Tri Tôn rộn ràng thay “áo mới”

13/05/2022 - 10:20

 - Chưa đầy 4 năm nỗ lực đầu tư, huyện miền núi, biên giới Tri Tôn (tỉnh An Giang) đang dần khoác lên mình chiếc “áo mới”, với những điểm nhấn ấn tượng để chào đón du khách gần xa.

Dồn sức chỉnh trang đô thị

Những ngày này, trên một số tuyến đường thuộc khu vực nội ô huyện Tri Tôn luôn rộn ràng với cảnh các công nhân làm việc hết sức khẩn trương để “né” những cơn mưa bất chợt. Công tác chỉnh trang đô thị của huyện miền núi này còn có sự chung tay góp sức của nhiều doanh nghiệp và người dân địa phương theo hình thức xã hội hóa.

Hầu hết các tuyến đường trong nội ô thị trấn Tri Tôn đều được nâng cấp mở rộng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang cho biết, công tác chỉnh trang đô thị của huyện được đẩy mạnh từ năm 2019. Hầu hết các tuyến đường ở khu vực nội ô của 3 thị trấn: Tri Tôn, Ba Chúc và Cô Tô đều được nâng cấp mở rộng. Riêng những tuyến đường dẫn vào phum, sóc có đông đồng bào dân tộc thiểu số Khmer cũng được nhựa hóa hoặc bê- tông hóa để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

“Tính đến nay, huyện Tri Tôn đã đầu tư 60 hạng mục công trình, như: Xây dựng mới hoặc cải tạo lại các công viên, xây dựng vỉa hè, cống thoát nước, hệ thống chiếu sáng đô thị, trồng cây xanh, với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Điều đáng phấn khởi nhất là tất cả những công trình tạo điểm nhấn ở các địa phương đều có sự đóng góp của người dân và doanh nghiệp”- ông Giang nói.

Cũng theo lãnh đạo UBND huyện Tri Tôn, hiện địa phương đang triển khai một số công trình phát triển hạ tầng, đô thị, như: Đầu tư mới khu hành chính huyện, nâng cấp mở rộng các tuyến tỉnh lộ, đường dẫn vào các khu du lịch. Đồng thời, kêu gọi đầu tư dự án nhà ở xã hội rộng khoảng 10ha, cũng như cải tạo lại khu chợ truyền thống của huyện thành chợ bách hóa tổng hợp bằng hình thức xã hội hóa. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng cũng đang tổ chức thi công các công viên dọc theo tuyến kênh cầu Cây Me để tạo điểm nhấn cảnh quan về đêm và là nơi sinh hoạt, vui chơi giải trí cho người dân và du khách.

Cầu bộ hành bắc ngang tuyến kênh cầu Cây Me được đầu tư bằng hình thức xã hội hóa để giúp người dân qua lại thuận tiện. 

“Hiện nay, huyện đã kêu gọi đầu tư các khu du lịch: Soài Chek, Soài So, Tà Pạ và đã có nhiều doanh nghiệp tham gia. Đây là một trong những tiềm năng sắp tới của huyện với nhiều kỳ vọng du lịch sẽ phát triển cao hơn nữa và đồng bộ với việc xây dựng bộ mặt Tri Tôn ngày càng khang trang với phương châm “Xanh - Sạch - Đẹp”. Ngoài ra, chúng tôi chú trọng về bộ mặt ở các khu vực cửa ngõ với việc thực hiện 2 cổng chào tại xã Châu Lăng (giáp ranh huyện Tịnh Biên) và xã Lương An Trà (giáp ranh huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang). Hai cổng chào này có tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa do người dân và doanh nghiệp đóng góp”- ông Giang chia sẻ.

Không để tồn đọng rác

Nói về công tác vệ sinh môi trường, lãnh đạo UBND huyện Tri Tôn cho biết đã ký hợp đồng với Xí nghiệp Môi trường đô thị huyện này để thực hiện thu gom, xử lý rác hàng ngày đạt tỉ lệ hơn 65% đối với khu vực nông thôn. Đây là tín hiệu vui trong công tác vệ sinh và tạo cảnh quan môi trường, nhất là tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Dự án hồ Soài Chek với nhiều hạng mục công trình tạo điểm nhấn ấn tượng để phục vụ cho nhu cầu phát triển du lịch của địa phương.

Thời gian tới, UBND huyện Tri Tôn sẽ chỉ đạo đơn vị chuyên môn tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh môi trường như duy trì, mở rộng mạng lưới thu gom rác thải sinh hoạt trong dân và nâng tỉ lệ rác thải được thu gom, xử lý theo quy định.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân thông qua các ngày lễ về bảo vệ môi trường và tổ chức triển khai các mô hình thu gom, xử lý rác trong cộng đồng phù hợp với từng địa phương nhằm thu hút người dân tham gia. Đặc biệt, huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp cùng các địa phương tổ chức thu gom rác kịp thời, không để tồn động lâu ngày ở các hộ dân và nơi công cộng để cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn huyện.

Công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện Tri Tôn được đảm bảo, nhất là tại các xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Giám đốc Xí nghiệp Môi trường đô thị huyện Tri Tôn Trần Hữu Trung  cho biết, hiện huyện này có 4 địa phương được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, gồm: Tà Đảnh, Vĩnh Gia, Lương Phi và Lương An Trà. Do đó, xí nghiệp tập trung phương tiện và nhân lực thực hiện tốt nhất việc thu gom rác theo đúng tinh thần chỉ đạo của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang, cũng như của địa phương.

“Đối với 11 xã, thị trấn còn lại thì chúng tôi vẫn đảm bảo công tác thu gom, xử lý rác theo kế hoạch. Xí nghiệp còn được huyện giao quản lý, vận hành và bảo trì hệ thống điện chiếu sáng công cộng, quét dọn một số tuyến đường chính, chăm sóc cây xanh để tạo vẻ mỹ quan cho các công viên. Ngoài ra, xí nghiệp còn thực hiện hoạt động công ích (không thu tiền dịch vụ) để phục vụ công tác chính trị ở địa phương trong các ngày lễ, hội, Tết và thu gom tại các bãi rác phát sinh”- ông Trung khẳng định và cam kết sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao để góp phần làm cho môi trường của huyện nhà ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Dân phấn khởi vì có nơi vui chơi sạch đẹp

Anh Trần Phước Thanh (ở khu vực ấp Tô Hạ, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn) cho biết, khu vực quảng trường Nguyễn Trãi phía đối diện nhà của anh là phần diện tích đất thuộc UBND thị trấn Tri Tôn quản lý. Cách nay hơn 3 năm, khu vực này vốn là khu nhà ở tập thể của cán bộ tại địa phương nhưng đã xuống cấp. Ngay sau khi khu nhà ở này bị giải tỏa, lãnh đạo Huyện ủy và UBND huyện Tri Tôn quyết định đầu tư khu quảng trường như hiện hữu để người dân địa phương có nơi sinh hoạt hoặc tập thể dục.

“Bà con ở khu vực xung quanh đây ai nấy đều vui mừng trước quyết định này của lãnh đạo huyện vì có được nơi sinh hoạt, vui chơi khá khang trang và sạch đẹp. Người dân địa phương đã có ý thức tốt về việc để rác đúng nơi quy định nên tình trạng vứt rác bữa bãi đến nay gần như không còn nữa. Tôi thấy anh em công nhân ở Xí nghiệp Môi trường đô thị huyện Tri Tôn đi thu gom rác khá tốt nên bà con cũng không phàn nàn gì”- anh Thanh phấn khởi nói.

Người dân vô cùng phấn khởi vì hiện Tri Tôn có nhiều điểm vui chơi giải trí về đêm.

Bài và ảnh: GIA HƯNG