Triển vọng từ mô hình trồng bí đao lấy hạt

14/03/2018 - 01:15

 - Đầu năm 2017, tình cờ biết đến mô hình trồng bí đao lấy hạt, ông Lâm Thành Thạnh (nông dân (ND) ấp Thị 1, xã Hội An, Chợ Mới) đã trồng thử nghiệm trên diện tích đất của mình. Sau hơn 3 tháng canh tác, trừ các khoản chi phí, ông Thạnh thu lợi nhuận từ 25-30 triệu đồng/1.000m2. Đây là hướng đi mới, đầy triển vọng cho ND ở nhiều địa phương trong tỉnh.

Dù được công ty ký hợp đồng liên kết sản xuất, nhưng do đây là mô hình hoàn toàn mới ở địa phương, chính vì vậy, ông Thạnh chỉ canh tác trong nhà lưới với diện tích 500m2 trong lần trồng thử nghiệm đầu tiên. Công ty Thuần Nông (TP. Hồ Chí Minh) cung cấp hạt giống, các loại phân thuốc sử dụng trong quá trình chăm sóc, phát triển để tạo ra được hạt giống chắc, đạt chất lượng tốt nhất. Đồng thời, công ty còn hỗ trợ ND 30% chi phí xây dựng nhà lưới, trải bạt… “Do đây là mô hình mới, tôi chỉ canh tác trên khoảng nửa công đất. Bên cạnh sự hướng dẫn kỹ thuật thường xuyên của đội ngũ kỹ sư của công ty, cùng với đó là đất canh tác tốt nên bí rất sai trái. Sau hơn 3 tháng trồng thử nghiệm, trừ hết chi phí, tôi lời được được 15-16 triệu đồng” - ông Thạnh bày tỏ. Từ hiệu quả mang lại, cuối tháng 9 (âm lịch) 2017, ông Thạnh cho xuống giống vụ 2, tăng diện tích lên 2.000m2. Ông Thạnh cho biết, đây là loại bí lai từ bí chanh Củ Chi và bí Thái Lan, hình dáng trái bí đẹp, không bị đóng phấn trắng, đây là điều khác biệt so với nhiều loại bí hiện có. Với kinh nghiệm có được, ông Thạnh có thể canh tác 3 vụ/năm, nếu được đổi đất mới liên tục thì năng suất sẽ tăng cao, hạt thành phẩm chắc hơn. Chính vì vậy, nhà lưới cũng được xây dựng theo kiểu di động, nhẹ, dễ lắp ráp, chi phí khoảng 25-30 triệu đồng và sử dụng được nhiều vụ.

Theo ông Thạnh, trồng bí đao lấy hạt không khó nhưng cực nhất là công đoạn vệ sinh đất và thụ phấn. Trước khi gieo hạt và khi bí bắt đầu cho trái, đất phải được xử lý bằng Trichoderma để diệt các loại bệnh để hạt giống đạt chất lượng và không bị nhiễm bệnh. Công đoạn thụ phấn đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ vì phải làm thủ công từng bông và kết thúc trong vòng 1 tuần, nếu làm không đúng cách, bí rất khó đậu trái. Người trồng phải đi thụ phấn cho từng bông vào buổi sáng sớm và lấy giấy đậy lại, như vậy sẽ tránh được côn trùng cắn phá, nếu có mưa sẽ không bị ảnh hưởng đến khả năng đậu trái. “Khi dây bí còn nhỏ thì cỏ sẽ được làm sạch để tạo độ thông thoáng cho bí mau phát triển. Tuy nhiên, khi bí được khoảng 55-60 ngày, ND nên giữ cỏ lại nhằm tác dụng tránh nắng, làm mát cho trái”- ông Thạnh chia sẻ kinh nghiệm.

Theo đánh giá của Công ty Thuần Nông, hạt giống thu được từ đất trồng ở xã Hội An chắc hơn so với nhiều nơi khác, nếu nâng cao năng suất hơn nữa thì sẽ mở rộng diện tích để nhiều ND cùng sản xuất. Theo ông Thạnh, vì được công ty hỗ trợ chi phí, kinh nghiệm, ND chủ yếu bỏ công nên lợi nhuận thu được rất tốt. Sau vụ 2, với 2.000m2 đất sau khi trừ hết chi phí, ông Thạnh thu lợi nhuận từ 55-60 triệu đồng. Qua kinh nghiệm tích lũy được, hiện nay ông Thạnh đảm nhận luôn công đoạn mổ bí lấy hạt, sấy khô và giao về cho công ty đóng bao bì với mức giá hợp đồng là 2 triệu đồng/kg. “Nếu mình bao luôn công đoạn đóng gói, giá sẽ được nâng lên 3 triệu đồng/kg. Hiện tại, nhà tôi đã có máy sấy, máy đóng bao bì nên dự định sẽ triển khai trong vụ tới, nếu được như vậy thì lợi nhuận sẽ tăng”- ông Thạnh phấn khởi cho biết.

Theo ông Thạnh, mỗi dây bí chỉ nên chừa lại khoảng 2-3 trái để lấy hạt, còn những trái gần gốc, do ít hạt nên sẽ được thu hoạch bán trái non cho công ty, với mức giá hợp đồng 8.000 đồng/kg.

 

Triển vọng từ mô hình trồng bí đao lấy hạt

Tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng mà bí sẽ được trồng trên giàn hoặc theo hàng có trải bạt để hạt giống đạt chất lượng tốt nhất

ÁNH NGUYÊN