Tự hào Ô Tà Sóc

24/07/2019 - 07:15

 - Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ô Tà Sóc (xã Lương Phi, Tri Tôn) là căn cứ quan trọng của Tỉnh ủy An Giang ở vùng Bảy Núi, nơi gắn với những chiến công đi vào sử sách. Việc chỉnh trang Ô Tà Sóc đường hoàng, tươi đẹp là nghĩa cử cần thiết để xứng đáng với di tích mang tầm quốc gia này.

Cứ địa vững chắc

Dịch theo tiếng Khmer, Ô Tà Sóc nghĩa là Suối Ông Sóc, có vị trí nằm trên ngọn Sà Lôn thuộc núi Dài (Ngọa Long Sơn, ngọn núi dài nhất trong dãy Thất Sơn hùng vĩ). Dựa vào địa hình phức tạp, hiểm trở của Ô Tà Sóc, từ năm 1962 - 1967, Tỉnh ủy An Giang đã chọn nơi đây là căn cứ vững chắc của cách mạng. Các cơ quan quân sự, an ninh, binh vận, dân vận, mặt trận, tuyên huấn, tổ chức, kiểm tra và các đoàn thể nông dân, thanh niên, phụ nữ đóng rải rác trong các “lò ảng” (hang động). Các hang động có đường mòn trên núi nối liền nhau như: bụng Ông Địa (tổ giao liên Tỉnh ủy), Ô Vàng (Ban An ninh binh vận, đài minh ngữ), vồ Út Mười (Ban chỉ huy Quân sự tỉnh), trọng tâm là điện Trời Gầm (nơi đặt cơ quan Tỉnh ủy) với bán kính khoảng 3km. Ưu điểm của những hang động trên Ô Tà Sóc là rất hiểm trở và chắc chắn, vừa là nơi trú ẩn, tránh đạn pháo, ngăn chặn hữu hiệu những đợt tiến quân của địch với hỏa lực hùng hậu, vừa là căn cứ tiến công địch một cách lợi hại. Trong thời kỳ chống Mỹ, địch đã tổ chức 365 trận càn quét lớn nhỏ với mọi phương tiện chiến tranh và vũ khí hiện đại của Mỹ, ngụy lên căn cứ Ô Tà Sóc nhưng hoàn toàn thất bại. Ngược lại, từ căn cứ này, Tỉnh ủy đã chỉ đạo quân và dân An Giang tấn công tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng vũ trang thổ phỉ ở vùng rừng núi ven biên, mở rộng vùng giải phóng và căn cứ kháng chiến, kiên cường phá tan hệ thống “ấp chiến lược” và “kế hoạch bình định”, góp phần đánh bại “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy.

Quảng trường được xây dựng sạch đẹp, phù điêu được sơn mới trên căn cứ Ô Tà Sóc

Dựa vào Ô Tà Sóc, Tỉnh ủy đã củng cố vững chắc vùng giải phóng, xây dựng lực lượng 3 thứ quân, lực lượng cách mạng trong vùng địch, chuẩn bị điều kiện cho thời cơ mới tiếp theo. Khi Tỉnh ủy và các cơ quan dời đi nơi khác, Ô Tà Sóc vẫn là căn cứ dự phòng của tỉnh và được các đơn vị như: Phân ban Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Tiền phương cùng lực lượng vũ trang tỉnh, huyện và bộ đội chủ lực miền Nam tiếp tục bám trụ và chiến đấu oanh liệt, đương đầu với hơn 360 trận càn quét của Mỹ, ngụy nhưng vẫn giữ vững căn cứ cho thắng lợi sau cùng.

Bi hùng Ma Thiên Lãnh

Với những dấu ấn lịch sử đặc biệt, căn cứ Ô Tà Sóc đã được nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia theo Quyết định số 52/2001/QĐ-BVHTT, ngày 28-12-2001 của Bộ Văn hóa - Thông tin.

Nhắc đến Ô Tà Sóc là nhắc đến niềm tự hào của quân-dân An Giang nhưng nơi đây cũng lưu lại ký ức đau lòng mang tên Ma Thiên Lãnh. Năm 1969, khi Tỉnh ủy An Giang đã rút đi, Ma Thiên Lãnh được tiểu đội tiền tiêu của Đoàn 61, chủ lực miền Nam trú đóng. Ngày 22-9-1970, máy bay địch ném bom đánh sập cửa hang Ma Thiên Lãnh, 7 chiến sĩ bị kẹt trong đó. Khói bom tan, các chiến sĩ cùng đơn vị tìm cách mở miệng hang nhưng lực bất tòng tâm. Để giúp các chiến sĩ trong hang cầm cự chờ phương án cứu thoát, anh em đã tiếp lương thực bằng cách dùng ống tre đưa cháo và sữa vào. Mấy ngày sau, địch tiến đánh đồi Ma Thiên Lãnh một cách ác liệt, đơn vị đành rút lui về rừng U Minh. Vậy là số phận 7 chiến sĩ đã nằm lại trong hang. Chiều 8-7-2007, sau 24 ngày đục đẽo thủ công (không sử dụng mìn phá đá để tránh đá rơi xuống các hài cốt), Đội K93 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã tiến hành phá cửa hang thành công, đưa các liệt sĩ hồi hương an táng long trọng. Hiện nay, trên ngọn đồi cao 80m này, có tấm bia kỷ niệm, bên dưới bia là bàn thờ 7 liệt sĩ.

Ngay trước dịp lễ kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) năm nay, UBND huyện Tri Tôn đã quyết định cải tạo, trùng tu lại căn cứ Ô Tà Sóc để xứng đáng với giá trị của di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia này cũng như sự mất mát, hy sinh của những cán bộ, chiến sĩ cách nay tròn nửa thế kỷ. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm cho biết, công trình cải tạo gồm các hạng mục như: quảng trường sinh hoạt cộng đồng, nhà trưng bày, hội trường, cải tạo, sơn mới phù điêu, xây dựng đường nội bộ, nhà vệ sinh… Trong đó quảng trường được xây mới có diện tích 1.228m2, sân lát đá granite, có bậc tam cấp, bồn hoa, cây xanh với kinh phí đầu tư gần 1,24 tỷ đồng. Đối với nhà trưng bày và hội trường, được đầu tư xây dựng mới với kinh phí hơn 1 tỷ đồng, diện tích 130m2, phục vụ trưng bày, giúp thế hệ hôm nay tìm hiểu về lịch sử oai hùng của Ô Tà Sóc. Cùng với cải tạo, sơn mới phù điêu, bảng ghi địa điểm các căn cứ trong di tích, huyện còn xây dựng 391,3m2 đường dale nội bộ, nhà vệ sinh, với kinh phí hơn 782 triệu đồng, giúp khách tham quan, du khách thuận tiện trong đi lại, tham quan, nghỉ ngơi, sinh hoạt…

Sáng nay (24-7), UBND huyện Tri Tôn tổ chức lễ khánh thành công trình cải tạo và nâng cấp Khu căn cứ lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc (xã Lương Phi). Theo UBND huyện, việc đầu tư khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia này khang trang hơn nhằm giúp nơi đây thực sự trở thành điểm đến thu hút khách du lịch, đồng thời phục vụ hiệu quả công tác giáo dục thế hệ trẻ, tạo ấn tượng đẹp đối với người dân, du khách về công trình lịch sử cách mạng cũng như tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên quê hương An Giang

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích