Giào chưa lập gia đình, sống cùng mẹ, em trai và người cậu bệnh tật. Có tấm bằng đại học, năm 2006, Giào làm việc tại UBND phường Bình Khánh. Được vài năm, Giào nghỉ việc, về phụ giúp gia đình. Năm 2013, Giào quay trở lại làm việc tại phường, rồi được bổ nhiệm kế toán trưởng từ tháng 3-2014. Được nhân dân tín nhiệm, Giào trở thành đại biểu HĐND phường nhiệm kỳ 2016-2021. Ngày 19-3-2018, Giào bị tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu HĐND, ngày 20-3-2018 bị tạm giam vì tội “Tham ô tài sản”.
UBND phường Bình Khánh được giao quản lý nguồn thu ngân sách của phường, gồm các khoản: thuế, phí, lệ phí, khoản thu do nhân dân đóng góp, thu phạt. Theo quy định, các khoản thu ngân sách của phường được bộ phận thu tiền nộp về Ban Tài chính UBND phường, do thủ quỹ trực tiếp nhận và viết phiếu thu, sau đó cùng kế toán lập giấy nộp tiền trình lãnh đạo ký duyệt. Cuối cùng là nộp vào Kho bạc Nhà nước hoặc nhập quỹ chi, thanh quyết toán. Giào có nhiệm vụ tham mưu cho lãnh đạo phường trong việc điều hành, quản lý các nguồn thu, chi và quyết toán ngân sách. Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định: từ tháng 1-2016 đến tháng 2-2017, Giào thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao về nguyên tắc tài chính kế toán. Giào lợi dụng sự thiếu kiểm tra, quản lý trong điều hành hoạt động tài chính của lãnh đạo, thủ quỹ để chiếm đoạt tiền của UBND phường, sử dụng cá nhân.
Bị cáo Trần Thị Kim Giào trong phiên tòa
Khoảng thời gian trên, thủ quỹ Đ.N.T.B.Tr. đi học, không có mặt ở Ban Tài chính, Giào trực tiếp thu tiền, viết phiếu thu hoặc nhờ N.T.K.O (cán bộ Ban Tài chính) viết phiếu thu, thu tiền của bộ phận thu tiền phí, lệ phí, rồi giao lại cho Giào. Thu tiền xong, Giào không đưa Tr. nhập quỹ tiền mặt, mà lấy lý do “đã chi cho các hoạt động thường xuyên của phường” rồi chiếm đoạt hơn 400 triệu đồng. Để tránh bị phát hiện, khi báo cáo quyết toán lai thu với Chi cục Thuế TP. Long Xuyên và nộp tiền vào ngân sách, Giào ghi lại phiếu thu cho phù hợp với số tiền thực tế tồn ở đơn vị, đưa Tr. ký thủ quỹ, trình lãnh đạo ký báo cáo quyết toán lai thu, nộp tiền vào ngân sách nhà nước. Do tin tưởng Giào, lãnh đạo UBND phường thời điểm ấy không kiểm tra mà đã ký báo cáo, tạo sơ hở để Giào chiếm đoạt tiền nhà nước. Ngoài ra, Giào còn chiếm đoạt trên 23 triệu đồng từ nguồn thu quỹ an ninh - quốc phòng; chiếm đoạt gần 300 triệu đồng từ nguồn ngân sách chi hoạt động thường xuyên; chiếm đoạt 20 triệu đồng tiền tạm ứng lương của 6 cá nhân. Để tránh bị phát hiện, Giào sử dụng tiền từ các nguồn thu khác (phí, lệ phí, thu phạt vi phạm hành chính, tiền hỗ trợ nông dân có đất trồng lúa theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP, tiền Đảng phí, quỹ đền ơn đáp nghĩa…) để chi cho các hoạt động của UBND phường. Tổng cộng, Giào chiếm đoạt của UBND phường gần 750 triệu đồng.
“Gia đình kinh doanh bị thua lỗ, không còn cách nào xoay chuyển. Quá nóng ruột, bị cáo mới quyết định “mượn tạm” tiền nhà nước để gỡ khó trước mắt. Khi nào vay mượn được bên ngoài, bị cáo sẽ trả lại ngay. Tuy nhiên, bị cáo quá chủ quan, nghĩ rằng mình lén “mượn tạm” một thời gian sẽ không ai phát hiện, vì bị cáo trước giờ làm việc tốt, được lãnh đạo tin tưởng. Trong khi đó, việc làm ăn ngày càng sa sút, không người ngoài nào chịu giúp đỡ gia đình bị cáo. Vụ việc bị vỡ lỡ, sai phạm của bị cáo làm ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động của tập thể đơn vị. Hơn 1 năm bị tạm giam, bị cáo hối hận nhiều lắm. Hiện hoàn cảnh gia đình khó khăn, bị cáo chưa thể hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt, cũng không biết rõ thông tin, địa chỉ của người được bị cáo trả nợ để thu hồi tiền về. Bị cáo mong được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Khi xong án phạt, bị cáo nhất định sẽ lao động chân chính, tìm cách khắc phục dần hậu quả do mình gây ra!” - Giào nức nở.
Trong thời gian nghỉ giải lao đợi nghị án, nước mắt vẫn tuôn rơi trên gương mặt tiều tụy của Giào. Người dự khán đa phần là đại diện đơn vị bị thiệt hại (UBND phường, Phòng Tài chính - Kế hoạch), người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, người đang công tác tại UBND phường. Tôi hỏi thăm, bị cáo càng nghẹn ngào: “Hôm nay, không có ai trong gia đình tôi đến dự cả. Tôi không dám cho mẹ hay, vì mẹ có bệnh tim, phải chăm sóc người cậu ruột của tôi bị bệnh. Suốt thời gian tôi bị tạm giam, chỉ có em trai tới lui thăm hỏi”. Tiếc thay, Giào đã phải trả một cái giá quá đắt cho sự nông nổi, mù quáng của chính mình. Đánh đổi cả tương lai, công việc ổn định để nhận về những ngày tháng tù tội, chỉ vì lòng tham đáng trách!
Sai phạm của Giào đã kéo theo hàng loạt sai phạm của các cá nhân khác có liên quan. Nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường bị kỷ luật bằng hình thức “Cảnh cáo” vì thiếu kiểm tra đối với cấp dưới trong hoạt động thu, chi ngân sách của phường, ký báo cáo quyết toán lai thu không đúng thực tế, tạo điều kiện để Giào chiếm đoạt tiền nhà nước. Các thủ quỹ cũng bị xem xét trách nhiệm, khi thiếu kiểm tra sổ sách, quản lý việc thu, chi khiến Giào có thể chiếm đoạt tiền, đều đã bị xử lý kỷ luật. Cuối phiên tòa, sau khi xem xét tất cả các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của bị cáo, Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt Trần Thị Kim Giào 13 năm tù. |
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG