Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao giúp nông dân nâng cao thu nhập
Hình thành các vùng chuyên canh
Huyện Tri Tôn đăng ký tham gia 26.620ha, gồm 11 xã, 87 tiểu vùng và trên 10 hợp tác xã. Năm 2024, huyện triển khai thí điểm 2.338ha, ở 6 tiểu vùng của 4 xã, gồm: Lương An Trà, Vĩnh Phước, Tà Đảnh, Tân Tuyến; thí điểm 2 mô hình thực hiện đề án từ nguồn vốn Nghị định 62/2019/NĐ-CP, ngày 11/7/2029 của Chính phủ tại xã Lương An Trà, thị trấn Cô Tô.
Đồng thời, tuyên truyền lồng ghép nội dung đề án qua 26 lớp tập huấn, hội thảo, thu hút trên 500 nông dân tham dự. Tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện chương trình giảm phát thải khí nhà kính và Đề án 1 triệu ha tại xã Vĩnh Gia, Vĩnh Phước, Lương An Trà, Tà Đảnh, An Tức và Tân Tuyến.
Theo UBND huyện Tri Tôn, quá trình triển khai thực hiện đề án còn tồn tại một số khó khăn. Việc thu gom, vận chuyển rơm trong vụ thu đông bị ảnh hưởng bởi mưa kéo dài. Một số tiểu vùng sản xuất lớn, hạ tầng chưa hoàn chỉnh, gây khó khăn trong vận chuyển nông sản và cơ giới hóa. Ngoài ra, các tổ chức nông dân còn non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức vận hành sản xuất tham gia đề án…
Tiếp tục mở rộng diện tích
Đề án hướng đến việc hình thành, phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, kết hợp tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình canh tác bền vững… Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập của người trồng lúa, giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái.
Đề án còn thúc đẩy hình thành và phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, tổ chức nông dân, đóng góp quan trọng vào chuỗi liên kết lúa gạo trên địa bàn; tăng dần tỷ lệ sản xuất có liên kết tiêu thụ qua từng năm thực hiện; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo điển hình, làm mô hình kiểu mẫu cho phát triển lĩnh vực lúa gạo tại tỉnh An Giang đến năm 2030.
Thực hiện đề án, nông dân giảm lượng giống lúa gieo sạ xuống còn 80 - 100kg/ha; lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, nước tưới giảm 20% so với canh tác truyền thống. Nông dân đồng thời áp dụng quy trình canh tác bền vững, như: “1 phải 5 giảm”, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (SRP), các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận, được cấp mã số vùng trồng… Từ đó, thu nhập của nông dân được nâng cao.
Năm 2025, huyện Tri Tôn đề ra mục tiêu mở rộng diện tích tham gia đề án lên 8.008ha. Trong đó, vùng sản xuất 2 vụ/năm là 50ha, tiểu vùng sản xuất 3 vụ/năm là 7.958ha. Cụ thể, vụ đông xuân 2024 - 2025 là 2.677ha, vụ hè thu 2025 là 2.677ha, vụ thu đông là 2.654ha. Diện tích xuống giống tập trung chủ yếu ở các xã, thị trấn: Lạc Quới (140ha), Vĩnh Gia (799ha), Vĩnh Phước (1.662ha), Châu Lăng (192ha), Lương Phi (298ha), Lương An Trà (930ha), Tà Đảnh (560ha), Núi Tô (329ha), An Tức (456ha), Tân Tuyến (2.087ha), Cô Tô (554ha).
UBND huyện Tri Tôn sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; chỉ đạo ngành chuyên môn tăng cường giám sát, theo dõi. Tăng cường tuyên truyền đến nông dân các tiêu chí: Lượng lúa giống gieo sạ, lượng phân bón hóa học, khuyến khích nông dân sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, hạn chế thuốc có nguồn gốc hóa học, lượng nước tưới, xử lý rơm rạ, khi tham gia đề án.
Đồng thời, tổ chức hội thảo khuyến nông, tập huấn tuyên truyền khuyến cáo người dân sản xuất theo quy trình canh tác bền vững, quy trình xử lý rơm rạ sau thu hoạch, quy trình chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, gắn với tăng trưởng xanh…
ĐỨC TOÀN