Chi đoàn Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang vừa tổ chức “Hành trình về địa chỉ đỏ” tại Khu Di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc, thuộc xã Lương Phi, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang), để tưởng nhớ công ơn những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho công cuộc giải phóng dân tộc ở vùng cực Nam của Tổ quốc.
Tuổi trẻ Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang phấn khởi khi đến với địa chỉ đỏ thuộc vùng Bảy Núi
Anh Đặng Trung Cường, Bí thư Chi đoàn Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang, chia sẻ: “Chuyến du khảo về nguồn tại Căn cứ cách mạng Ô Tà Sóc là một trải nghiệm đáng nhớ của Chi đoàn Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang. Tại đây, các bạn đoàn viên được nghe kể về những trận đánh lịch sử oanh liệt năm xưa và cảm nhận sâu sắc hơn sự dũng cảm, lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc và ý chí bất khuất của dân tộc ta. Qua chuyến du khảo về nguồn, chúng tôi rất tự hào về truyền thống cách mạng của ông cha. Tập thể Chi đoàn xin hứa sẽ phấn đấu học tập và rèn luyện trong lao động, sản xuất để góp phần xây dựng quê hương thêm giàu đẹp".
Đoàn phải lội bộ theo lối mòn hoặc qua các bậc thang, với tổng chiều dài hơn 1,2 km để đến các hang căn cứ
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, Ô Tà Sóc nằm trên ngọn Sà Lôn trong dãy núi Dài lớn thuộc xã Lương Phi (huyện Tri Tôn). Từ năm 1962 - 1967, Tỉnh ủy An Giang đã chọn nơi đây làm căn cứ chỉ đạo đấu tranh kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các cơ quan quân sự, an ninh, binh vận, dân vận, mặt trận, tuyên huấn, tổ chức, kiểm tra và các đoàn thể nông dân, thanh niên, phụ nữ đóng rải rác trong các hang căn cứ. Bên trong hang căn cứ có đường mòn nối liền nhau, vừa là nơi trú ẩn, tránh đạn pháo, ngăn chặn hữu hiệu những đợt tiến quân của địch với hỏa lực hùng hậu, vừa là căn cứ tiến công địch một cách vững chắc.
Đoàn đặt chân đến cửa hang là nơi Tỉnh ủy An Giang làm chỗ trú ẩn để chỉ đạo đấu tranh kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm xưa.
Trong thời kháng chiến kỳ chống Mỹ cứu nước, địch đã tổ chức 365 trận càn quét lớn nhỏ với mọi phương tiện chiến tranh và vũ khí hiện đại của Mỹ- ngụy lên căn cứ Ô Tà Sóc, nhưng hoàn toàn bị thất bại. Ngược lại, từ căn cứ này, Tỉnh ủy đã chỉ đạo quân và dân An Giang tấn công tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng vũ trang thổ phỉ ở vùng rừng núi ven biên. Qua đó, mở rộng vùng giải phóng và căn cứ kháng chiến, kiên cường phá tan hệ thống "ấp chiến lược" và "kế hoạch bình định", góp phần đánh bại "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ- ngụy.
Tuổi trẻ Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang chụp ảnh lưu niệm tại trung tâm làm việc của Thường trực Tỉnh ủy An Giang trong thời gian từ năm 1962-1967.
Dựa vào Ô Tà Sóc, Tỉnh ủy An Giang đã củng cố vững chắc vùng giải phóng, xây dựng lực lượng 3 thứ quân, lực lượng cách mạng trong vùng địch, chuẩn bị điều kiện cho thời cơ mới tiếp theo. Khi Tỉnh ủy An Giang và các cơ quan dời đi nơi khác, Ô Tà Sóc vẫn là căn cứ dự phòng của tỉnh và được các đơn vị như: Phân ban Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Tiền phương cùng lực lượng vũ trang tỉnh, huyện và bộ đội chủ lực miền Nam tiếp tục bám trụ và chiến đấu oanh liệt, đương đầu với 365 trận càn quét của Mỹ nhưng vẫn giữ vững căn cứ cho thắng lợi sau cùng.
Tin, ảnh: THANH VÂN