinh giản biên chế...

Theo Bộ Nội vụ, công tác rà soát, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng nằm của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn là khâu yếu, chực sự chặt chẽ, khách quan; còn nể nang; do đó việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với các trường hợp có năng lực hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm hiện đảm nhiệm chưa thực sự hiệu quả.

Nguyên nhân được chỉ ra là, công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, thời gian qua tuy đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến. Do việc đánh giá xếp loại cán bộ, công chức, viên chức chưa đúng thực chất nên việc triển khai áp dụng chính sách tinh giản biên chế ở nhiều nơi chưa đúng mục tiêu đưa ra khỏi đội ngũ những người không đủ tiêu chuẩn, điều kiện và không đáp ứng được yêu cầu công việc nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức. Thậm chí có nhiều trường hợp còn xin “được” không hoàn thành nhiệm vụ để thực hiện chính sách tinh giản biên chế, vừa gây ảnh hưởng đến tính hiệu quả của hoạt động công vụ, vừa gây lãng phí ngân sách nhà nước. 

Việc xác định vị trí việc làm là cơ sở để tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức chưa có quy định, chưa hướng dẫn đồng bộ dẫn đến khó khăn trong thực hiện. Chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức chậm được đổi mới, chưa khuyến khích họ phát huy hết năng lực, tâm huyết với công việc.

Khắc phục tình trạng này, cần thiết tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống thể chế liên quan đến quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức; quy định về vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, viên chức theo chức danh nghề nghiệp; quy định về định mức biên chế công chức, viên chức..., làm cơ sở cho Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Đáng chú ý, hiện Bộ Nội vụ đã xây dựng và lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về tinh giản biên chế để thể chế hóa các chủ trương của Đảng, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quy định của pháp luật nhằm giải quyết chế độ, chính sách đối với đối tượng tinh giản biên chế; khắc phục các tồn tại, hạn chế của các Nghị định quy định về chính sách tinh giản biên chế hiện hành.

Tất nhiên, cùng với đó, để thực hiện tinh giản biên chế thực chất, cần đổi mới thực chất công tác đánh giá cán bộ, công chức, bảo đảm đánh giá đúng, khách quan, trung thực về kết quả thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, khắc phục tình trạng cào bằng, nể nang trong đánh giá. Cần đảm bảo đánh giá là công cụ tạo động lực để nâng cao hiệu quả làm việc, đồng thời là công cụ sàng lọc, phân loại những cán bộ, công chức không còn phù hợp với nền hành chính nhà nước trong giai đoạn hiện tại.

Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo chủ trương của Bộ Chính trị và lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong giai đoạn 2022 - 2025.

Mặt khác, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cơ chế tự chủ, nâng cao mức độ tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tăng số người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp; đồng thời hoàn thiện chính sách xã hội hóa hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công; chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện xã hội hóa, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương./.

Theo Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam