Triệu trái tim hướng về tháng 7

26/07/2024 - 03:26

 - “Khi tôi chào đời đất nước đã liền thân/ Nhưng nỗi đau vẫn mãi còn âm ỉ/ Chiến tranh với tôi là những câu chuyện kể/ Và những bác cựu binh không nguyên vẹn ngày về!” (Chiến tranh – Phan Thúc Định). Cảm xúc nghẹn ngào càng trở nên mãnh liệt trong tháng 7 tri ân, khi triệu trái tim hướng về Ngày thương binh - Liệt sĩ (27/7), bằng những hành động tri ân, đáp nghĩa, ghi nhớ công ơn anh hùng, liệt sĩ.

Tìm kiếm “những linh hồn bất tử”

Chiến tranh trôi qua đã lâu, mà nỗi đau, sự mất mát vẫn còn trong trái tim mỗi con người Việt Nam, thể hiện rõ nhất ở câu chuyện liệt sĩ hy sinh ở chiến trường trong và ngoài nước vẫn chưa được quy tập đầy đủ. Hài cốt của các anh phải nằm lại đâu đó trong rừng sâu, dưới lòng đất khắp mọi miền Tổ quốc và nước bạn. Đó là nỗi đau, sự trăn trở của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, chưa phút giây nguôi ngoai. Vì thế, vai trò của ban chỉ đạo 515 các cấp vẫn được duy trì, quyết tâm tìm được hài cốt liệt sĩ cuối cùng đưa về đất mẹ an táng.

Theo Ban Chỉ đạo 515 tỉnh, mùa khô năm 2023 - 2024, Đội K93 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã tìm kiếm, cất bốc 15 khu vực, đào tìm 11.000 vị trí (khối lượng đào, lấp 13.200m3 đất, đá) trên địa bàn 12 xã, thuộc 5 huyện của tỉnh Kampong Speu và 2 huyện của tỉnh Takeo (Vương quốc Campuchia). Trong 52 hài cốt liệt sĩ quy tập được (tất cả đều chưa thể xác định danh tính), có 25 hài cốt liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, còn lại hy sinh khi chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Lễ cải táng hài cốt liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc

“Trong nước, chúng tôi chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đặc biệt là TX. Tịnh Biên, huyện Tri Tôn đẩy mạnh tuyên truyền quần chúng Nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác quy tập hài cốt liệt sĩ. Từ đó, Nhân dân nhiệt tình ủng hộ Đội K93 hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi tìm kiếm 11 khu vực, đào tìm 3.000 vị trí (khối lượng đào, lấp 3.600m3 đất, đá) trên địa bàn 10 xã. Kết quả, đã tìm được 8 hài cốt liệt sĩ, trong đó xác định được danh tính 4 hài cốt” - thượng tá Nguyễn Văn Xuyên, Phó Đội trưởng Đội K93 chia sẻ.

Đội K90 (Quân khu 9) cũng triển khai nhiều đợt tìm kiếm trong mùa khô năm 2023 - 2024, cất bốc được 28 hài cốt liệt sĩ ở địa bàn tỉnh Kandal và Kampong Chhnang (Vương quốc Campuchia). Mỗi hài cốt liệt sĩ tìm được là công sức, quyết tâm cao độ của cán bộ, chiến sĩ (CBCS) các đội chuyên trách, tất cả vì đồng đội thân yêu.

Càng ngày, nhiệm vụ của đội càng khó khăn, vất vả hơn, khi công tác thu thập thông tin dần hạn chế (cựu chiến binh, những người biết thông tin về mộ chí ngày càng ít). Thời gian lùi xa mấy mươi năm, hầu hết thông tin tiếp nhận có độ chính xác không cao; địa hình thay đổi nhiều... Chưa kể, tình hình thời tiết không thuận lợi, nhất là khi làm nhiệm vụ ở Campuchia, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của CBCS.

Giữa tháng 7, chúng tôi về xã nông thôn mới Tây Phú (huyện Thoại Sơn), tìm gặp gia đình liệt sĩ Trần Văn Dũng. Lúc này, ông Trần Thanh Tùng bận bịu chuẩn bị nền mộ để đưa hài cốt anh mình về an táng tại đất nhà. Ngày này, họ đã chờ đợi ròng rã 60 năm, kể từ khi nhận được báo tử của liệt sĩ Dũng. Thời gian tìm kiếm dài đến mức, hai đấng sinh thành của liệt sĩ đành buông tay rời nhân thế, trong khi tâm nguyện chưa được cởi bỏ. Họ gửi gắm lại cho ông Tùng: “Hãy đón anh con về thay má, ba”.

Hơn 20 năm công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự xã Tây Phú, cũng là ngần ấy năm ông Tùng tiếp tục đi tìm người anh mình. Rồi thì, may mắn đã tìm đến, đền đáp nỗi lòng người. Trong 4 hài cốt đã xác định được thông tin, có liệt sĩ Trần Văn Dũng.

“Anh tôi tham gia cách mạng năm 1961, hy sinh vào ngày mùng 9/4/1964. Sau khi hoàn thành một trận đánh, các anh rút về, nhưng bị máy bay của địch bắn. Gia đình nhận được tin dữ, tranh thủ đi nhận xác anh về, chôn thầm lặng, không dám làm mồ cao, sợ địch phát hiện. Thời gian sau, chúng tôi buộc lòng di tản về Chợ Mới sinh sống để né tránh sự trả thù, theo dõi. Đến khi giải phóng, trở về nơi cũ thì phát hiện thất lạc hài cốt. Gần như tuyệt vọng, tháng 9/2023, gia đình làm đơn nhờ Đội K93 tìm hài cốt dùm.

Chúng tôi không thể diễn tả được cảm xúc dâng trào khi tìm được anh. Nằm cô quạnh dưới lòng đất 61 năm, giờ đây anh được đem về an táng ở đất ông bà. Chúng tôi vô cùng biết ơn sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang, đặc biệt là tấm lòng của Đội K93” - ông Tùng xúc động.

Tháng 7 luôn đi cùng những cơn mưa dầm. Nhưng hôm tổ chức lễ cải táng 88 hài cốt liệt sĩ - có “sự chứng kiến” của hài cốt liệt sĩ Trần Văn Dũng - ở Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc (TX. Tịnh Biên), trời trong xanh, nắng đẹp đến nao lòng.

“Tổ quốc và Nhân dân Việt Nam nói chung, tỉnh An Giang nói riêng mãi mãi biết ơn các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để giành độc lập cho dân tộc, cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Trước anh linh, hương hồn liệt sĩ, chúng ta chứa chan niềm xúc cảm, vô vàn tri ân CBCS đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, mãi mãi giữ cho màu cờ Tổ quốc thêm đỏ thắm, cho quê hương yên bình, hạnh phúc.

Một lần nữa vĩnh biệt các đồng chí, đồng đội thân yêu. Hài cốt của các anh mãi yên nghỉ trong lòng đất mẹ tại nghĩa trang này, trong tình cảm thương yêu vô hạn của đồng chí, đồng bào. Cầu cho linh hồn các anh bình an trong cõi vĩnh hằng, để những người thân yêu được an lòng” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 515 tỉnh An Giang Lê Văn Phước bày tỏ trong lễ cải táng.

Nghĩa tình dành cho người có công

22 tuổi, vừa tham gia làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia khoảng 1 năm, ông Nguyễn Văn Đủ (ngụ xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân) bị trúng mìn. “Thời điểm đó (1987), chiến tranh biên giới Tây Nam đã kết thúc, nhưng bom mìn vẫn còn dày đặc ở nơi chúng tôi đóng quân. Hầu như ngày nào tôi cũng nhìn thấy đồng đội hoặc mất, hoặc bị thương.

Mọi người đều chung suy nghĩ “Sống hôm nay, chưa biết ngày mai thế nào”, vẫn phải hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ngày 7/2/1987, đơn vị chúng tôi tham gia gỡ mìn. Tôi là người đi đầu, còn 4 đồng chí kia đi cách 20m. Không may, mìn nổ, mắt tôi mờ dần, chỉ kịp nhìn thấy đôi tay mình dập nát. Sau đó, nhiều ngày liên tiếp tôi được đưa đi điều trị, cắt bỏ cả hai bàn tay, trở thành thương binh” - ông kể.

Trở về cuộc sống đời thường, thay vì bất lực với khiếm khuyết đang gánh chịu, người thương binh này chọn cách sống vươn lên. Bằng đôi chân lành lặn, bằng đôi mỏm tay chắp gọn vào nhau, ông chèo xuồng đi câu lươn, bắt ếch, chài cá… Nghề nào ông cũng làm, mà làm rất giỏi, nuôi sống vợ con và ngày càng khá giả. Đến khi con cháu đề huề, cuộc đời thảnh thơi hơn, ông vẫn cần mẫn lao động.

Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng bằng khen cho ông: “Thương binh suy giảm sức khỏe 96% đã có nhiều thành tích trong lao động, sản xuất, vượt khó vươn lên, chiến thắng thương tật, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội”. Tiếp nối truyền thống của ông, cậu con trai Nguyễn Đức Thắng cũng viết đơn tình nguyện thi hành nghĩa vụ quân sự, dù nằm trong diện được miễn.

“Tôi thấy một vài thương binh mặc cảm với thương tật của mình, “tàn xem như phế”. Đối với tôi, bản thân được sống sót là may mắn gấp nhiều lần đồng đội đã hy sinh. Bởi vậy, không có lý do gì để chúng tôi buông xuôi, cam chịu, mặc cho số phận quyết định. Mỗi năm, tôi và nhiều đồng đội trong huyện tụ họp, cùng làm mâm giỗ liệt sĩ, nhắc lại chuyện chiến tranh, nhớ người đã khuất, động viên nhau tiếp tục sống tốt, sống có ích cho gia đình, xã hội, xứng đáng với truyền thống Bộ đội cụ Hồ” - ông Đủ chia sẻ.

Năm 1947, khi cuộc kháng chiến chống Pháp vừa bắt đầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng, chọn ngày 27/7 hàng năm là ngày “Thương binh toàn quốc”. Theo Người: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc và đồng bào mà các đồng chí đó chịu ốm yếu...

Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và làm nhiệm vụ quốc tế với nước bạn Lào, Campuchia, tham gia chiến đấu tại biên giới Tây Nam, tỉnh An Giang có trên 40.000 người có công, bao gồm lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, liệt sĩ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ tranh nhân dân, thương - bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng...

Toàn tỉnh thường xuyên huy động nguồn lực phục vụ cho việc xác định danh tính liệt sĩ còn thiếu thông tin (giám định ADN); tặng sổ tiết kiệm, nhà Tình nghĩa, thăm hỏi, tặng quà cho gia đình có công với cách mạng vào dịp lễ, Tết, tạo thành dòng chảy tri ân xuyên suốt, thấm đẫm nghĩa tình.

Dịp 27/7, nhiều hoạt động tri ân được các cấp, ngành tổ chức rộng khắp. Đại tá Chau Chắc, đại biểu Quốc hội, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chia sẻ: “Thời gian qua, gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo… luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên, được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, chăm lo. Nhưng do nhiều yếu tố tác động, vẫn còn một số gia đình gặp khó khăn, điều kiện chăm sóc sức khỏe hạn chế. Với tinh thần “của ít lòng nhiều”, chúng tôi vừa tổ chức các đợt khám, cấp phát thuốc miễn phí cho gia đình chính sách. Thông qua những hoạt động này, hy vọng giúp bà con chăm sóc sức khỏe, giảm bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”.

Trong chuyến công tác đến thăm các gia đình chính sách trên địa bàn TP. Châu Đốc, đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang khẳng định: “Cả nước luôn tri ân những người đã cống hiến một phần xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Dù lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành nhiều quan tâm, chăm lo chế độ chính sách cho gia đình có công với cách mạng, nhưng chỉ mới được phần nào, vì nguồn lực còn hạn hẹp.

Do vậy, mong các gia đình chính sách đồng sức, đồng lòng chia sẻ khó khăn chung, tiếp tục giữ vững niềm tin, lý tưởng cách mạng, phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”; giáo dục các thế hệ sau hiểu về truyền thống vẻ vang, hào hùng của đất nước, ra sức đóng góp xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Lãnh đạo địa phương các cấp tiếp tục tìm hiểu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của gia đình chính sách, quan tâm, trao đổi, tháo gỡ, để gia đình chính sách được tạo mọi điều kiện thuận lợi vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống”.

Khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc, tất cả đều đang hướng về anh linh, vong hồn của anh hùng, liệt sĩ. Từ thế hệ trước đến thế hệ nay, lời căn dặn sắt son nhất được trao truyền: Không được quên quá khứ hào hùng của dân tộc; không được lãng quên những mất mát, hy sinh của hàng triệu anh hùng, liệt sĩ... giúp đất nước có cơ đồ hôm nay.

Với truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", Đảng bộ, quân, dân tỉnh An Giang chắc chắn sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, thực hiện ước mơ hoài bão của các liệt sĩ lúc sinh thời, cùng với cả nước xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

Trong chuyến công tác về An Giang tháng 7/2024, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh: “Chúng ta sắp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cần phải thực hiện thật tốt chính sách dành cho người có công. Các địa phương rà soát tổng thể xem còn sót đối tượng người có công nào chưa được công nhận thành tích. Không lý gì nửa thế kỷ rồi mà vẫn còn trường hợp chưa được công nhận, chưa được hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước. Những thủ tục liên quan đến hưởng chế độ chính sách còn vướng mắc, rườm rà, phức tạp thì phải cố gắng giải quyết đến khâu cuối; quan tâm cấp đổi Bằng Tổ quốc ghi công, huân chương bị thất lạc, hư hỏng, giúp gia đình người có công treo trang trọng, vinh dự trong nhà, trên bàn thờ liệt sĩ. Cần có hoạt động họp mặt, kỷ niệm, tôn vinh các đối tượng người có công, để họ cảm thấy tự hào về công lao đóng góp của bản thân, gia đình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từng địa phương nắm chắc chủ trương chính sách của Trung ương hiện nay (nhà ở, đời sống, việc làm, thu nhập…), triển khai nghiêm túc, quyết liệt, xem như là cách “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo thiết thực cho người có công, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, vùng căn cứ cách mạng nhân các sự kiện trọng đại của đất nước, thực hiện tổng thể theo kiểu “cuốn chiếu”. Đừng để người có công phải sống tạm bợ, không an lòng”.

 

GIA KHÁNH