Triển khai tốt vụ sản xuất thu đông

21/07/2023 - 08:25

Dù dự báo đỉnh lũ năm nay thấp, nhưng diễn biến thời tiết phức tạp nên công tác tổ chức sản xuất và bảo vệ vụ thu đông cần chuẩn bị chu đáo. Trong đó, chú ý tuân thủ lịch thời vụ xuống giống, xúc tiến doanh nghiệp (DN) liên kết tiêu thụ và áp dụng các quy trình canh tác tiến bộ, giúp giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh của nông sản.

Không xuống giống ngoài đê bao

Nhằm đảm bảo tăng trưởng chung của tỉnh Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư vừa ký ban hành Kế hoạch 581/KH-UBND về sản xuất và tiêu thụ vụ thu đông năm.

Theo UBND tỉnh, An Giang đã xây dựng được 699 tiểu vùng sản xuất, trong đó có 417 tiểu vùng có đê bao kiểm soát lũ triệt để, với diện tích khoảng 189.000ha. Thực hiện kế hoạch xả lũ 30.469ha tại 28 tiểu vùng để tái tạo đất nên vụ thu đông có diện tích xuống giống khoảng 163.071ha (lúa 148.133ha, màu 14.938ha).

UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương hướng dẫn nông dân tuân thủ khung lịch thời vụ xuống giống thu đông từ ngày 15/7 - 31/8/2023, trong đó có 2 đợt xuống giống đồng loạt, tập trung và né rầy là từ ngày 15/7 - 20/7 và từ ngày 5/8 - 20/8. Lưu ý, thời gian xuống giống trên cùng 1 tiểu vùng không quá 7 ngày và không để nhiều trà lúa đan xen nhau; không xuống giống lúa vụ thu đông ở những vùng không có đê bao kiểm soát lũ triệt để. Đồng thời, thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên nền đất trồng lúa đối với những tiểu vùng xuống giống muộn, nằm ngoài lịch khuyến cáo, để tránh ảnh hưởng đến vụ đông xuân 2023 - 2024.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Văn Hiền, vụ thu đông xuống giống trong điều kiện thời tiết có mưa, bão nhiều nên gặp khó khăn trong sản xuất, dự báo xuất hiện một số sâu, bệnh hại, như: Rầy nâu, muỗi hành, bệnh đạo ôn, cháy bìa lá, lem lép hạt… Do đó, ngành chuyên môn và các địa phương cần triển khai thực hiện tốt Quyết định 73/QĐ-TT-VPPN, ngày 25/4/2022 của Cục Trồng trọt về ban hành Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL. Các địa phương cần rà soát và đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng lúa (code) đối với các vùng đã có hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) nhưng chưa được cấp mã số.

Bên cạnh hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, cán bộ kỹ thuật cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm, hướng dẫn nông dân xử lý các đối tượng dịch hại và có biện pháp ứng phó kịp thời.

Liên kết rau màu, cây ăn trái

Vụ thu đông, tổng diện tích xuống giống rau màu khoảng 14.938ha; trong khi diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đến cuối năm 2023 khoảng 20.000ha.

UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác... để tạo ra các sản phẩm rau màu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; sản xuất các loại rau an toàn theo quy trình và tiêu chuẩn gắn với yêu cầu của DN; đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng rau theo nhu cầu đăng ký DN. Đồng thời, hỗ trợ thành lập các HTX, THT sản xuất rau an toàn tại địa phương, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm rau màu và liên kết với các DN, siêu thị… để tiêu thụ sản phẩm.

Đối với cây ăn trái, UBND tỉnh giao địa phương xúc tiến đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng tại những nơi chưa có code; rà soát, hướng dẫn thay đổi tên người đứng mã số trước đây khi cần thiết; tập huấn nhà vườn, HTX, THT hiểu thêm về phương thức tiến hành cấp mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc…

Ngành chuyên môn hướng dẫn nông dân cắt tỉa cành, tạo tán, sử dụng các biện pháp kỹ thuật quản lý cây trồng trong mùa mưa bão, nhằm hạn chế rụng trái và đổ ngã. Bên cạnh đó, khuyến cáo nông dân hạn chế kích thích xoài cho ra hoa trái vụ từ nay đến cuối năm 2023. Đối với cây xoài già nhiều năm tuổi, khuyến cáo không nên kích ra hoa trái vụ, mà cắt cành, tỉa nhánh, chăm sóc dưỡng cây, phục vụ cho trái vào năm sau.

Hiện nay, nhu cầu lương thực trên thế giới vẫn cao, xuất khẩu gạo tăng, giá lúa duy trì ở mức khá. Do vậy, đối với vụ lúa thu đông, đầu ra không quá lo khi đến nay, có 14 DN đăng ký liên kết tiêu thụ trên địa bàn tỉnh với 106.260ha, chiếm 71,73% diện tích kế hoạch xuống giống. Đối với rau màu, bên cạnh phát triển các vùng sản xuất tập trung, trọng điểm của tỉnh (Kiến An, Mỹ Hòa Hưng, Bình Thủy, Bình Thạnh, Châu Phong…), cần tiếp tục mời gọi DN gắn kết, đầu tư và thu mua các loại rau màu ngắn ngày có giá trị kinh tế cao (bắp non, đậu nành rau, nhóm rau dưa…), liên kết tiêu thụ trong hệ thống Bách Hóa Xanh, Co.opmart, Winmart...

Đối với trái cây, các ngành, địa phương hỗ trợ củng cố lại các HTX, THT làm đầu mối liên kết tiêu thụ trái cây, chủ động tìm kiếm và kết nối DN liên kết phù hợp với năng lực sản xuất. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các DN: Hoàng Phan, Chánh Thu, Cát Tường, Hoàng Phát Fruit, Antesco, Lefarm… để giải quyết đầu ra cho nhóm cây ăn trái trong mùa thu hoạch rộ.

Các sở, ngành thực hiện, phối hợp tuyên truyền, hỗ trợ DN tiếp cận các chính sách khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ để nhân rộng “Cánh đồng lớn”, kêu gọi các DN tham gia đầu tư sản xuất theo chuỗi liên kết. Đồng thời, hỗ trợ và củng cố các THT, HTX, đảm bảo đủ mạnh để đại diện nông dân tham gia liên kết với DN; thúc đẩy nhanh việc hình thành các THT rau màu, cây ăn trái tại các vùng có DN tham gia liên kết thu mua.


NGÔ CHUẨN