Trồng lan cắt cành - thu nhập phụ lý tưởng

23/12/2020 - 05:39

 - Anh Nguyễn Văn Phương (xã Phú Hưng, Phú Tân, An Giang) thử nghiệm làm kinh tế phụ với lan Mokara khoảng 4 năm nay. Nhờ sự chăm sóc cần mẫn, kiên trì học hỏi kỹ thuật cộng với kinh nghiệm tích lũy trong quá trình trồng lan, gia đình anh có thêm nguồn thu nhập ổn định, là nơi cung cấp nguồn hoa tươi chất lượng cho thương lái và khách hàng mua lẻ ở địa phương.

Vốn là người có niềm đam mê hoa lan từ nhỏ, sau khi có công việc ổn định, anh Phương dành thời gian rảnh rỗi chăm sóc lan để thư giãn. Qua quá trình tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi từ những người có cùng sở thích rồi đến tìm hiểu thông tin từ sách báo, mạng Internet… anh không dừng lại ở thú chơi, mà quyết định phát triển kinh tế từ hoa lan. Sau khi nắm vững kỹ thuật, anh tìm hiểu nhu cầu thị trường, quyết định chọn lan Mokara để lập vườn. Trên diện tích 500m2, anh Phương trồng giống lan Mokara nhiều màu như: vàng nến, vàng chanh, tím, đỏ, vàng đồng… trong đó giống hoa màu vàng nến chiếm số lượng ưu thế với hơn 1.000 cây.

Theo anh Phương, so với các loại lan khác có trên thị trường, giống lan Mokara dễ trồng, hàng ngày chỉ tưới nước và chăm sóc kỹ hơn vào cuối tuần. Hoa có cánh cứng, màu đẹp, không kén khách hàng, giữ được độ tươi nhiều ngày, có loại đem cắm đến 20 ngày mà không có mùi hôi.

Bên cạnh đó, giống lan Mokara là cây có thể ra hoa quanh năm, được đánh giá là một trong những loại hoa phong lan có khả năng chịu nắng tốt, thích hợp với việc sản xuất hoa cắt cành. Cây lan được chăm sóc khỏe có thể đạt đến 6-8 phát hoa/năm. “Tôi đã trồng thử nghiệm một vài loại hoa, qua những lần như vậy thì thấy lan Mokara phát triển tốt, tương đối dễ chăm sóc. Sau một lượng nhỏ trồng thí điểm, thấy có hiệu quả tôi tiếp tục nhân rộng. Ban đầu, tôi đặt mua ở huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) loại giống Thái Lan, dần dần bắt đầu nghiên cứu đã tự nhân giống để trồng” - anh Phương chia sẻ.

Về kỹ thuật trồng, cách chăm sóc lan Mokara cũng tương đối dễ, chia từng giai đoạn. Đối với lan còn nhỏ thì sử dụng phân bón, thuốc, khi lan trưởng thành thì định kỳ cuối tuần hoặc khi có thời gian rảnh sẽ chăm sóc kỹ hơn, chú ý các loại bệnh gây hại do thời tiết, nấm.

Vườn lan Mokara khoe sắc của anh Nguyễn Văn Phương

Để trồng loại hoa này, trước hết phải xây dựng nhà lưới thoáng mát, hoa được trồng thành luống theo khoảng cách đồng đều. Nhằm chủ động trong chăm sóc, anh Phương đầu tư thêm hệ thống tưới tự động, vừa tiết kiệm, vừa tưới đều khắp vườn, đặc biệt vào mùa nắng đảm bảo tưới 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và chiều mát. Từ 6 tháng trở đi, lan bắt đầu cho hoa. Mỗi cành hoa có giá 6.000 đồng, không phân biệt ngày thường hay lễ, Tết, anh đều giữ nguyên giá, nhờ vậy khách hàng mua rất nhiều. Có đầu ra thuận lợi, hàng tháng xuất bán hơn 1.000 cành hoa, gia đình Phương có thu nhập ổn định 7 triệu đồng.

Sau 4 năm, vườn lan của anh Phương đã và đang cho thu hoạch từ trồng lan cắt cành đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hai vườn lan của anh đang trồng hơn 2.000 gốc lan đều phát triển tốt, lan cho hoa cánh dày, đẹp, màu sắc rực rỡ. Đối với việc trồng hoa lan, để đảm bảo hiệu quả thì khâu quan trọng nhất chính là chọn giống và xử lý môi trường. Không nên trồng lan với mật độ quá dày sẽ tạo điều kiện cho nấm và vi khuẩn phát triển, khiến lan không trổ hoa hoặc có trổ thì hoa không đẹp.

Một số yếu tố khác về vật tư như: than, xơ dừa, phân bón… cũng quan trọng không kém, tất cả đều phải phù hợp để lan phát triển. Trong vườn lan khép kín của mình, anh Phương chăm sóc khá kỹ lưỡng, chú ý từ lối đi đến gốc cây, những lá vàng, không tạo điều kiện để độ ẩm sinh nấm và lây lan

Mặc dù được chia sẻ là chăm sóc lan khá dễ, nhưng đó là câu cửa miệng của những người đã lành nghề. Bản thân anh Phương đã có rất nhiều năm gắn bó, tìm hiểu do đam mê với loài hoa này rồi mới tính đến chuyện làm kinh tế. Vì vậy, kể ra công việc trồng lan tốn nhiều công phu, vất vả.

Tuy là “nghề tay trái” nhưng mô hình trồng lan của anh Phương được địa phương chọn là một trong những mô hình khởi nghiệp đáng học hỏi trong thanh niên, khuyến khích nhân rộng và chuyển giao kỹ thuật. Đây cũng là mô hình thích hợp cho những hộ có quỹ đất ít để phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

Cây hoa lan có tuổi đời khá dài nên tính toán về mặt chi phí chỉ tốn kém vốn đầu tư ban đầu. Quan trọng nhất là đòi hỏi ở người trồng có kiến thức, kỹ thuật nhất định trước khi lập nghiệp. Trong quá trình thực hiện phải luôn theo dõi, tự tích lũy kinh nghiệm riêng và kiên trì thì mới thành công.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích