Tri thức hóa nông dân

27/01/2025 - 07:00

 - Một trong những mục tiêu quan trọng của tri thức hóa nông dân là để đáp ứng yêu cầu của nền nông nghiệp hiện đại, trong đó vấn đề quan trọng là nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thu nhập cho nông dân.

PGS.TS Huỳnh Quang Tín có hơn 40 năm gắn bó với đồng ruộng và cống hiến cho nông nghiệp nước nhà

Thực tiễn cho thấy, nhờ tri thức hóa nông dân, An Giang từ một tỉnh thiếu lương thực, thực phẩm, nay trở thành tỉnh xuất khẩu lương thực, thực phẩm hàng đầu cả nước. Nhiều nông sản (từ các miền quê) nay đã trở thành sản phẩm chủ lực của quốc gia, như: Cá tra, lúa gạo, rau màu, cây ăn trái...

Còn nhớ, sau giải phóng, trong bối cảnh đất nước còn nhiều bộn bề, lo toan, đất đai bị hoang hóa, người nông dân không có tư liệu và động lực để phát triển sản xuất thì ngay thời điểm đó, chương trình khuyến nông của An Giang ra đời. Bà con như được tiếp thêm sức mạnh về tri thức, cơ chế và đã nhanh chóng vươn lên làm chủ tình hình sản xuất, “Tự suy nghĩ trên luống cày của mình”.

“Tôn trọng quyền tự chủ của nông dân, khuyến khích họ sáng tạo và đổi mới là 2 yếu tố quan trọng mà An Giang đã làm được từ sau những năm đầu giải phóng. Đây được xem là thành tựu về mặt lý luận mà An Giang là tỉnh đi đầu trong cả nước. Từ nhận thức đó, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện chính sách “tam nông” dẫn đến thành công ngày hôm nay” - ThS Lê Phát (nguyên Trưởng khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng) chia sẻ.

Nông dân, với tư cách là những người trực tiếp sản xuất, có kinh nghiệm và hiểu biết sâu sắc về điều kiện đất đai, khí hậu, nhu cầu của thị trường; vì vậy, họ nên được trao quyền quyết định trong việc sản xuất nông nghiệp. Bởi lúc này, đất trồng lúa thì rộng lớn (trên 200.000ha) nhưng đồng ruộng thì hoang hóa, tư liệu sản xuất bị quốc hữu hóa. Trong 6 năm, từ năm 1980 – 1986, sản lượng lương thực của tỉnh chỉ tăng 114.000 tấn bởi đa phần chỉ sản xuất 1 vụ lúa mùa.

Năm 1988, chương trình khuyến nông của An Giang ra đời. Chương trình như một luồng gió mới thổi vào đồng ruộng, nông thôn An Giang, vực dậy tinh thần của nông dân và lợi thế, tiềm năng của ngành nông nghiệp. Nông dân được tiếp cận khoa học - kỹ thuật, các loại cây trồng, vật nuôi mới, được các khuyến nông viên hướng dẫn tường tận biện pháp cánh tác. Cụ thể như trên cây lúa, các khuyến nông viên khuyến khích nông dân sử dụng biện pháp bón phân theo bảng so màu lá, sử dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)…

Chương trình khuyến nông có những mục tiêu chính, như: Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao nhận thức cho nông dân, đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa, đổi mới mô hình sản xuất.

Chương trình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp) trên cây lúa là một phương pháp quản lý sâu bệnh có tích hợp các biện pháp sinh học, vật lý và hóa học nhằm giảm thiểu sự phát triển của sâu bệnh và cỏ dại, đồng thời tiết kiệm chi phí đầu tư. IPM sử dụng các kiến thức khoa học cũ cùng với tiến bộ kỹ thuật mới để cắt đứt vòng tuần hoàn của sâu bệnh và tiết kiệm lượng thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác.

Kết quả của quá trình tri thức hóa nông dân trên địa bàn An Giang đã giúp nông nghiệp tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng của ngành ở mức khá, khẳng định vị thế quan trọng, là “trụ đỡ” của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

“Trong nhiều thập niên, tri thức hóa nông dân đã đóng góp đáng kể cho nguồn nhân lực nông nghiệp và mang lại hiệu quả sản xuất lúa vùng ĐBSCL. Trong thời gian tới, vấn đề này cần được phát triển mạnh mẽ hơn để hướng đến nền nông nghiệp phát triển mang tính bền vững…” - PGS.TS Huỳnh Quang Tín (Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL) chia sẻ.

Tri thức hóa nông dân đã giúp nâng cao nhận thức của nông dân để từ đó họ phát huy tốt vai trò là chủ thể của mình trong tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục và phát triển ngành nghề ở nông thôn, hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

“Tri thức hóa nông dân là quá trình trang bị cho người nông dân những kiến thức, kỹ năng hiện đại về nông nghiệp, kinh tế thị trường, công nghệ sản xuất để họ có thể nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tham gia hiệu quả vào quá trình phát triển nông nghiệp, cùng với hệ thống chính trị của địa phương, hướng đến nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Lê Minh Hoan chia sẻ.


MINH HIỂN