Báo cáo tình hình thực hiện chương trình dân tộc trên địa bàn huyện
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, qua rà soát, toàn huyện có 1.725 hộ có nhu cầu thụ hưởng, gồm: 515 hộ có nhu cầu nhà ở; 106 hộ nhu cầu đất ở; 629 hộ có nhu cầu mua sắm máy móc, nông cụ, làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, làm các nghề khác; 475 hộ có nhu cầu về nước sinh hoạt phân tán và 29 công trình nước sinh hoạt tập trung. Tổng vốn phân bổ trong 3 năm (2022 - 2024) trên 33 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân đạt 51,18% kế hoạch, thấp nhất là đất ở, chỉ giải ngân đạt hơn 15%, nhà ở đạt 43,18%.
Lãnh đạo huyện Tri Tôn phát biểu tại buổi làm việc
Khó khăn của huyện Tri Tôn là định mức hỗ trợ đất ở thấp, người dân không đủ kinh phí đối ứng để mua đất, không vay được vốn vì đang còn dư nợ. Bên cạnh đó, hỗ trợ đất ở, nhà ở là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho từng hộ gia đình, nhưng lại ghi vốn đầu tư, phải thực hiện các thủ tục, hồ sơ theo Luật Đầu tư, do đó gặp khó khăn và chậm tiến độ. Còn lại các Tiểu dự án 2 của Dự án 3, Dự án 9 và 10, tỉnh chưa có văn bản hướng dẫn nên địa phương gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện.
Về kết quả triển khai, thực hiện phát triển nguồn nhân lực và xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, đến nay, ở cấp huyện có 23/103 công chức (tỷ lệ 22,33%), 371/1.736 viên chức (tỷ lệ 21,37%). Ở cấp xã có 46/314 cán bộ công chức (tỷ lệ 14,65%), toàn huyện có 719/3844 đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số và 35 người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc.
Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQVN tỉnh An Giang Bùi Văn Tặng
Phát biểu tại buổi làm việc, đoàn công tác biểu dương sự vào cuộc quyết liệt của huyện Tri Tôn. Trên cơ sở đó đề nghị, huyện tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân hiểu chính sách hỗ trợ của Nhà nước; tiếp tục giải ngân các dự án đảm bảo đúng tiến độ. Đồng thời, quan tâm công tác tuyển dụng, bố trí, đào tạo, và quy hoạch nguồn cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số Khmer cho nhiệm kỳ tiếp theo.
ĐỨC TOÀN