Sinh viên tình nguyện tổ chức lớp “Học làm người có ích” cho thiếu nhi
Trong các câu chuyện tâm tình lúc “trà dư, tửu hậu” của các ông bố, bà mẹ hiện nay không gì ngoài sự than phiền rằng con của họ rất ương bướng, có cách suy nghĩ, ứng xử khác xa so với độ tuổi mà trước đây họ đã từng trải qua. Nếu nhẹ nhàng, kiên nhẫn nói chuyện theo ý con thì con trẻ còn giao tiếp lại.
Ngược lại, nếu có vài lời uốn nắn là phản ứng gay gắt, bỏ đi nơi khác hoặc chỉ thích không gian riêng, đóng kín cửa phòng triền miên. Đó là một phần phản ứng trong cách ứng xử của thanh niên thế hệ GenZ, một thế hệ trẻ được xem là thông minh, nhanh chóng nắm bắt khoa học - công nghệ nhưng thiếu kết nối với gia đình, môi trường tự nhiên và cộng đồng xung quanh.
Chị Nguyễn Lại Thanh Trúc (ngụ thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn) từng công tác trong ngành giáo dục đánh giá rằng, đời sống của một bộ phận giới trẻ hiện tại rất khác biệt so với thế hệ trẻ trước đây. Trong một xã hội ấm no, các em nhanh chóng được gia đình trang bị đầy đủ vật chất, phương tiện sống…
Có nhiều em học hành rất giỏi, rất nhanh nhạy tiếp cận khoa học - công nghệ. Dường như các em "giàu có" tất cả các mặt, nhưng các em chỉ "nghèo" một thứ duy nhất, đó là cảm xúc. Đơn giản như các em không biết đón bình minh, ngắm hoàng hôn là gì hay biết rung cảm trước những khung cảnh đẹp, bông hoa xinh tươi, làn gió mát vào buổi sớm...
Bởi một bộ phận người trẻ đang dành rất nhiều thời gian tiếp xúc với máy tính, điện thoại, từ ứng dụng này đến ứng dụng khác, mạng xã hội này đến mạng xã hội khác, khi đi ngủ là 2-3 giờ sáng và mãi đến 12 giờ trưa mới có thể thức dậy. Vậy thì làm sao thấy được cảnh đẹp của mặt trời lúc 5-6 giờ sáng, đến hoàng hôn 5-6 giờ chiều lại vùi đầu vào học hành và máy tính, làm sao có thể cảm nhận từng nét đẹp cuộc sống đang diễn ra hàng ngày.
Chị Trúc cũng cho rằng, người trẻ hiện nay rất ngại giao tiếp, thích thì chào hỏi, không thích chỉ đứng trơ trơ nhìn người lớn, không thăm hỏi, không cảm xúc trong giao tiếp. Do vậy, đang dần mất kết nối với gia đình và xã hội xung quanh, thiếu hiểu biết về xã hội thực tế, thiếu kỹ năng sống, ứng xử cả trong gia đình và ngoài xã hội.
Thực tế cho thấy, nhiều bạn trẻ hiện nay thiếu cách chăm sóc sức khỏe bản thân, thiếu sự quan tâm đến người thân gia đình và sự thấu cảm với người xung quanh. Một người cha than phiền với chúng tôi rằng, mặc dù đã hướng dẫn con gái phải biết giặt giũ, lau dọn nhà cửa, tập nấu ăn để có thể tự chăm lo cho bản thân.
Thế nhưng, năm nay con đã 20 tuổi mà vẫn chưa thể tự chủ mọi việc trong gia đình, nhà không có gì ăn là con cứ đi ăn hàng quán. Nhà có 2 cha con mà ít khi trò chuyện với nhau, ngược lại con rất hào hứng trò chuyện, chơi với bạn ảo, các xu hướng trên mạng xã hội. Con không chịu ra ngoài giao tiếp hoặc tham gia hoạt động của trường đại học, mà hễ có xu hướng gì mới lạ trên mạng là tập tành học theo. Khi cha góp ý thì con tỏ vẻ bực bội, bất cần lời hướng dẫn...
Một số bạn trẻ thiên về lối sống cá nhân, đang xa rời lối sống gắn bó với gia đình, trường học, cộng đồng như nhiều thế hệ trước. Điều đó là do hệ quả của sự phát triển khoa học - công nghệ. Khi các bạn trẻ quá đam mê vào thế giới ảo, sẽ không còn cảm xúc, hiểu về thế giới thực như thế nào.
PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Khoa Âm nhạc, Trường Đại học Sài Gòn) cho rằng: “Chúng ta không cực đoan khi thấy con em lệch chuẩn nhận thức, lệch chuẩn văn hóa mà cấm cản con không được tiếp xúc thế giới mạng. Quan trọng là bằng nhiều giải pháp đồng bộ, tăng cường giáo dục, uốn nắn, bồi dưỡng thường xuyên các giá trị văn hóa, giá trị về gia đình, lòng yêu thương con người, quê hương đất nước, các bạn trẻ có “sức đề kháng”, nhận diện những món ăn tinh thần nào bổ ích, để hình thành nên nhân cách và lối sống tốt đẹp hơn”.
Một trong những giải pháp để tăng cường giáo dục, đạo đức lối sống cho thanh niên là chính trong các trường học phổ thông, đại học, các giáo viên, cán bộ đoàn viên đang ra sức làm tốt công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Đó là qua tuyên truyền trực tiếp hay thông qua các hoạt động, phong trào, các hoạt động dã ngoại, trải nghiệm “Học kỳ quân đội”, “Học kỳ công an”, lớp học làm người có ích, tham gia chiến dịch “Hoa Phượng đỏ”, “Mùa hè tình nguyện”… để hướng các em tiếp cận cuộc sống thực tế, vừa bồi dưỡng tâm hồn, vừa rèn luyện kỹ năng sống, giao tiếp, ứng xử phù hợp với lứa tuổi. Các hoạt động sẽ càng ý nghĩa và thường xuyên hơn, nếu có thêm sự đồng hành, quan tâm chia sẻ, giáo dục nhiều hơn từ gia đình.
NGỌC GIANG