Triệt xóa đầu nậu, đường dây buôn lậu lớn

16/09/2022 - 07:25

 - Đường biên giới trải dài gần 100km, địa hình bằng phẳng và có nhiều kênh rạch… là điều kiện thuận lợi để các đối tượng buôn lậu tìm cách đưa hàng qua biên giới, vận chuyển vào sâu nội địa tiêu thụ.

Nhiều năm qua, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh không dễ dàng. Các đối tượng buôn lậu dùng đủ mánh khóe, thủ đoạn để qua mặt lực lượng chức năng, thành lập đường dây, băng nhóm buôn lậu để thực hiện hành vi phi pháp. Nếu trước năm 2018, mặt hàng buôn lậu chủ yếu là đường cát, thuốc lá, hàng điện máy, điện lạnh… thì sau đó, các mặt hàng như: Vàng và USD “chảy qua” biên giới ngày càng nhiều. Tình trạng buôn lậu gia tăng thì nền kinh tế trong nước sẽ gặp khó khăn, bởi các mặt hàng nhập lậu có giá thành rẻ hơn hàng hóa sản xuất trong nước.

Trước sự phức tạp đó, An Giang vận dụng tư tưởng “lấy dân làm gốc”, chống buôn lậu phải dựa vào dân, đồng thời đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng trong nội bộ lực lượng chức năng, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng tiếp tay cho buôn lậu.

Tuần tra, kiểm soát hàng hóa qua biên giới

Xuyên suốt 3 nhiệm kỳ qua, tư tưởng chỉ đạo trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh là “không có vùng cấm, không có trường hợp ngoại lệ”. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo lực lượng công an, hải quan, biên phòng, quản lý thị trường; Ban Chỉ đạo 389 cấp huyện nhanh chóng vào cuộc, điều tra làm rõ hành vi buôn lậu của các “đầu nậu”, đường dây buôn lậu lớn trên địa bàn. Bốn lực lượng chủ công đã ký quy chế phối hợp với Trung đoàn Cảnh sát cơ động (Bộ Công an), thành lập 10 tổ công tác liên ngành để bóc gỡ hàng loạt đường dây buôn lậu, đánh vào đầu nậu và kho hàng hóa khu vực biên giới lẫn nội địa, xác lập trật tự trên lĩnh vực này.

Thời điểm 2010-2015, ở TP. Châu Đốc xuất hiện trùm buôn lậu Vi Ngươn Thạnh (Tỷ đường), chuyên buôn lậu đường cát. Vài năm sau đó, cũng tại địa phương này xuất hiện đường dây buôn lậu của Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường), buôn lậu đường cát và vàng. Hai đường dây buôn lậu này lần lượt bị cơ quan chức năng bóc gỡ, từng đối tượng liên quan bị xử lý hình sự. “Bà con ở đây rất vui mừng sau khi các đường dây buôn lậu này bị triệt xóa. Đường phố hạn chế tình trạng xe 2 bánh chạy từng đoàn chở đường cát, thuốc lá lậu…” - bà Trịnh Thị Lài (ngụ phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc) chia sẻ.

Tiêu hủy thuốc lá nhập lậu

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang Trần Anh Thư vừa ký ban hành Công văn 973/UBND-KTN, ngày 25/8/2022, yêu cầu sở, ban ngành cấp tỉnh, nòng cốt là công an, bộ đội biên phòng, hải quan, quản lý thị trường, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, UBND cấp huyện cùng các đơn vị liên quan tiếp tục nâng cao chất lượng công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, tập trung vào mặt hàng vàng, ngoại tệ, ma túy, đường cát, thuốc lá điếu, dược phẩm...

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các đơn vị chủ động nắm tình hình, xây dựng, triển khai kế hoạch thanh, kiểm tra, điều tra phát hiện, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đấu tranh, các lực lượng chức năng cần tập trung lực lượng, phương tiện và biện pháp để đánh trúng, đánh đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu. Việc làm này nhằm răn đe, phòng ngừa chung, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát, phát hiện, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là đối với mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi gia súc - thủy sản, xăng dầu. Ban Chỉ đạo 389 tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì phối hợp với Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị liên quan tham mưu kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên không gian mạng. Tiếp tục nghiên cứu, đổi mới hình thức và phương pháp tuyên truyền quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp, người tiêu dùng trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, cũng như trong lựa chọn, mua bán hàng hóa tiêu dùng.

MINH HIỂN