Xe quân sự Israel di chuyển sát biên giới với Dải Gaza ngày 5/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ The National (UAE), khi cuộc chiến ở Dải Gaza bước sang tháng thứ 3, các cuộc thảo luận đang ngày càng gay gắt về điều gì sẽ xảy ra tại khu vực này khi giao tranh chấm dứt.
Hôm 5/12, máy bay chiến đấu Israel đã tiến hành oanh kích, đồng thời lực lượng bộ binh với sự yểm trợ của xe tăng và xe thiết giáp đã tiến sâu vào Dải Gaza, tấn công Jabalya ở phía Bắc, Shuja'iyya ở phía Đông thành phố Gaza và Khan Yunis ở phía Nam. Đây là ngày tấn công ác liệt nhất kể từ khi bắt đầu chiến dịch trên bộ ở dải đất ven biển này. Trong khi đó, Hamas cũng tiếp tục phóng rocket và tên lửa về phía các thành phố của Israel.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 6/12 khẳng định Dải Gaza sẽ phải được phi quân sự hóa sau cuộc chiến hiện nay với Hamas. Trước đó, một quan chức Israel cho biết nước này có thể tìm cách tạo ra một vùng đệm ở Gaza để ngăn chặn các tay súng Hồi giáo xâm nhập vào Israel một lần nữa.
Mark Regev, cố vấn cấp cao của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, nêu rõ: “Trong khuôn khổ các mối quan hệ hậu xung đột, Israel sẽ phải có vùng đệm an ninh". Ông tuyên bố sẽ không bao giờ để các tay súng Hamas vượt biên giới tấn công Israel như sự kiện ngày 7/10 một lần nữa.
Một nguồn tin an ninh cấp cao của Israel nói với hãng tin Reuters rằng vùng đệm có thể kéo dài tới khoảng 2km vào Gaza. Nhưng ý tưởng về một vùng đệm được thiết lập ở Dải Gaza dường như không nhận được sự đồng tình từ Mỹ, đồng minh hàng đầu của Israel.
Lấn thêm vào vùng lãnh thổ vốn chỉ dài 40 km này sẽ tiếp tục gây áp lực lên 2,3 triệu cư dân nơi đây. Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cho biết không thể thu hẹp dải đất này thêm nữa.
Bà Harris nói tại Dubai khi dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28: “Không cưỡng bức di dời, không tái chiếm, không bao vây hoặc phong tỏa, không thu hẹp lãnh thổ và không sử dụng Gaza làm căn cứ cho khủng bố”.
Theo chính quyền địa phương, Mỹ đang đóng vai trò dẫn đầu trong việc định hình tương lai của Dải Gaza và chính quyền của Tổng thống Joe Biden ngày càng chỉ trích cuộc tấn công của Israel khiến trên 15.500 người thiệt mạng.
“Quá nhiều người Palestine vô tội đã chết. Thành thật mà nói, quy mô thương vong của người dân cũng như những hình ảnh và video từ Gaza thật tàn khốc”, bà Harris nói.
Các nước Arab cũng đã lên tiếng về những gì họ cho là không thể chấp nhận được đối với tương lai của Gaza. Các quan chức Ai Cập nói rằng các cuộc đàm phán căng thẳng và các đề xuất mâu thuẫn có thể mất nhiều tháng để dung hòa.
Được tổ chức tại Doha, Cairo, Tel Aviv và Ramallah, các cuộc đàm phán kín có sự tham gia của đại diện Israel, Mỹ, Ai Cập, Qatar và gián tiếp là Hamas. Đôi khi, Chính quyền Palestine cũng có đại diện tham dự khi các cuộc đàm phán đề cập đến việc kiểm soát Gaza trong tương lai, nơi Hamas đã cai trị từ năm 2007.
Mỹ muốn cải tổ Chính quyền Palestine, do Tổng thống Mahmoud Abbas lãnh đạo, để kiểm soát Gaza. Bà Harris giải thích: “Chính quyền Palestine phải được hồi sinh, được thúc đẩy bởi ý chí của người dân Palestine, điều này sẽ cho phép họ được hưởng lợi từ nền pháp quyền và một chính phủ minh bạch”.
Nhưng chính quyền của ông Abbas bị một số nước ở Trung Đông cũng như phương Tây coi là kém hiệu quả. Nếu ông cầm quyền ở Dải Gaza, các quốc gia Arab sẽ không muốn đầu tư vào phục hồi, tái thiết Gaza.
Binh sĩ Israel tiến hành chiến dịch tấn công trên bộ ở Dải Gaza ngày 3/12/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Israel cũng phản đối Chính quyền Palestine cai trị Gaza và khẳng định đảm bảo an ninh sau xung đột ở Gaza.
Ông Regev tuyên bố: “Trong tương lai, chúng tôi sẽ không gặp phải tình huống liên quan Hamas ở biên giới. Sẽ phải có những thỏa thuận an ninh trên thực địa để ngăn chặn điều đó xảy ra. Đó không phải là việc Israel chiếm lãnh thổ ở Gaza. Ngược lại, điều đó đang tạo ra các khu vực an ninh, nơi chúng tôi hạn chế khả năng các tay súng tràn vào Israel để sát hại dân thường”.
Một cân nhắc an ninh quan trọng khác đối với Israel ở Gaza là việc loại bỏ các đường hầm từ Ai Cập đến Rafah vốn là tuyến đường tiếp tế cho Hamas.
Vấn đề tái thiết
Cùng với đó, việc tái thiết Gaza cũng đang được thảo luận. Toàn bộ khu vực này đã bị san phẳng, 1,8 triệu người phải di dời và cơ sở hạ tầng sẽ phải mất nhiều năm để khôi phục. Các quan chức Ai Cập cho biết Qatar, quốc gia từ lâu đã tiếp đón một số nhà lãnh đạo chính trị của Hamas và giúp tài trợ cho nhóm này, sẽ dẫn đầu một nỗ lực đa quốc gia để xây dựng lại Gaza.
Nhưng Israel ngày càng bày tỏ thất vọng với Qatar. Ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn do Qatar hậu thuẫn sụp đổ vào tuần trước, các quan chức Israel đã rút các nhà đàm phán khỏi Doha và quân đội Israel đồng thời ném bom các khu dân cư do Qatar tài trợ tại thị trấn Hamad của Gaza, được đặt theo tên của cựu Quốc vương Qatar.
Các quan chức khu vực cảnh báo rằng việc thảo luận tái thiết và xóa bỏ năng lực quản lý cũng như tiềm lực quân sự của Hamas có thể chỉ là ảo tưởng. Một quan chức Ai Cập nói với The National: “Không thể tiêu diệt hoàn toàn Hamas. Lực lượng này sẵn sàng trỗi dậy trở lại và sẽ không chịu ngồi yên hoặc im lặng quan sát”.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cảnh báo rằng có thể phải mất 10 năm Israel mới thành công trong mục tiêu đã nêu là tiêu diệt Hamas.
Theo TTXVN