Tròn 70 năm một quyết định lịch sử: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ
06/12/2023 - 08:44
Quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu bước phát triển mới trong lãnh đạo đấu tranh vũ trang của Đảng ta cũng như sự lớn mạnh của QĐND Việt Nam.
AA
Cách đây tròn 70 năm, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy.
Thực tế đã chứng minh, đây là quyết định có ý nghĩa lịch sử to lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược đúng đắn, sáng suốt của Đảng, mở đường đi đến thắng lợi Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam.
Ngược dòng thời gian, mùa Hè năm 1953, tướng Nava (Henri Navarre) được cử sang làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương. Tháng 7/1953, chính phủ Pháp thông qua kế hoạch quân sự mới do tướng Nava dự thảo (còn được gọi Kế hoạch Nava), bao gồm hai bước:
- Bước 1 (Thu Đông 1953 và Xuân 1954): Giữ thế phòng ngự chiến lược ở chiến trường miền Bắc, tránh giao chiến với lực lượng chủ lực đối phương, thực hiện tiến công chiến lược ở chiến trường miền Nam; đồng thời ra sức phát triển ngụy quân, tập trung xây dựng khối chủ lực cơ động mạnh.
- Bước 2 (từ Thu Đông 1954): Dồn toàn lực ra chiến trường miền Bắc thực hiện các đòn tiến công chiến lược, cố giành thắng lợi quyết định, buộc Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa phải chấp nhận kết thúc chiến tranh theo những điều kiện do Pháp đặt ra.
Kế hoạch Nava là cố gắng cao nhất của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương. Cả Pháp và Mỹ đều hi vọng trong 18 tháng sẽ “chuyển bại thành thắng”!
Thực hiện kế hoạch quân sự mới đề ra, suốt Hè Thu năm 1953, địch mở nhiều cuộc hành quân càn quét bình định, ra sức bắt lính; đồng thời đưa một số đơn vị quân viễn chinh sang tăng cường. Sau thời gian ngắn, trên chiến trường Đông Dương, chúng đã củng cố, xây dựng được 84 tiểu đoàn cơ động chiến lược, trong đó tập trung 44 tiểu đoàn ở đồng bằng Bắc Bộ.
Trước âm mưu, hành động mới của địch, tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp bàn, đề ra chủ trương tác chiến trong Đông Xuân 1953 - 1954 là: “Tập trung lực lượng mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, đồng thời buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa điểm xung yếu mà chúng không thể bỏ, do phải phân tán binh lực mà tạo ra cho ta những điều kiện thuận lợi mới để tiêu diệt thêm từng bộ phận sinh lực của chúng”.
Phương châm: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Nguyên tắc: “Đánh ăn chắc, tiến ăn chắc. Chắc thắng thì đánh cho kỳ thắng, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh”.
Thực hiện chủ trương đề ra, từ tháng 11/1953 đến đầu năm 1954, quân và dân Việt Nam phối hợp chặt chẽ cùng với quân dân hai nước bạn Lào - Campuchia mở các cuộc tiến công trên khắp chiến trường Đông Dương (Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia, Tây Nguyên, Thượng Lào) buộc Pháp phải phân tán lực lượng đối phó.
Trong khi địch lúng túng đối phó với ta trên nhiều hướng, thì ở chiến trường sau lưng địch, khắp nơi, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích đều nắm vững thời cơ đẩy mạnh hoạt động phối hợp tiêu hao, tiêu diệt và giam chân một bộ phận sinh lực địch. Kế hoạch Nava bước đầu bị phá sản.
Giữa tháng 11/1953, cơ quan tình báo địch phát hiện một số đơn vị chủ lực của ta (có Đại đoàn 316) di chuyển lên hướng Tây Bắc. Gần như ngay lập tức, trong hai ngày 20 - 21/11/1953, tướng Nava điều động 6 tiểu đoàn Âu - Phi tinh nhuệ nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ với mục đích bảo vệ Tây Bắc, Thượng Lào và phá cuộc tiến công Đông Xuân của ta.
Do áp lực ngày càng tăng, ngày 3/12/1953, tướng Nava quyết định xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có ở Đông Dương. Chúng dự trù tăng cường binh lực lên Điện Biên Phủ (đến đầu năm 1954 tổng quân số địch hơn 16.000 tên), được trang bị những loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại.
Giới quân sự Pháp và Mỹ nhận định: Phía đối phương (Quân đội nhân dân Việt Nam) chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm mạnh; mặt khác, chiến trường Điện Biên Phủ xa hậu phương của đối phương, nên đối phương không có khả năng huy động chi viện cho chiến dịch quy mô lớn, diễn ra dài ngày. Nếu tiến công, đối phương sẽ không tránh khỏi thất bại. Từ nhận định đó, Bộ chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương nhận định tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là “pháo đài không thể công phá”; đồng thời thả truyền đơn thách thức Quân đội nhân dân Việt Nam tiến công.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của chiến trường, ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ta họp bàn, nghe Tổng Quân ủy báo cáo quyết tâm phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954, trọng tâm là Mặt trận Điện Biên Phủ. Tổng Quân ủy nhấn mạnh: “Trận Điện Biên Phủ sẽ là một trận công kiên lớn nhất từ trước tới nay (...). Vì vậy, sự chuẩn bị có nhiều khó khăn, cần ráo riết tập trung lực lượng mới làm kịp, nhưng nếu kiên quyết khắc phục khó khăn, hoàn thành được chiến dịch thì thắng lợi này sẽ là một thắng lợi rất lớn”.
Tổng Quân ủy dự định sử dụng 9 trung đoàn bộ binh và toàn bộ pháo binh, công binh, phòng không và một bộ phận cao xạ pháo, tổng số là 35.000 quân. Nếu tính cả các đơn vị trực thuộc thì lên đến hơn 40.000 quân, chưa kể dân công. Thời gian tác chiến ước độ 45 ngày.
Bộ Chính trị phân tích: Về địch, Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm mạnh, nhưng có điểm yếu cơ bản là bị cô lập, việc tiếp tế đều dựa hoàn toàn vào đường không. Nếu đường hàng không bị hạn chế hay bị cắt đứt, thì tập đoàn cứ điểm này sẽ gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa nói đến tinh thần chiến đấu của binh lính địch nói chung là bạc nhược, nếu gặp khó khăn, thiếu thốn hoặc thất bại thì lại càng kém sút thêm.
Về phía ta, những đơn vị chủ lực tinh nhuệ có tinh thần chiến đấu cao, trình độ trang bị kỹ thuật có tiến bộ, bước đầu được huấn luyện đánh tập đoàn cứ điểm. Về hậu cần, tuy Mặt trận xa hậu phương chiến lược, việc tiếp tế nhiều khó khăn, nhưng ta lại có sức mạnh toàn dân, có khả năng tập trung toàn lực để chi viện tiền tuyến, bảo đảm lương thực, đạn dược cho quân đội làm tròn nhiệm vụ.
Từ sự phân tích đó, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.
Quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ của Bộ Chính trị (6/12/1953) là một chủ trương rất kiên quyết, linh hoạt, sáng tạo và kịp thời, thể hiện quyết tâm rất lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, đánh dấu bước phát triển mới trong lãnh đạo đấu tranh vũ trang của Đảng ta cũng như sự lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Điều đó thể hiện ở một số điểm nổi bật sau:
- Nếu chủ trương tác chiến trước đây (tháng 9/1953) của Bộ Chính trị là tránh những nơi địch mạnh, chọn những hướng chiến lược quan trọng mà địch tương đối yếu để tiến công tiêu diệt địch, thì đến thời điểm này (6/12/1953), ta chủ trương tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ tiến công vào tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của địch.
- Hình thức tác chiến của ta trước đây chủ yếu là đánh vận động và đánh công sự vững chắc nhỏ, thì bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ, hình thức tác chiến là một trận đánh công sự vững chắc quy mô rất lớn có tính chất trận địa. Do đó, thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ chắc chắn sẽ mở ra một cục diện mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng mãnh, vượt qua muôn vàn gian khổ “gan không núng, chí không mòn”, bộ đội ta tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, góp phần quyết định buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ (21/7/1954) công nhân độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm (1945 - 1954).
Chiến thắng Điện Biên Phủ bắt nguồn từ nhiều nhân tố, nhưng nhân tố giữ vai trò quan trọng nhất là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo, độc lập tự chủ của Đảng, trực tiếp là quyết định mở chiến dịch (6/12/1953).
Quyết định lịch sử ấy để lại cho cho cách mạng Việt Nam nhiều bài học - kinh nghiệm quí báu: Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữ vững và tăng cường phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng; kịp thời nắm bắt thời cơ, chớp thời cơ, chỉ đạo chiến lược nhạy bén, sắc sảo nhằm tập trung sức mạnh cao độ cả nước để giành thắng lợi.
Những bài học - kinh nghiệm ấy vẫn vẹn nguyên giá trị, tiếp tục được Đảng ta chắt lọc, vận dụng sáng tạo trong các chặng đường cách mạng tiếp theo, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
TRUNG TÁ, TS TRẦN HỮU HUY(Viện Lịch sử quân sự Việt Nam)
Theo VTC News
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: