Tri Tôn linh hoạt chống dịch bệnh COVID-19

09/08/2021 - 07:48

 - Đến nay, Tri Tôn (tỉnh An Giang) là huyện duy nhất của tỉnh đang giữ được “màu xanh” trên biểu đồ COVID-19. Với địa bàn rộng, có đường biên giới giáp Campuchia và ranh giới dài giáp tỉnh Kiên Giang, để giữ vững “màu xanh” vừa đòi hỏi nỗ lực lớn, vừa cần sự linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo chống dịch.

Quyết tâm giữ vững “màu xanh”

Từ kinh nghiệm triển khai giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg với mức độ nghiêm ngặt hơn, huyện Tri Tôn vận hành đồng bộ trong cả hệ thống chính trị. Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang cho biết, nhằm giúp người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19 và tạo đồng thuận trong tổ chức thực hiện, huyện tổ chức xe lưu động tuyên truyền Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 trên khắp địa bàn các xã, thị trấn.

Trên hệ thống Đài Truyền thanh huyện và các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền 3 buổi/ngày, tập trung vào nội dung giãn cách xã hội, các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện; đồng thời động viên người dân không hoang mang, hạn chế đi lại và thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo của ngành y tế.

Huyện Tri Tôn duy trì 21 chốt kiên cố để tuần tra, kiểm soát dọc tuyến biên giới và 3 chốt (2 chốt quân báo và 1 chốt cơ động) để kiểm soát trong nội địa. Đối với khu vực giáp ranh tỉnh Kiên Giang, có 2 chốt kiểm tra người, phương tiện liên tỉnh tại xã Vĩnh Gia và Lương An Trà (giáp huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang); 2 chốt nội địa tại thị trấn Cô Tô (giáp xã Nam Thái Sơn) và tại xã Tân Tuyến (giáp xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang); 3 chốt đường sông. Tổ truy vết huyện có 1 trung đội, gồm 36 đồng chí triển khai thực hiện nhiệm vụ khi có trường hợp xuất hiện nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng trên địa bàn huyện.

Tuổi trẻ huyện Tri Tôn vận động mua nông sản mang đến nhà người nghèo, khó khăn

Giữa các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tri Tôn, không thực hiện các chốt cố định mà duy trì Đội phòng, chống dịch lưu động của huyện (chia làm 2 tổ với 15 thành viên) và 15 đội lưu động ở 15 xã, thị trấn (số lượng 188 thành viên). Các đội lưu động này thực hiện nhiệm vụ 3 ca/ngày (sáng, chiều, tối), vừa tăng cường hiệu quả kiểm soát, tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, vừa kịp thời phát hiện những trường hợp ra đường không thật sự cần thiết, ra đường sau 18 giờ không có lý do chính đáng và xử nghiêm các cơ sở kinh doanh, cá nhân vi phạm chống dịch…

Để người dân yên tâm ở nhà

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang cho biết, Đội phòng, chống dịch lưu động huyện đã tăng cường tuần tra, kiểm soát hệ thống cửa hàng tiện lợi, điểm kinh doanh xăng dầu, các chợ truyền thống, các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra, các cơ sở kinh doanh thực hiện tốt việc niêm yết và công khai giá bán, giờ bán hàng, không để xảy ra tình trạng thiếu, khan hàng, tăng giá, đảm bảo hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, đặc biệt là thực phẩm và nhu yếu phẩm. Tiểu thương và người dân thông suốt, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, nhất là thông điệp “5K” của Bộ Y tế.

Để người dân yên tâm ở nhà chống dịch, bên cạnh triển khai tốt chính sách hỗ trợ chung của Trung ương, huyện Tri Tôn còn chủ động chăm lo các trường hợp hộ nghèo, khó khăn, người bán vé số ngay từ đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg. Từ nguồn vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương, toàn huyện Tri Tôn đã trao tặng 3.331 phần quà cho hộ nghèo, khó khăn, riêng 2.800 người bán vé số được hỗ trợ quà riêng (không tính phần hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người từ nguồn của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết An Giang).

Đồng thời, huy động các nguồn lực hỗ trợ quà, khẩu trang y tế, nhu yếu phẩm cho các khu cách ly, các chốt chặn, lực lượng y tế làm nhiệm vụ phòng, chống COVID-19. Bên cạnh hỗ trợ tiêu thụ rau màu, tuổi trẻ huyện Tri Tôn còn vận động các nhà hảo tâm mua rau, củ quả tặng hộ nghèo, khó khăn. Trong khi đó, các công ty khai thác đá, doanh nghiệp trên địa bàn huyện thực hiện giảm số lao động, thực hiện phương châm “3 tại chỗ” trong sản xuất - kinh doanh, đảm bảo quy định an toàn phòng dịch, chăm lo người lao động khó khăn…

“Nỗ lực này nhằm thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, phát triển sản xuất, đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động. Địa phương sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và chung tay cùng các công ty, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này” - ông Cao Quang Liêm nhấn mạnh.

Các lực lượng được yêu cầu siết chặt biên giới, những ranh giới giáp ranh với tỉnh Kiên Giang trên bộ và đường thủy. Mỗi xã, thị trấn, khóm, ấp thực hiện giám sát cộng đồng chặt chẽ, nắm chắc các trường hợp tạm trú, tạm vắng, tài xế, tài công, thương lái thu mua nông sản, nhân công thu hoạch; thực hiện tốt các biện pháp an toàn khi thu hoạch nông sản. Các ngành, địa phương phải quản lý tốt người dân, hạn chế đi chợ, không ra đường khi không cần thiết, trong đó cán bộ, công chức, viên chức cần gương mẫu thực hiện trước; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị, chính quyền địa phương và các ngành, đoàn thể tập trung mọi biện pháp, quyết tâm “giữ vững trận địa, giữ vững màu xanh trên biểu đồ COVID-19”.

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN