Trải nghiệm vùng đất bảy hồ, ba thác

03/05/2023 - 13:44

Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) được ví như “Đà Lạt thứ hai” của Tây Nguyên với vẻ đẹp thiên nhiên còn tinh khôi cùng khí hậu mát lành. Nhiều năm về trước, nơi đây vẫn như một nàng công chúa còn say giấc nồng giữa đại ngàn. Song, ba năm trở lại đây, nhất là sau dịch Covid-19, Măng Đen đã như bừng tỉnh.

Hoa anh đào nở rộ tại hồ Đăk Ke, thị trấn Măng Đen, tỉnh Kon Tum.

Măng Đen là khu sinh thái, có độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, khí hậu ôn đới, cho nên quanh năm mát mẻ. Tại đây, nhiệt độ bình quân dao động trong khoảng từ 16-220C, không khí hơi se lạnh vào buổi tối. Điểm hấp dẫn của Măng Đen là rừng nguyên sinh bao phủ đến 85% diện tích. Hiếm có nơi nào trên nước ta còn giữ được rừng thông tự nhiên với diện tích gần 4.000ha.

Nằm lẩn khuất trong rừng thông là hệ thống thác, hồ độc đáo. Đến với mảnh đất bảy hồ, ba thác, du khách sẽ được thăm thác Pa Sỹ thơ mộng giữa rừng nguyên sinh, thác Lô Ba có độ cao trên 40m bắt nguồn từ đỉnh núi cao Măng Bút; trải nghiệm nhiều dịch vụ mới tại hồ Đăk Ke với làn nước trong xanh.

Ngoài cảnh đẹp, Măng Đen cũng phát triển du lịch tâm linh với điểm đến là chùa Khánh Lâm, đồi Đức Mẹ... Ngoài ra, du khách có thể tham quan các vườn dâu, các khu nhà lồng hữu cơ, trải nghiệm thu hoạch, hay mua về làm quà các loại rau củ, hoa quả như cà chua bi cherry, các loại hoa lan, hoa đồng tiền.

Nếu có thời gian lưu trú lâu, du khách có thể tìm về các buôn làng, trải nghiệm sinh hoạt với đồng bào MNâm, Hrê, Xê Đăng trên nương rẫy, bên những mái nhà sàn ẩn mình dọc theo con đường dài hun hút giữa núi rừng nguyên sinh bạt ngàn xanh thẳm.

Thời điểm trước, trong và sau Tết, hoa mimosa và hoa ban nở khắp cánh rừng. Tháng 3 đến tháng 6, hoa sim tím nở rộ khắp mọi con đường. Vào tháng 4, tháng 5, thời tiết Măng Đen hơi se lạnh, không khí trong lành, sáng sớm sương mù sà vào tận cửa sổ phòng. Còn từ tháng 10 đến tháng 12, là thời điểm lúa chín trên những ruộng bậc thang, hoa anh đào nở khắp vùng.

Ngoài thời gian trải nghiệm, hòa mình với thiên nhiên, cỏ cây, du khách có thể dành thời gian khám phá ẩm thực. Ngoài những món ăn đặc sản địa phương như gà nướng lá tiêu rừng, cơm lam, gỏi hoa chuối rừng, lẩu xuyên tiêu, khách còn được thưởng thức nhiều đặc sản từ các vùng miền trên cả nước hội tụ ở đây như hủ tiếu miền Tây, phở hai bát Gia Lai...

Măng Đen còn khiến khách du lịch “tương tư” bởi hương vị cà-phê đậm chất riêng biệt. Mỗi quán cà-phê lại có một phong cách riêng, dù quán nằm ngay trục đường chính thị trấn hay ẩn mình trong khu dân cư, đều có cách bài trí vô cùng dễ thương.

Không giống với những quán cà-phê ồn ã nơi phố thị, cũng không rực rỡ hoành tráng như cà-phê Đà Lạt, đặc sản của Măng Đen là những quán nhỏ xinh, bình dị, nơi cây cối bản địa mọc tự nhiên, không cầu kỳ, không cần chăm sóc. Thị trấn nhỏ có rất nhiều quán cà-phê đẹp nao lòng. Đứng vào góc nào cũng thành một phong cảnh.

Tây Nguyên được xác định là một trong bảy vùng du lịch đặc thù của Việt Nam trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030. Trong đó, khu du lịch sinh thái Măng Đen là một trong 31 khu vực có quy mô và tiềm năng du lịch đặc biệt nổi trội ở nước ta được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển thành khu du lịch quốc gia.

Ngày 5/2/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 298/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen và Quy hoạch chung đô thị Kon Plông, huyện Kon Plông đến năm 2030.

Nhận thức được tiềm năng, vị thế, huyện Kon Plông đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen như: Quy hoạch chi tiết, đồng bộ các phân khu chức năng đã được phê duyệt; tích cực kêu gọi, xúc tiến thu hút đầu tư và phát triển các loại hình du lịch; khai trương, đưa vào sử dụng Làng Văn hóa du lịch Kon Pring, điểm du lịch hồ Đăk Ke, thác Pa Sỹ, khu câu cá giải trí hồ ĐamBri, Ê Ban farm...

Hệ thống nhà hàng, dịch vụ lưu trú tại Măng Đen cơ bản đáp ứng được nhu cầu lưu trú của du khách với gần 50 cơ sở lưu trú đang hoạt động, đáp ứng gần hai nghìn lượt khách. Theo các chủ resort, khách sạn tại đây, sau dịch Covid-19, lượng khách du lịch đến Măng Đen tăng nhanh chóng. Hiện, các cơ sở lưu trú đã không còn phòng trống cho đến hết tháng 5.

Góp phần đánh thức “nàng công chúa” Măng Đen tỉnh giấc có sự đóng góp của nhiều người vì yêu mến mảnh đất này mà đến, rồi ở lại, chọn nơi đây là quê hương thứ hai lập nghiệp.

Vợ chồng anh Hiệp, chị Nga, chủ homestay Rosie Gadern Măng Đen - được du khách yêu mến đặt tên là “khu vườn cổ tích” với phong cách vintage không trộn lẫn giữa thị trấn.

Anh chị từng gây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn ở nhiều nơi, nhưng chỉ một lần tìm đến đây, đã ngẩn ngơ, mê mẩn Măng Đen mà quyết định ở lại. Hai anh chị cũng là chủ đầu tư của phố đi bộ Măng Đen với cái tên rất dễ thương “Đại lộ hoàng hôn”. Phố đi bộ sau thời gian gấp rút triển khai được khai trương đúng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 này.

Nơi đây là tổ hợp những căn nhà gỗ đủ sắc mầu, có con đường dài nhìn xuống thung lũng mây trắng, phía trước dãy nhà là hàng thông cao tựa những con đường ở một thị trấn của phương Tây với hàng loạt nhà hàng, quán cà-phê độc đáo, hương vị đặc sắc, riêng biệt. Anh Hiệp cho biết, mọi cố gắng và nỗ lực của vợ chồng anh khi đầu tư vào khu phố là cách đáp lại ân tình với vùng đất tuyệt vời này.

Nếu như dọc con đường chính phố Phạm Văn Đồng của thị trấn là những khách sạn, biệt thự, resort có quy mô, sang trọng thì tại phố Ngô Quyền, ẩn mình trong khu dân cư là những homestay quy mô nhỏ đáp ứng nhu cầu đa dạng, phù hợp túi tiền của khách lưu trú. Chủ nhân của chúng đến từ mọi miền của Tổ quốc. Chủ nhân của homestay Camhouse Măng Đen xinh xắn với sắc mầu cam chủ đạo là anh Đại, chị Xinh.

Hai anh chị đã quyết định chọn Măng Đen lập nghiệp và như họ nói thì quyết định đó là hoàn toàn đúng đắn bởi những đổi khác ở đây sau ba năm.

Anh Đại cho biết: “Chúng tôi chỉ mong chính quyền địa phương có quy hoạch và hướng phát triển khu du lịch cụ thể, đồng bộ, để làm sao Măng Đen ngày càng thu hút khách du lịch nhưng không phá vỡ cảnh quan, môi trường như những điểm du lịch phát triển nóng khác”.

Điều lo lắng của anh Đại và rất nhiều người yêu mến thị trấn bình yên này không phải chuyện xa vời. Đến Măng Đen hôm nay, dễ dàng cảm nhận được tốc độ xây dựng và phát triển đô thị tại Măng Đen diễn ra khá nhanh.

Điều này góp phần mang đến lợi ích cho kinh tế, xã hội địa phương, song nếu phát triển ồ ạt, không quy hoạch kỹ càng, nóng vội, sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan, sinh thái nguyên sơ, điều vốn đã và đang hấp dẫn, mời gọi du khách.

Để phát triển du lịch bền vững, địa phương cần phải hài hòa được việc xây dựng, phát triển với việc bảo tồn, giữ gìn thiên nhiên; nêu cao vai trò của cộng đồng trong việc phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch thân thiện, gần gũi thiên nhiên và hệ sinh thái tự nhiên; tạo nên sản phẩm du lịch đặc thù, có thương hiệu độc đáo và hình ảnh riêng biệt.

Theo ĐẶNG THANH HÀ (Nhân Dân)

 

Liên kết hữu ích