Nhà trồng nấm của chị Trúc
Cách đây vài năm, chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (ngụ khóm Tây Thạnh, phường Mỹ Thới) thử nghiệm trồng nấm bào ngư. Tuy nhiên, chưa tìm hiểu kỹ về kỹ thuật, thị trường, mô hình chưa mang lại lợi nhuận như mong muốn. Sau một vài vụ trồng, vừa không hiệu quả, lại ngay thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, tiêu thụ khó khăn, chị đành tạm ngưng trồng.
Đầu năm 2022, nhằm thúc đẩy nghề trồng nấm trên địa bàn, Trạm Khuyến nông TP. Long Xuyên trình diễn, hỗ trợ nông dân phát triển mô hình trồng nấm mới, mang hiệu quả kinh tế (nấm sò Thái, hoàng kim, hồng ngọc, bào ngư xám). Giữa tháng 6/2022, sau thời gian khảo sát, đơn vị hỗ trợ 50% vốn, vật tư, giúp chị Trúc trồng các loại nấm mới.
Lần này, chị được các kỹ sư của Trạm Khuyến nông TP. Long Xuyên hướng dẫn cụ thể từ xây dựng nhà trồng, thời điểm đưa phôi nấm vào trại đến kỹ thuật chăm sóc... để kéo dài thời gian thu hoạch, đạt năng suất cao hơn. Chuẩn bị đợt trồng nấm mới, chị tận dụng nhà trồng cũ (được xây dựng trên đất trống gần nhà, khung tiền chế, rộng 40m2). Xung quanh nhà trồng lợp tole, phía trên trần thiết kế lớp lưới lan để giảm nhiệt độ, giữ được độ ẩm.
Ngoài ra, Trạm Khuyến nông TP. Long Xuyên hỗ trợ thiết kế lắp cảm biến điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ, hệ thống phun sương tạo độ ẩm tự động. Người trồng chủ động trong khâu chăm sóc, chọn điều kiện thuận lợi cho phôi nấm tạo tơ, phát triển thành nấm… Phía bên trong, nhà trồng được thiết kế cố định bằng thanh sắt và dây để treo phôi nấm.
Theo chị Lê Thị Hồng (cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông TP. Long Xuyên, người trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm cho chị Trúc), phải đảm bảo nhà trồng được khử trùng sạch sẽ bằng vôi bột, rải đều xung quanh nền nhà trước khi đưa phôi nấm vào. Mỗi dây chỉ nên treo khoảng 8-9 bịch phôi là vừa.
“Chỉ sau 4 ngày phôi nấm được treo, tơ nấm bắt đầu mọc trắng đều bịch. Thấy dấu hiệu này, người trồng cần tưới nước thật đẫm, sốc lạnh trong 2 tiếng. Khoảng 5 tiếng sau đó thì tháo nút bông phía trên miệng bịch phôi. Ngày hôm sau tưới nước bằng hệ thống phun sương để nấm tiếp tục phát triển” - chị Hồng thông tin.
Người trồng có thể tận dụng nước sông, tuy nhiên phải tránh nguồn nước bị ô nhiễm hoặc nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Bình quân, mỗi ngày cần tưới nước 3 lần (mỗi lần khoảng 40 phút), tạo độ ẩm môi trường không khí nơi trồng đạt 85-90%, nhiệt độ 25-320C là đạt. Ánh sáng khuếch tán (có thể đọc sách được) là điều kiện thích hợp nhất để nấm phát triển thuận lợi.
Theo chị Trúc, các loại nấm mới không quá khó chăm sóc, tương tự như nấm bào ngư. Sau khi mở nút phôi nấm, khoảng 3-5 ngày thì nấm hoàng kim, hồng ngọc, bào ngư xám bắt đầu kết quả thể, riêng nấm sò Thái cần khoảng 7 ngày. “Đầu tiên xuất hiện chân nấm và nụ tai nấm. Chân nấm lớn dần, tai nấm phát triển dạng phễu, sau đó chuyển sang dạng lá lục bình. Đây là thời điểm nấm có chất lượng ngon nhất để tiến hành thu hái” - chị Trúc giải thích.
Đối với các loại nấm này, người trồng có thể thu hoạch liên tục trong 1 tuần lễ, sau đó ngưng 10 ngày rồi tiếp tục thu hoạch đợt tiếp theo. Mỗi phôi nấm có thể cho thu hoạch từ 5-6 đợt, ước tính năng suất bình quân từ 300-400gr/phôi/vụ. “Ban đầu, các loại nấm này còn mới nên nhiều người chưa biết đến. Tôi mang ra chợ giới thiệu sản phẩm, cách chế biến từng loại, cho mọi người dùng thử. Ai cũng khen ngon, từ từ bán được nhiều hơn. Nấm bảo đảm sạch. Trong suốt quá trình chăm sóc, ngoài cung cấp nước thì không sử dụng chất kích thích hay phân thuốc gì, nên rất an toàn cho người tiêu dùng” - chị Trúc chia sẻ.
Với giá bán khoảng 35.000-40.000 đồng/kg, với 2.400 phôi nấm, chị Trúc thu hoạch gần 800kg nấm. Sau khi trừ chi phí, kể cả khấu hao về nhà trồng, dụng cụ (ẩm kế, lưới lan, bình phun sương...), sau gần 2 tháng chăm sóc, chị thu lợi trên 14 triệu đồng. Đây là mô hình phù hợp với nông hộ ít đất sản xuất, hoặc người dân ở đô thị muốn đa dạng bữa ăn cho gia đình từ nông sản sạch.
ÁNH NGUYÊN