Trở lại với lớp học tình thương

24/12/2019 - 07:42

 - Thăm lớp học tình thương (khóm Nguyễn Du, phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) những ngày giáp Tết, mới thấy hết không khí rộn ràng, căng tràn sức sống ở một lớp học từng xập xệ, cũ kỹ với những đứa trẻ mặt mày nhem nhuốc, trang phục đến trường thiếu thốn trước kia. Những tiếng "ê a" học bài vang lên làm lòng người ấm hơn, vì biết rằng trên hành trình tìm kiếm con chữ của những đứa trẻ nghèo luôn có những tấm lòng chở nặng yêu thương.

Các em nhỏ ở lớp học tình thương ngày càng chăm ngoan

Tình thương ấy khởi nguồn từ chú Nguyễn Hữu Thời (sinh năm 1951, cựu chiến binh phường Mỹ Bình,  TP. Long Xuyên). Chú Thời là người “khai sinh” ra lớp học tình thương, với hơn 23 năm gắn bó cùng phấn trắng, bảng đen của lớp học, chú là người vui hơn ai hết khi chứng kiến lớp học ngày càng đổi thay theo hướng tích cực. “Những ngày mới về khóm Nguyễn Du này, thấy xóm nghèo, trẻ em lêu lỏng, ham chơi nhiều, tôi xin phép chính quyền địa phương mở lớp học tình thương, vừa dạy con chữ, vừa truyền đạt nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Những ngày đầu, việc vận động học sinh ra lớp rất khó khăn, bởi phụ huynh không chịu, họ sợ con em học rồi không còn thời gian phụ giúp việc nhà. Dần dần thấy được lợi ích và ý nghĩa của lớp học, con em chăm ngoan, siêng năng và nghe lời hơn, từ vài em theo học ban đầu, các bậc cha mẹ tự nguyện đưa con đến lớp học nhiều hơn. Dù không còn trực tiếp đứng trên bục giảng nhưng mỗi bước đi của lớp học tôi đều dõi theo” - chú Thời chia sẻ.

Hiện, người thay chú Thời truyền đạt tri thức cho hơn chục trẻ nghèo khóm Nguyễn Du là cô Phan Thu Thủy (54 tuổi, ngụ phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên). Được sự hỗ trợ và tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo phường Mỹ Bình, nhiều nhà hảo tâm đã giúp đỡ lớp học tình thương rất nhiều, từ vật chất đến tinh thần. Nhiều năm qua, cô giáo Thủy đã miệt mài uốn nắn cho các em từng con chữ, tập các em tính toán cộng, trừ, nhân, chia, dạy các em hát bài hát, kể các em nghe những mẫu chuyện cổ tích, ngụ ngôn… Chính tình yêu trẻ là động lực để cô giáo “vô danh” ấy bền tâm dìu dắt các em đến lớp, nắn nót từng con chữ, tranh thủ nguồn vận động cho các em từng cuốn tập, quyển sách, cây viết, cây thước, thậm chí là những bộ quần áo, đồng phục tinh tươm cho những buổi đến lớp. Ngoài cô Thủy, còn có những sinh viên trẻ của Trường Đại học An Giang đến lớp phụ dạy các bạn nhỏ. Bằng tình thương và tấm lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, các bạn đã tiếp thêm nghị lực, tinh thần cho các em nhỏ của xóm nghèo phấn đấu học tập từng ngày để thành người có ích.

Ở đó, mỗi em nhỏ là một hoàn cảnh khó khăn và cần được yêu thương như nhau. Có em cha mẹ “đường ai nấy đi”, sống nương nhờ ông bà, có em chỉ ở với cha hoặc mẹ nhưng hàng ngày phải phụ mưu sinh bằng nhiều việc như: bán vé số, lượm ve chai hay bán bánh trái… Nghe cô Thủy chia sẻ cụ thể về hoàn cảnh từng em mới thấy nhói lòng... Giữa guồng quay hối hả, các em vẫn cố gắng vươn lên để mong thay đổi cuộc đời nhờ vào lớp học tình thương. “Lúc trước, em không biết đọc, viết. Từ ngày được bà ngoại cho đi học ở đây, em đã biết đọc. Bà của em dù không có thời gian giúp em ôn bài nhưng vẫn nhắc nhở em đến lớp thường xuyên. Gần 2 năm nay được học trong lớp học khang trang với đầy đủ dụng cụ học tập, chúng em vui lắm. Em sẽ cố gắng chăm ngoan, học tốt để không phụ lòng những người đã yêu thương lớp học nhỏ của mình” - em Nguyễn Thị Mỹ Linh (12 tuổi, học sinh lớp học tình thương) phấn khởi cho biết.

“Gắn bó với các em khoảng 5 năm, tôi cảm thấy rất vui và may mắn. Có em hơn 10 tuổi nhưng không biết đọc, viết, có em rất bướng bỉnh nhưng giờ đã chăm ngoan hơn rất nhiều. Có em tuy lớn tuổi hơn các bạn trong lớp nhưng lại không lanh lẹ bằng, được cái là rất chăm ngoan nên ai cũng thương. Thời gian gần đây, nhiều nhà hảo tâm quan tâm hơn, nhất là dịp lễ, Tết, các em cũng có tinh thần học tập hơn rất nhiều. Trong khả năng của mình, tôi giúp các em học tập, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội” - cô Thủy bộc bạch.

PHƯƠNG LAN