Trên đồng lúa vàng

11/04/2025 - 07:30

 - Mùa lúa chín vàng. Trên các cánh đồng trong tỉnh, nông dân tất bật thu hoạch vụ đông xuân. Dưới kênh, thương lái đậu cặp ghe chành thu mua lúa của nông dân, tạo nên bức tranh ngày mùa nhộn nhịp.

Kém vui trà lúa đầu vụ

Men theo con lộ nông thôn vào sâu trong xã Vĩnh Thành (huyện Châu Thành) gặp bà con đang thu hoạch lúa, ghé lại hỏi thăm, chúng tôi mới biết, đầu vụ này giá lúa giảm còn 5.500 đồng/kg, nông dân kém vui. Nông dân Cao Minh Điện (56 tuổi) cho hay, giá lúa đầu vụ đông xuân này rất thấp, trong khi chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ở mức cao. Do đó, bà con sản xuất không có lời. Ngồi chờ thương lái cân lúa, ông Điện bày tỏ: “Đông xuân là vụ sản xuất chính trong năm, bởi thời tiết rất thuận lợi, lúa dễ bán cho thương lái. Tuy nhiên, với giá thấp như vầy, ai nấy cũng buồn vì đầu tư chi phí cao và tốn công chăm sóc hơn 3 tháng ròng rã”.

Vụ thu đông năm 2024, ông Điện sản xuất 7 công lúa tầm cắt với giống OM380, năng suất đạt 1 tấn/công. Thương lái vào tận ruộng thu mua giá 7.100 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, ông Điện còn lời khoảng 4 triệu đồng/công. Ông Điện cho biết, đây là giống lúa được nông dân trong xã trồng phổ biến. Thời gian sinh trưởng đến khi thu hoạch khoảng hơn 3 tháng, kỹ thuật canh tác khá đơn giản, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người trồng. Tuy nhiên, hiện nay mảnh đất trong bờ bao do sản xuất nhiều vụ trong năm nên bị bạc màu, nông dân tốn nhiều chi phí mua phân bón thì trồng lúa mới đạt năng suất cao. “Hiện nay, 1 bao phân đạm giá 1,1 triệu đồng, chưa kể chi phí mua thuốc bảo vệ thực vật. Ruộng của tôi mỗi vụ phải bón 2 bao/công. Vụ đông xuân này, tôi sản xuất lúa coi như huề vốn” - ông Điện than.

Thu hoạch lúa trên đồng

Cùng tâm trạng như anh mình, ông Cao Minh Kha (54 tuổi), canh tác hơn 30 công lúa OM380, năng suất trên 1 tấn/công (tầm cắt). Năng suất vẫn giữ vững ổn định, nhưng giá lúa giảm mạnh, ông Kha chỉ bán được 5.600 đồng/kg. Ông nói rằng, vụ đông xuân này sản xuất không lời, do phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc dưỡng cây, nhân công, tiền giống… đều tăng giá. Đối với những nông dân thuê đất sản xuất thì xem như lỗ nặng. Anh Kha bày tỏ, mấy năm nay đất bị “chai”, dịch bệnh tấn công, canh tác lúa khó khăn. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất gặp nạn “lúa rài” (lúa lộn), do đó phải thuê người cắt bỏ 1 triệu đồng/công...

Nhìn từng bao lúa nặng trịch được người làm thuê vác xuống ghe cân cho thương lái với giá thấp, anh em của ông Điện tiếc nuối, bởi 3 tháng ròng bỏ công chăm sóc mà không có lời. Các nông dân dự tính, nếu tới đây giá lúa không tăng, họ sẽ bỏ đất trống, không sản xuất, bởi vụ hè thu thời tiết mưa dầm, lúa dễ bị đổ ngã, năng suất kém dẫn đến lỗ lã. “Tôi sẽ cho đất nghỉ, mình cũng nghỉ xả hơi tìm việc khác để làm. Đợi tới vụ thu đông sẽ bắt đầu làm đất, bón lót… trồng lúa sẽ có lời” - ông Điện cho hay.

Cuối vụ, giá lúa “nhóng” lên

Tuyến tránh Quốc lộ 91 xuyên qua cánh đồng TP. Châu Đốc, 2 bên lúa vàng trĩu hạt, nông dân đang tất bật thu hoạch lúa cân cho thương lái. Từ lâu, cánh đồng lúa men theo tuyến đường tránh này được du khách phương xa biết đến là cánh đồng vàng đẹp như bức tranh quê. Khi đi viếng Bà Chúa Xứ núi Sam, du khách tận mắt nhìn về cánh đồng bát ngát, rất đã mắt mà khó nơi nào có được. Nắng trưa chiếu thẳng xuống đồng “sấy khô” những hạt lúa vàng ươm cũng là lúc nông dân thuê máy gặt đập liên hợp chạy vào đám ruộng của mình. Nông dân thu hoạch lúa vào lúc xế trưa, bởi thời điểm này lúa khô tự nhiên không cần phải phơi sấy, thương lái rất chuộng.

Tại khu vực cánh đồng xã Vĩnh Tế, nông dân Nguyễn Văn Bé đang ôm bó bao đựng lúa chạy lúp xúp theo chiếc máy gặt đập liên hợp. Lúa gặp nắng tốt khô nhanh, hạt gạo bóng đạt chất lượng cao, thương lái không ép giá với nông dân. “Buổi sáng, lúa còn ướt sương, nông dân thu hoạch bị thương lái chê. Làm ruộng lâu năm, chúng tôi có kinh nghiệm trong khâu thu hoạch, do đó bán được giá cao”- anh Bé giải thích. Vụ đông xuân này, bà con xuống giống ở cánh đồng xã Vĩnh Tế, Vĩnh Châu và phường Núi Sam trễ hơn so với những khu vực lân cận. Nhờ sạ trễ, vụ này nông dân thu hoạch muộn hơn vài tuần, giá lúa “nhóng” lên so đầu vụ.

Gặp nhà ông Trần Văn Hiền đi trên bờ mẫu ruộng, chúng tôi hỏi giá lúa vụ này, anh Hiền phấn khởi cho biết, anh canh tác được 2ha lúa giống OM18, thương lái mua lúa tươi tại ruộng 6.900 đồng/kg. Với giá này, anh Hiền lời khoảng 2 triệu đồng/công sau khi trừ chi phí. Mấy năm nay, làm lúa vụ nào nông dân cũng thấp thỏm lo âu, vì phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu. Điệp khúc “trúng mùa mất giá” vẫn xảy ra thường xuyên không có hồi kết. Đầu vụ đông xuân này, giá lúa dao động từ 5.300 - 5.500 đồng/kg, bà con nông dân rất lo lắng. “May mắn là cuối vụ đông xuân, lúa nhiều nơi thu hoạch xong còn lại cánh đồng này là thu hoạch muộn, giá lúa tăng trở lại, nông dân phấn khởi” - anh Hiền mừng rỡ.

Ông Nguyễn Văn Đông (thương lái thu mua lúa) bày tỏ, khi giá lúa tăng trở lại, nông dân và thương lái đều vui. Giá lúa tăng, nông dân dễ bán, thương lái cũng dễ mua. Giờ đây, nông dân trồng lúa bớt cơ cực hơn trước do ứng dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng từ khâu gieo sạ đến khâu thu hoạch. “Lúa chở ra bờ đê có thương lái đến tận nơi cân. Nông dân nhận tiền tươi trên đồng, ai cũng vui mừng. Hy vọng, vụ hè thu tới đây, giá lúa ổn định, bà con có lời để tiếp tục tái đầu tư sản xuất” - anh Đông chia sẻ.

LƯU MỸ