Từ Luật Hồi tỵ đến việc luân chuyển cán bộ

29/02/2024 - 19:50

Luật Hồi tỵ đến nay vẫn còn tính thời sự, việc nghiên cứu để ban hành những quy định có ý nghĩa như Luật Hồi tỵ rất cần thiết. Luật này sẽ góp phần chống tham nhũng tận gốc, chống tiêu cực trong công tác cán bộ, làm trong sạch bộ máy Nhà nước.

Luật Hồi tỵ hiểu sơ lược là “luật về sự tránh né”. Nội dung của các quy định hồi tỵ xoay quanh việc ngăn chặn những người thân thích với nhau (người trong gia đình, họ hàng; người đồng hương; thầy trò...) làm việc trong cùng một cơ quan nhà nước. Ngoài ra, cũng có những quy định không cho phép quan chức mua ruộng đất tại nơi mình cai quản, không cho phép quan lại được tham gia vào một số khâu quan trọng của các kỳ thi tuyển người cho triều đình.

Luật Hồi tỵ là một chính sách đắc lực và quan trọng giúp các vị vua thời phong kiến không chỉ quản lý và khống chế đội ngũ quan lại trong việc lạm dụng chức quyền, địa vị để kết bè kéo cánh, âm mưu chống lại triều đình mà còn có thể phòng ngừa, giám sát và quản lý nghiêm ngặt các quan lại nhằm ngăn chặn, hạn chế nạn tham nhũng, quan liêu, cát cứ, chạy theo lợi ích cục bộ, địa phương.

Luật Hồi tỵ ở Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ đời Hồng Đức (1460–1497), học tập những quy định tương tự từ Trung Hoa vốn đã có từ triều đại nhà Tùy. 

Luật Hồi tỵ cũng từng được áp dụng nghiêm ngặt trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình.

Luật Hồi tỵ Nhà Hậu Lê

Luật Hồi tỵ ra đời dưới triều Vua Lê Thánh Tông (trị vì 1460-1497) nhằm minh định việc bổ dụng đội ngũ quan lại phong kiến thời đó.

Luật Hồi tỵ triều Vua Lê Thánh Tông gồm một số nội dung chính: Không bổ nhiệm một viên quan về cai trị tỉnh/huyện mà ông ta xuất thân từ đó; Không bổ nhiệm một viên quan tới nơi ông ta có người họ hàng tại nhiệm ở vị trí lãnh đạo; Trong thời gian trị nhậm tại một tỉnh/huyện, viên quan không được cưới vợ, lấy thiếp là người của địa hạt đó; Viên quan không được phép tại vị quá lâu ở cùng một địa phương hoặc cùng một viện, bộ chức năng.

Nội dung Hồi tỵ cũng được quy định tại bộ Quốc triều Hình luật (Nhà Hậu Lê), còn được gọi là Luật Hồng Đức (Hồng Đức là một niên hiệu của Vua Lê Thánh Tông). Ví dụ: “Quan lại không được lấy vợ, kết hôn, làm thông gia ở nơi mình cai quản; cũng như không được tậu đất, vườn, ruộng, nhà ở nơi mình làm quan lớn, không được dùng người cùng quê làm người giúp việc”.

quan lai phong kien.jpg

Một cảnh chấm thi thời phong kiến

Như vậy là ngay vào thế kỷ 15, nguyên tắc hồi tỵ đã được luật hóa ở Việt Nam với những quy định hết sức chặt chẽ mà ngày nay người ta không mường tượng được, như cấm quan chức cưới vợ là người ở địa hạt công vụ! Một quy định nghe kỳ khôi nhưng có tác dụng ngăn chặn người nhà bên vợ lạm dụng chức quyền của chồng ngay trên mảnh đất nhà vợ.

Luật Hồi tỵ Nhà Nguyễn

Các quy định hồi tỵ dưới triều Nhà Nguyễn, đặc biệt là từ đời Minh Mạng (trị vì 1820–1841), có sự mở rộng đáng kể về phạm vi nếu so sánh với các quy định hồi tỵ từ thời Lê Thánh Tông.

Khi lên ngôi, Minh Mạng đối mặt rất nhiều khó khăn. Các võ quan hàng đầu từ thời Gia Long như Lê Chất, Lê Văn Duyệt đại diện cho thế hệ có công khai quốc, quyền lực rất lớn; hai đơn vị hành chính Bắc Thành và Gia Định Thành có quá nhiều quyền lực, thậm chí thách thức quyền uy của trung ương.

Ngoài ra, hiện tượng tham nhũng, nhất là tham nhũng do việc những người thân quyến cùng làm ở một nơi (cùng địa phương, cùng cơ quan) diễn ra khá phổ biến, như trong Đại Nam điển lệ ghi nhận lời than phiền của nhà vua: “... các chức thông phán, kinh lịch phần nhiều là người trong địa phương... Do đó, vì tình riêng làng nước, khó lòng khỏi sự tư túi sinh ra nhiều tệ hại...”.

Những điều đó đặt ra cho Minh Mạng hai thử thách lớn: (1) Cải cách toàn diện bộ máy hành chính, tạo ra một hệ thống hành chính tuyệt đối phục tùng nhà vua và quyền lực trung ương; (2) Ngăn chặn tham nhũng xảy ra trong bộ máy này. Để giải quyết vấn đề nêu trên, Minh Mạng chọn Luật Hồi tỵ như một giải pháp mạnh mẽ và phù hợp trong bối cảnh nhà nước quân chủ chưa biết đến các biện pháp phòng, chống tham nhũng hiện đại.

Dưới thời Minh Mạng, Luật Hồi tỵ được áp dụng triệt để, mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng và bổ sung những quy định mới với một số quy định cụ thể như sau:

Thứ nhất, quan lại ở các bộ, kinh đô và tỉnh/huyện hễ có bố, con, anh em ruột, chú bác, cô dì cùng làm một chỗ đều phải đổi đi chỗ khác; trừ Viện Thái y là viện chuyên giữ việc thuốc men, chữa bệnh cần phải cha truyền con nối.

ban tau aolb.jpg

Bản tấu của các quan khâm sai trường thi hội ngày 38.3 năm Minh Mạng thứ 3 về việc bắt thư lại ty Thanh lại, thuộc Bộ Hộ là Nguyễn Thừa Tín có con là Nguyễn Thừa Giảng vào dự thi mà không xin hồi tỵ. Ảnh: Trung tâm lưu trữ quốc gia

Thứ hai, người ở nha môn thuộc phủ/huyện cùng làng với quan lại phải chuyển đi nha môn khác làm việc.

Thứ ba, quan lại không được làm quan ở chính quê hương mình, quê vợ mình, thậm chí cả nơi đi học lúc còn trẻ.

Thứ tư, người có quan hệ thông gia với nhau, thầy trò không được làm quan cùng một chỗ.

Thứ năm, khi thanh tra, thụ lý án, nếu trong đó có tình tiết liên quan đến người thân thì phải bẩm báo để triều đình cử người khác thay thế.

Thứ sáu, quan lại không được coi thi, chấm thi ở nơi nào có những người ruột thịt, thân quen ứng thi. Nếu có thì phải tâu trình thay người khác.

Cuối cùng, nghiêm cấm quan đầu tỉnh đặt quan hệ giao du, kết thân, kết hôn với đàn bà, con gái nơi mình trị nhậm, cấm tậu nhà, tậu ruộng… trong địa hạt cai quản của mình.

Vận dụng vào pháp luật ngày nay

Luật Hồi tỵ có quy định nhằm ngăn chặn những tình huống xung đột lợi ích theo ý niệm ngày nay. Xung đột lợi ích thường thấy là quan bà tham dự vào một số hoạt động có liên quan đến công việc của quan ông. Thậm chí khi quan ông tổ chức hội thảo, quan bà phụ trách cung cấp suất ăn trưa cho các đại biểu. Vì nể quan ông nên nhân viên dưới quyền không dám can ngăn những hoạt động của quan bà.

Trong những trường hợp khác, khi quan ông có chức vụ trong các ban quản lý dự án, chú bác hoặc anh em của quan ông phụ trách cung cấp vật liệu xây dựng. Những vụ việc như thế xảy ra tràn lan mà các cơ quan công quyền, kể cả cơ quan thực thi pháp luật, không hề nhận ra đó là xung đột lợi ích. Hoặc là nhận ra nhưng “mắt nhắm, mắt mở”. Để rồi từ những vụ việc nhỏ phát triển thành sân sau, nhóm lợi ích…

Luật Hồi tỵ đến nay vẫn còn tính thời sự, việc nghiên cứu để ban hành những quy định có ý nghĩa như Luật Hồi tỵ là rất cần thiết. Luật này sẽ góp phần chống tham nhũng tận gốc, chống tiêu cực trong công tác cán bộ, làm trong sạch bộ máy Nhà nước.

PGS-TS Nguyễn Minh Tuấn cùng Trần Tuấn Kiệt ở Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, đề xuất vận dụng kinh nghiệm của Luật Hồi tỵ trong phòng, chống tham nhũng ở nước ta hiện nay như sau:

Một là, truyền thống coi trọng gia đình, dòng họ, thân hữu vừa có mặt tích cực và vừa có mặt tiêu cực, tùy thuộc vào mối quan hệ cụ thể. Trong quan hệ công vụ, việc giải quyết công việc dựa trên quan hệ gia đình, dòng tộc, bạn hữu là việc cần tránh, cần ngăn chặn.

Hai là, cần bổ sung các chế tài và những điều kiện đảm bảo cho việc thực thi các quy định liên quan đến “hồi tỵ” thời hiện đại. Căn cứ vào tính chất, mức độ của việc vi phạm các quy định về “hồi tỵ” mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự. Ngoài ra, cần đảm bảo những điều kiện thiết yếu để những quy định liên quan đến “hồi tỵ” thời hiện đại phát huy tác dụng đó là cần phải có quy định của pháp luật chặt chẽ, đầy đủ; có cơ chế thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm mọi trường hợp vi phạm; có đủ những điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhân lực, trang thiết bị cần thiết hỗ trợ cho việc phát hiện, xử lý vi phạm.

Có như vậy, những quy định về hồi tỵ thời hiện đại mới có khả năng hiện thực hoá trên thực tế.

Ba là, cần tiếp tục nghiên cứu áp dụng các quy tắc hồi tỵ ở phạm vi rộng hơn hiện nay. Chúng ta đang áp dụng các loại hình công cụ pháp lý trong phòng, chống tham nhũng, nhưng hiện tượng “gia đình trị” vẫn còn xảy ra ở các cơ quan nhà nước cấp địa phương đến cấp tỉnh, thành phố.

Đây là một yếu tố khiến niềm tin của người dân vào chính quyền suy giảm. Nghi vấn của người dân không phải là không có căn cứ, và những biện pháp ngăn chặn cho các tình huống như vậy cần phải được hiện thực. Xuất phát từ thực tế này, chúng tôi cho rằng, việc tiếp tục nghiên cứu áp dụng các quy tắc hồi tỵ ở phạm vi rộng hơn hiện nay là cần thiết.

Cuối cùng, cần ngăn chặn mối quan hệ giữa nhiều cá nhân có quan hệ thân thiết trong nhiều cơ quan ở một địa phương. Các quy định mang tính hồi tỵ như vừa đề cập trên đã góp phần đáng kể vào việc ngăn chặn tham nhũng xảy ra trong nội bộ một cơ quan. Tuy nhiên, một vấn đề khác là mối quan hệ giữa nhiều cá nhân có quan hệ thân thiết trong nhiều cơ quan ở một địa phương dường như lại chưa được tính toán một cách toàn diện.

Tóm lại, theo hai nhà giáo luật Nguyễn Minh Tuấn & Trần Tuấn Kiệt, hồi tỵ là một biện pháp đáng được nghiên cứu thêm với tư cách là một công cụ bổ sung hữu hiệu nhằm hạn chế nguy cơ tham nhũng xảy ra trong bộ máy nhà nước Việt Nam hiện đại, mà đặc biệt như vừa đề cập là là phòng, chống tham nhũng ở cấp địa phương.

Định hướng mở rộng áp dụng và phát huy vai trò của các quy tắc hồi tỵ sẽ là: nhìn nhận nguy cơ ở các mối quan hệ không chỉ giới hạn trong nội bộ cơ quan mà ở nhiều cơ quan hành chính tại cùng một địa phương.

Đồng thời, tiếp tục củng cố các quy định của pháp luật khác về kiểm tra, giám sát bổ nhiệm cán bộ và thi tuyển, bổ nhiệm công chức, đảm bảo hiệu quả của những biện pháp hồi tỵ, bao gồm nhưng không giới hạn việc công khai hóa, minh bạch hóa quy trình.

Luật Hồi tỵ không chỉ được phát triển bởi Minh Mạng. Các triều đại kế tiếp không chỉ vẫn duy trì áp dụng, mà còn có nhiều quy định bổ sung, mở rộng hơn các quy định này. Lấy ví dụ, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép:

** Đời Thiệu Trị, năm 1844: “Các nha môn lớn nhỏ ở trong Kinh và ngoài các tỉnh, nếu trong mỗi nha có thân thuộc phải để tang từ 3 tháng trở lên, cùng là những nha có tình thông gia, về bên gái có bố mẹ chồng, về bên trai có bố vợ, cùng là anh chị em vợ, hễ tương đối có tình thân hậu như thế đều cho hồi tỵ”.

** Đời Tự Đức, năm 1857: “Trong một tổng không được chọn người trong cùng một xã cùng làm chánh tổng và phó tổng; trong một tổng hay trong một xã không được chọn người có thân thuộc cùng làm chánh tổng và phó tổng. Lý trưởng cũng không được có liên hệ hôn nhân”.

** Đời Đồng Khánh, năm 1887: “Văn võ ấn quan ở trong cùng một vệ hoặc một tỉnh, những người có quê quán cùng một huyện phải hồi tỵ. Trong một bộ hoặc một tỉnh mà có người cùng một hạt, hoặc làm việc một nơi 4 người mà đến 3 người cùng hạt, cũng phải hồi ti. Còn như người thuộc quê quán mẹ hoặc quê quán vợ thì đến lúc cần cứ thực sự trình rõ, nên giữ lại chức hay nên cải đều xin chờ chỉ”.

** Đời Thành Thái, năm 1890: “Đến kỳ thi Hương, các tỉnh các đạo phải xét rõ các quan tỉnh và quan đốc học, cùng các viên phủ, huyện, các viên giáo thụ, huấn đạo, thông phán, kinh lịch, viên nào vốn là tiến sĩ, phó bảng và cử nhân xuất thân, với lại các cử nhân còn ở nhà (chưa ra làm quan), trừ những viên chức nào có duyên cớ gì ra, còn thì người nào có thân thích ứng thi, theo lệ phải hồi tỵ, đều phải chú cước rõ ở dưới họ tên, rồi phải nội trong một tháng, kê khai đủ chức hàm, tên họ và quan chỉ, đệ trình vào Bộ, để kịp thì giờ lựa chọn làm khảo quan, cử hành việc trường.” [Có thể hiểu Luật Hồi tỵ áp dụng cho từng trường thi, nghĩa là thí sinh có họ hàng với quan chức nêu trên thuộc cùng một trường thì thì phải đi thi ở trường thi khác.

Theo TÔ VĂN TRƯỜNG (VietnamNet)