Tri Tôn chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới

16/12/2021 - 07:45

 - Tuy đối mặt nhiều khó khăn, nhưng huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) đã phát huy tốt tinh thần đoàn kết, tập trung lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu Nghị quyết năm 2021. Đây là cơ sở để huyện phục hồi, phát triển từ năm 2022, đặc biệt là khai thác các dự án đầu tư lớn, phát huy giá trị lịch sử cách mạng, lợi thế du lịch (DL) thiên nhiên.

Huyện Tri Tôn quyết tâm cho nhiệm vụ năm 2022

Nỗ lực thực hiện nhiệm vụ

Là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, nên khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, đời sống người dân trên địa bàn huyện Tri Tôn càng thêm khó khăn; ảnh hưởng rất lớn đến tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ huyện. Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tri Tôn Phan Văn Sương, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Nghị quyết năm 2021. Kết quả, có 14/17 chỉ tiêu đạt và vượt so với nghị quyết; tập trung lãnh đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an sinh xã hội, song song với phục hồi và phát triển kinh tế.

 Trong số những chỉ tiêu đạt và vượt, nổi bật là giá trị sản xuất gần 137,9 triệu đồng/ha (chỉ tiêu 137,6 triệu đồng/ha), khai thác rất tốt lợi thế nông nghiệp. Đối với 3 chỉ tiêu chưa đạt và gần đạt, cũng là sự cố gắng lớn. Trong đó, thu nhập bình quân đầu người hộ gia đình năm 2021 của huyện đạt 48,2 triệu đồng (chỉ tiêu 48,9 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ lao động qua đào tạo 38,4% (chỉ tiêu 38,8%); tổng vốn đầu tư toàn xã hội 2.104 tỷ đồng (chỉ tiêu 2.446 tỷ đồng).

Là địa phương khó khăn nên huyện Tri Tôn đã tranh thủ vận động các nguồn lực chăm lo công tác an sinh xã hội. Huyện vận động Quỹ Cây mùa xuân được hơn 4,8 tỷ đồng (tiền và hiện vật) để trao 13.071 phần quà cho hộ nghèo, hộ khó khăn. Khi dịch bệnh xảy ra, huyện Tri Tôn đã triển khai thực hiện nghiêm 6 gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đối tượng lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, tổng số tiền hỗ trợ gần 17,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, huyện đã tổ chức vận động xã hội hóa phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và an sinh xã hội để hỗ trợ cho các khu cách ly, lực lượng phòng, chống dịch, hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền hơn 13,6 tỷ đồng. Huyện còn nỗ lực tạo việc làm cho 5.000 lao động. Trong số hơn 10.000 người dân ngoài tỉnh tự phát về quê, huyện đã tạo điều kiện cho hơn 2.000 lao động trở lại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai làm việc. Với nhiều giải pháp tích cực, đến cuối năm 2021, toàn huyện còn 1.815 hộ nghèo, tỷ lệ 5,4%; hộ cận nghèo 3.203 hộ, chiếm tỷ lệ 9,5%.

Quyết tâm năm mới

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ 7 (nhiệm kỳ 2020-2025) đã thông qua Nghị quyết năm 2022 với 17 chỉ tiêu quan trọng. Trong đó có những chỉ tiêu, như: Tổng giá trị sản xuất đối với một số ngành hàng 7.652 tỷ đồng (tăng 6,26% so năm 2021); giá trị sản xuất gần 142,7 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 52,6 triệu đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 2.251 tỷ đồng; có 24/57 trường học đạt chuẩn quốc gia (chiếm 42,1%); tỷ lệ lao động qua đào tạo 40,6%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5-2%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%...

Huyện Tri Tôn xác định tinh thần “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Toàn Đảng bộ tiếp tục ra sức phấn đấu, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm để phát huy tối đa những mặt tích cực, khắc phục khó khăn, đi đôi với việc xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh theo hướng tinh gọn; phát huy trí tuệ của tập thể và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm đề nghị người đứng đầu các ban, ngành, địa phương căn cứ 17 chỉ tiêu Nghị quyết năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện để cụ thể hóa, đề ra giải pháp triển khai hiệu quả. Đồng thời, thực hiện tốt chủ đề năm 2022 là “Tiếp tục thực hiện tốt cải cách hành chính và chăm lo hệ thống y tế cơ sở”. Trong đó, nâng cao năng lực y tế cơ sở được xem là yếu tố quan trọng, nhằm hỗ trợ F0 điều trị tại nhà hiệu quả, chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn.

Theo ông Cao Quang Liêm, điểm sáng của huyện là được các doanh nghiệp lớn đầu tư mạnh vào nông nghiệp. Điển hình như nhà máy gạo Hạnh Phúc của Tập đoàn Tân Long, được xem là hiện đại bậc nhất Đông Nam Á với công nghệ tiên tiến. Đến nay, nhà máy đã hoàn thành, chuẩn bị tổ chức lễ khánh thành để đưa vào khai thác. Một dự án lớn khác là Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn TH. Năm 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, đã tác động đến tiến độ triển khai. Ông Cao Quang Liêm đề nghị các ngành, địa phương tập trung hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa để nhà đầu tư sớm hoàn thành dự án, đưa vào hoạt động, góp thêm động lực phát triển của huyện.

Thời gian tới, huyện Tri Tôn sẽ được đầu tư xây dựng thêm 2 hồ chứa nước trên núi (hồ núi Dài 2 và hồ Cô Tô), cùng với các hồ nước rộng lớn ven chân núi và cảnh đẹp thiên nhiên, di tích lịch sử cách mạng, tạo nên sức hút cho DL Tri Tôn. Huyện sẽ tiếp tục tổ chức Hội đua bò Bảy Núi, bay biểu diễn dù lượn từ Phụng Hoàng Sơn… để thu hút du khách, tạo đà cho ngành DL phát triển.

 

NGÔ CHUẨN