Trao “cần câu” cho lao động nông thôn miền núi

17/09/2019 - 07:21

 - Thời gian qua, UBND huyện Tịnh Biên đã thực hiện công tác đào tạo nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp nhằm tạo sinh kế cho người dân nông thôn. Đến nay, công tác này đang thu được những kết quả tích cực trong việc ổn định nghề nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Trần Bá Phước thông tin: “Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ luôn được Huyện ủy, UBND huyện Tịnh Biên và các ngành, địa phương quan tâm. Bởi, khi người dân có nghề nghiệp ổn định sẽ nâng cao đời sống, kinh tế - xã hội địa phương mới có bước tiến vững chắc. Do đó, chúng tôi yêu cầu các ngành và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với việc học nghề, nhất là các nghề phù hợp với trình độ, năng lực của lao động nông thôn”.

Tịnh Biên tập trung đào tạo lao động gắn với nghề truyền thống của địa phương

Từ đầu năm tới nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Tịnh Biên cùng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên huyện và các xã, thị trấn mở 14 lớp dạy nghề, với 420 lao động tham gia, trong đó có 265 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. Người dân được học các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, như: kỹ thuật chăn nuôi bò, kỹ thuật trồng đậu phộng, kỹ thuật chăn nuôi gà, kỹ thuật thiết kế vườn… Đồng thời, các lớp dạy nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp thu hút khá đông lao động nông nhàn tại các xã, thị trấn, như: xây dựng dân dụng, chế biến đường thốt nốt viên, dệt thổ cẩm, kỹ thuật sửa chữa máy phun thuốc bảo vệ thực vật, may công nghiêp… Nhìn chung, các lớp dạy nghề này đã tiếp cận một phần nhu cầu của lao động địa phương và tạo ra thu nhập cho người dân.

 Hiện nay, UBND huyện Tịnh Biên đã liên kết với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH) để nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo người lao động sau học nghề có thể thành thạo các kỹ năng gắn với công việc của mình. Song song đó, Phòng LĐ-TB&XH huyện Tịnh Biên đã thực hiện chương trình dạy nghề theo danh mục đào tạo của Sở LĐ-TB&XH trong năm 2019 nhằm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm việc làm hiện nay của người dân vùng nông thôn. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện miền núi Tịnh Biên vẫn gặp những khó khăn nhất định, nhất là việc người dân trong độ tuổi thường đi lao động ngoài tỉnh, số còn ở địa phương thường là học sinh hoặc lao động nhàn rỗi. Ngoài ra, người dân trong độ tuổi lao động đến tham dự các buổi tư vấn hướng nghiệp còn ít, hoặc còn mang tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không muốn học nghề để có việc làm ổn định.

Các lớp hướng dẫn trồng đậu phộng mang đến hiệu quả thiết thực cho người dân

Yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nghề tại nông thôn chính là tâm lý người lao động luôn muốn có thu nhập ngay nên rất ngại việc bỏ thời gian để học nghề, nhất là lĩnh vực phi nông nghiệp. Đôi lúc ngành chuyên môn phải bố trí thời gian phù hợp cho người dân học nghề sau khi họ sắp xếp được công việc gia đình. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát quá trình học nghề tại các địa phương còn chưa chặt chẽ. Dù các xã, thị trấn có tổ công tác nhưng chủ yếu giao cho cán bộ dạy nghề hoặc cán bộ phụ trách mảng LĐ-TB&XH quản lý khiến công tác này chưa mang đến hiệu quả cao.

Với những kết quả đạt được, UBND huyện Tịnh Biên tiếp tục yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện tốt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” và có kế hoạch dạy nghề hàng năm sát với thực tế, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân nông thôn trong việc xác định “cần câu” cho mình để ổn định đời sống.

“Chúng tôi yêu cầu các ngành, địa phương, trường học quan tâm đến công tác phân luồng học sinh, giúp các em có thái độ đúng đắn đối với việc học nghề và chủ động lựa chọn hướng đi phù hợp sau khi kết thúc chương trình phổ thông. Đặc biệt, huyện sẽ tiếp tục phối hợp ngành chuyên môn, các công ty, doanh nghiệp để dạy nghề theo “đặt hàng” của họ gắn với nhu cầu xã hội. Trong đó, luôn quan tâm đến các nghề thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, các ngành nghề truyền thống sẵn có của địa phương. Từ đó, mới có thể nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề tại vùng nông thôn nhằm cải thiện đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Khmer tại địa phương” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên Trần Bá Phước nhận định.

THANH TIẾN