TP.HCM: Mỗi bệnh nhân COVID-19 điều trị hết 55 triệu đồng

18/04/2023 - 19:49

Trong tổng chi phí điều trị cho bệnh nhân, thuốc chiếm nhiều nhất với 2/3 chi phí, chủ yếu là kháng sinh và kháng nấm; các chi phí cận lâm sàng, thủ thuật, vật tư y tế, dinh dưỡng, dịch vụ khác...

Các y, bác sỹ Bệnh viện hồi sức COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận, điều trị tích cực bệnh nhân COVID-19 nặng nhập viện năm 2022. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chi phí điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 trung bình 55 triệu đồng/người, những bệnh nhân nặng và nguy kịch trung bình 140 triệu đồng/người.

Thông tin trên được chia sẻ tại Hội nghị Khoa học thường niên 2023 của Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18/4.

Báo cáo tại Phiên điều dưỡng của Hội nghị, điều dưỡng Trần Thị Thúy, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn ra căng thẳng nhất tại thành phố (khoảng tháng 8-10/2021), Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận điều trị cho 1.576 người mắc COVID-19.

Nhóm nghiên cứu đã chọn ra 351 người bệnh COVID-19 ngẫu nhiên, trong đó có 139 bệnh nhân mức độ nặng và nguy kịch, 212 bệnh nhân mức độ trung bình. Tuổi trung bình của nhóm bệnh nhân nặng và nguy kịch là 68 tuổi, trong khi ở nhóm trung bình là 58 tuổi. Bệnh nhân có bệnh nền như đái tháo đường và tăng huyết áp chiếm 1/3 tổng số nhập viện.

Kết quả phân tích cho thấy tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch cao gấp 5 lần so với bệnh nhân thuộc nhóm trung bình.

Về chi phí, trung bình một người mắc COVID-19 nằm viện điều trị tốn khoảng 55 triệu đồng, con số này ở nhóm nặng và nguy kịch là 140 triệu đồng/người.

Trong tổng chi phí điều trị, thuốc chiếm nhiều nhất với 2/3 chi phí, chủ yếu là kháng sinh và kháng nấm. Bên cạnh đó là các chi phí cận lâm sàng, thủ thuật, vật tư y tế, dinh dưỡng, dịch vụ khác...

Nhóm tác giả đến từ Khoa Thận-Tiết niệu và Khoa Vi sinh, Bệnh viện Chợ Rẫy đã nghiên cứu tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19 sau ghép thận.

Nghiên cứu được tiến hành đối với những người bệnh sau ghép thận mắc COVID-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy từ ngày 10/7/2021 đến ngày 2/4/2022; có 314 bệnh nhân ghép thận mắc COVID-19 và đã có 12 trường hợp tử vong.

Từ kết quả này, nhóm nghiên cứu nhận định, dù phải sử dụng thuốc ức chế miễn dịch nhưng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân ghép thận mắc COVID-19 không cao hơn so với những bệnh nhân không sử dụng thuốc ức chế miễn dịch. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong cao được ghi nhận ở những người cần chăm sóc tích cực và những người đang thở máy.

Cùng với những nghiên cứu về COVID-19, Hội nghị khoa học Bệnh viện Chợ Rẫy năm 2023 có hơn 200 bài báo cáo ở tất cả các lĩnh vực như hồi sức cấp cứu, tim mạch, lồng ngực-mạch máu, tai mũi họng, gan mật tụy, tiêu hóa, thần kinh, tiết niệu, huyết học, ung thư, nội tiết, bỏng, chấn thương chỉnh hình, cơ xương khớp, chẩn đoán hình ảnh, vi sinh, sinh hóa, thăm dò chức năng, ghép tạng…

Năm nay, nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, tham dự hoạt động khoa học quốc tế, Bệnh viện đã tổ chức thêm 4 phiên chuyên đề với 32 báo cáo được trình bày bằng tiếng Anh trong Hội nghị.

Hội nghị Khoa học thường niên Bệnh viện Chợ Rẫy được xem là ngày hội khoa học của những người làm công tác y tế khu vực phía Nam. Sự kiện không chỉ cập nhật những thông tin, kỹ thuật mới nhất trong chẩn đoán và điều trị mà còn đem đến cho người tham dự nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước - Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá cao những đóng góp của Bệnh viện Chợ Rẫy trong nghiên cứu khoa học, cập nhật, tìm kiếm các phương pháp điều trị mới.

Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo, nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó chú trọng phát hiện những yếu tố mới nhằm nâng cao hiệu quả điều trị, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

TP.HCM: Moi benh nhan COVID-19 dieu tri het 55 trieu dong hinh anh 2

Tiêm vaccine phòng dịch COVID-19. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Trước đó, ngày 17/4, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đã chủ trì cuộc họp nghe các đơn vị chuyên môn báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Phan Trọng Lân cho biết, theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), biến thể Omicron đang lưu hành chủ yếu trên thế giới với một số biến thể phụ như BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBB, XBB.1.16, XBB.1.9.1, XBB.1.5, XBF. Trong đó biến thể phụ XBB.1.5 đã phát hiện tại 95 quốc gia.

Đến thời điểm này, biến thể Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này hiện đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế.

Tại Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 2.070 ca mắc COVID-19, trung bình 160 ca mắc mỗi tuần, tỷ lệ bệnh nặng/mắc là 1,3%. Tuy nhiên từ đầu tháng 4/2023 đến nay, số mắc có chiều hướng gia tăng.

Từ ngày 1-7/4 có 278 ca/tuần, tỷ lệ nặng/mắc là 1,4%; từ 8-14/4 số ca mắc tăng lên 2.000, tuy nhiên tỷ lệ nặng/mắc là 1,1%. Cả nước đã qua 108 ngày không ghi nhận ca tử vong do COVID-19.

Về công tác giải trình tự gene, đến nay, qua kết quả giám sát giải trình tự gene cho thấy, các biến thể phụ phổ biến trên thế giới đều đã ghi nhận tại Việt Nam.

Liên quan đến công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, thông tin tại cuộc họp cho biết, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa cấp thêm cho Hà Nội 10.000 liều vaccine để tiêm chủng cho các đối tượng theo hướng dẫn.

Bộ Y tế tiếp tục đề nghị các địa phương tổng hợp nhu cầu vaccine phòng COVID-19 để tiêm 6 tháng cuối năm 2023, đặc biệt cho đối tượng nguy cơ.

Về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa nêu rõ: Cục đang phối hợp với các chuyên gia để rà soát lại hướng dẫn điều trị COVID-19. Trong tuần này, dự kiến sẽ có cuộc họp Hội đồng chuyên môn để rà soát, cập nhật lại hướng dẫn điều trị phù hợp với tình hình mới.

Về công tác sàng lọc tại bệnh viện, hiện vẫn duy trì chủ trương sàng lọc tại các khoa nguy cơ cao, như hồi sức tích cực, lọc máu và hậu phẫu. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng COVID-19, cần xét nghiệm sàng lọc ngay để tách bệnh nhân ra khu vực riêng, tránh lây lan dịch bệnh. Cùng đó, các bệnh viện cần tiếp tục truyền thông, nhắc nhớ người bệnh, người nhà bệnh nhân và cả nhân viên y tế đều phải duy trì đeo khẩu trang trong môi trường bệnh viện./.

Theo ĐINH HẰNG (Vietnam+)