Tri Tôn vực dậy tiềm năng giai đoạn mới

04/02/2022 - 07:52

 - Là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, dịch bệnh COVID-19 khiến đời sống người dân huyện miền núi, dân tộc, biên giới như Tri Tôn (tỉnh An Giang) càng khó khăn. Dù vậy, huyện vẫn nỗ lực đạt nhiều mục tiêu: Vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, chăm lo an sinh xã hội, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Trong gian khó, vùng đất anh hùng Tri Tôn càng vươn lên mạnh mẽ…

Đánh thức nông nghiệp

Trong khi sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương đã gần như “chạm nóc” thì Tri Tôn vẫn là vùng đất còn nhiều tiềm năng, là điểm đến của những tập đoàn, doanh nghiệp (DN) quan tâm đầu tư vào nông nghiệp quy mô tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ngày 27-2-2021, tại xã biên giới Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn) diễn ra sự kiện đặc biệt không chỉ đối với An Giang mà cả vùng ĐBSCL: UBND tỉnh An Giang phối hợp Tập đoàn TH tổ chức lễ khởi công Dự án chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao tại An Giang. Đây được xem là dự án chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao, quy trình khép kín lớn nhất khu vực ĐBSCL, vận hành với công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới.

Lợi thế nông nghiệp huyện Tri Tôn được phát huy

Với quy mô đàn bò nuôi tập trung 10.000 con, nhà máy chế biến sữa tươi sạch công suất 135 tấn/ngày, dự án bò sữa của Tập đoàn TH được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá mới cho nông nghiệp Tri Tôn. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cho biết, khi dự án được triển khai, nông dân xung quanh vùng dự án có thể tham gia liên kết trồng cỏ, cung cấp nguồn nguyên liệu chăn nuôi bò sữa, tham gia nuôi vệ tinh. Trang trại bò sữa và nhà máy chế biến sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.

“Chúng tôi đã thống nhất với Công ty Cổ phần Trang trại bò sữa và Chế biến sữa công nghệ cao An Giang (thành viên Tập đoàn TH) về việc thành lập hợp tác xã (HTX) để xây dựng vùng liên kết rộng 500ha. DN sẽ cùng góp vốn, nhân sự quản lý, điều hành HTX. Dự án sẽ thúc đẩy phát triển đàn bò trên địa bàn huyện” – ông Văn chia sẻ.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2018, UBND tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư dự án nhà máy chế biến gạo xuất khẩu Hạnh Phúc cho Công ty Cổ phần gạo Hạnh Phúc (thuộc Tập đoàn Tân Long), thực hiện tại xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn). Được sự hỗ trợ tích cực của tỉnh và huyện, dự án đã hoàn thành, đưa vào vận hành.

Với hệ thống silo ứng dụng công nghệ hiện đại bậc nhất Đông Nam Á (chỉ cần đưa lúa vào, hệ thống tự động xay xát, chế biến gạo thành phẩm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu), nhà máy chế biến gạo xuất khẩu Hạnh Phúc có thể tiêu thụ khoảng 42% tổng sản lượng lúa của huyện Tri Tôn. “DN đã đồng ý tham gia thành lập HTX tại nhà máy, liên kết với khoảng 10 HTX khác để liên kết thu mua lúa chế biến. Đây là hướng đi mới, bền vững trong liên kết sản xuất” - ông Văn đánh giá.

Thực hiện “mục tiêu kép”

Có thể nói, trong khó khăn của đại dịch COVID-19, vai trò của nông nghiệp ở huyện Tri Tôn càng được phát huy. Giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, các Tổ phản ứng nhanh nông nghiệp tích cực thể hiện vai trò kết nối, hỗ trợ tiêu thụ, nông dân “trúng mùa, trúng giá” nên đời sống ổn định.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, những chương trình, dự án nông nghiệp được Trung ương, tỉnh hỗ trợ đầu tư trên địa bàn huyện là tiền đề, động lực để huyện khai thác tiềm năng, thế mạnh, thu hút thêm các nhà đầu tư lớn.

“Điển hình như dự án VnSAT  “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững” được thực hiện tại 4 xã: Tân Tuyến, Lương An Trà, Vĩnh Phước và Tà Đảnh, sẽ tạo thuận lợi về hạ tầng kết nối giao thông, phục vụ sản xuất lớn. Dự án hồ Núi Dài 2 sẽ làm bật được lợi thế nông nghiệp của xã Lê Trì, tạo thuận lợi về nguồn nước tưới để nông dân phát triển những vườn cây đặc sản trên núi Dài kết hợp du lịch (sầu riêng, bơ, xoài…); còn hồ chứa nước Cô Tô sẽ giúp tăng hiệu quả canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer…” - ông Liêm đánh giá.

Việc phát huy lợi thế nông nghiệp, ổn định đời sống nhân dân đã có đóng góp lớn vào nỗ lực kiểm soát dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn huyện Tri Tôn. Dù có những thời điểm dịch bệnh còn xuất hiện nhiều trong cộng đồng nhưng tỷ lệ chuyển nặng và tử vong rất thấp; hiệu quả cách ly, điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà được phát huy.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm trao hỗ trợ túi an sinh cho lao động ngoài tỉnh về quê

Sau đợt giãn cách xã hội, huyện Tri Tôn là một trong những địa phương có số lao động xa quê trở về đông nhất tỉnh, với 10.235 người. Khi tiếp nhận về địa phương, huyện đã tổ chức vận động, hỗ trợ bà con bằng tiền mặt và hiện vật khoảng 3,1 tỷ đồng; khẩn trương tiêm vaccine, hỗ trợ hàng ngàn lao động trở lại các tỉnh, thành phố làm việc.

Huyện còn triển khai hỗ trợ đối tượng lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng; vận động xã hội hóa được trên 13 tỷ đồng để hỗ trợ cho các khu cách ly, lực lượng phòng, chống dịch, hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Đến cuối năm 2021, toàn huyện Tri Tôn còn 1.815 hộ nghèo, chiếm 5,44% tổng số hộ (giảm 1,54%); hộ cận nghèo còn 3.203 hộ, chiếm 9,59% (giảm 0,54%). Đây là nỗ lực đáng ghi nhận trong bối cảnh khó khăn chung...

Ông Cao Quang Liêm cho biết, mặc dù tập trung phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế nhưng công tác xã hội hóa đầu tư cho giáo dục cũng được huyện quan tâm và ngày càng đạt hiệu quả tích cực. Huyện đã vận động hỗ trợ 196 ti-vi, trị giá gần 2 tỷ đồng, giúp các trường đổi mới và nâng cao hiệu quả giáo dục, phục vụ chương trình thay sách giáo khoa mới cho các khối lớp 1, 2 và 6…

Phát huy lợi thế

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho rằng, dù còn nhiều khó khăn nhưng kết quả đạt được năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng để Đảng bộ tiếp tục phấn đấu, tạo bước đột phá để phát triển mạnh mẽ hơn. Những dự án đầu tư lớn trên địa bàn huyện khi triển khai sẽ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định và từng bước nâng cao đời sống nhân dân, góp phần giảm nghèo bền vững, tạo nền tảng vững chắc để huyện tiếp tục phát triển trong những năm tiếp theo.

Thời gian qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện Tri Tôn tiếp tục được giữ vững, ổn định, là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống chính trị cơ bản đã được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Do vậy, năm 2022, huyện Tri Tôn có đủ điều kiện, các yếu tố khai thác tốt tiềm năng, phát huy về lợi thế, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp, du lịch để vươn lên phát triển trong thời gian tới.

Huyện ủy, UBND huyện Tri Tôn xác định rõ nhiệm vụ chính trị năm 2022 là tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; tập trung thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021 của Chính phủ về việc ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội huyện trong trạng thái bình thường mới.

Theo đó, huyện huy động mọi nguồn lực xã hội, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang, nâng cấp và phát triển đô thị; khai thác tốt nội lực phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ, thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ở các ngành công nghiệp chế biến, thương mại và dịch vụ. Huyện tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa gắn chặt với ngành công nghiệp chế biến; phát triển và nhân rộng các loại hình kinh tế hợp tác, các chương trình phát triển nông nghiệp; nâng giá trị sản xuất nông nghiệp lên khoảng 142,78 triệu đồng/ha.

Tri Tôn cũng tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút, kêu gọi đầu tư các dự án, nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn. Huyện thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch ngành, vùng sản xuất. Đồng thời, quản lý chặt chẽ thu chi ngân sách nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường huy động vốn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội…

Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tri Tôn yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, các ngành, đơn vị với tinh thần trách nhiệm cao, tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém; đoàn kết, thống nhất, tranh thủ mọi nguồn lực và sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân để tạo nên sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi nghị quyết năm 2022.


NGÔ CHUẨN