Vĩnh Gia là xã biên giới của huyện Tri Tôn. Người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, trong đó lúa là cây trồng chủ lực. Tuy nhiên, việc canh tác lúa thường gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân do thời tiết biến đổi thất thường, giá cả bấp bênh, sâu bệnh, dịch hại thường xuyên xảy ra… Trước thực trạng trên, những năm qua, chính quyền địa phương cùng các cấp, ngành tích cực tuyên truyền, hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang các mô hình sản xuất phù hợp, phá bỏ thế độc canh cây lúa, chuyển dần sang các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Mặt khác, ngành nông nghiệp còn không ngừng hỗ trợ nông dân tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng quy mô, đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất… từ đó giúp quá trình canh tác của người dân ngày càng được cải thiện. Điển hình trong đó phải kể đến mô hình trồng chanh bông tím ứng dụng công nghệ cao của gia đình ông Đặng Thanh Nguyên.
Năm 2020, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và ngành chức năng, gia đình ông Đặng Thanh Nguyên được tiếp cận với nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Từ nguồn vốn này, ông Nguyên xây dựng mô hình trồng chanh bông tím ứng dụng công nghệ cao, mô hình được triển khai trên diện tích 1ha, với 800 cây chanh giống được chọn mua ở tỉnh Tiền Giang. Ngoài việc đầu tư xây dựng hệ thống tưới phun tự động, ông Nguyên còn xây dựng hệ thống trữ nước, hút và châm phân tự động, đồng thời sử dụng hệ thống pin năng lượng mặt trời phục vụ cho việc tưới cây…
Nhờ trồng cây lá mối gia đình ông Nguyên có thu nhập ổn định
“Tổng kinh phí thực hiện mô hình khoảng 600 triệu đồng, bao gồm cả chi phí lên vườn, cây giống và hệ thống tưới. Trong đó nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM hỗ trợ là 200 triệu đồng, phần còn lại do gia đình đối ứng” - ông Nguyên chia sẻ. Sau gần 1 năm triển khai thực hiện mô hình, ông Nguyên đánh giá cao về tính hiệu quả của mô hình, trong đó việc ứng dụng công nghệ tưới phun tự động giúp gia đình ông giảm nhiều công sức trong việc tưới cây. Ngoài ra, do cây trồng tiếp thu đủ lượng nước tưới nên cây sinh trưởng và phát triển khá tốt. Chính nhờ việc sử dụng năng lượng mặt trời giúp giảm thiểu khí thải động cơ xăng, tránh gây ô nhiễm môi trường, góp phần xây dựng môi trường trong lành tại khu vực nông thôn…
Dẫn chúng tôi tham quan vườn chanh bông tím, ông Nguyên cho biết, chanh đang cho trái đợt đầu, năng suất ước đạt khoảng 7-10kg/cây. Đến vụ sau, mỗi cây có thể cho khoảng 30kg trái. Nói về lý do chọn giống chanh bông tím, ông Nguyên chia sẻ: “Giống chanh này hiện ở địa phương chưa có ai trồng nên nguồn cung khá thấp. Ngoài ra, đây là giống cây dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, tỷ lệ đậu trái và năng suất cao. Đặc biệt, chanh có thể cho trái quanh năm và được thị trường rất ưa chuộng nên người trồng không lo đầu ra”.
Trồng chanh bông tím kết hợp tưới phun sử dụng năng lượng mặt trời giúp gia đình ông Nguyên giảm công chăm sóc
Ngoài cây chanh bông tím, ông Nguyên còn trồng xen cây lá mối với tổng diện tích khoảng 700m giàn để “lấy ngắn nuôi dài”. Ông Nguyên cho biết, cây lá mối dễ trồng, không mất nhiều công chăm sóc mà vẫn cho năng suất cao. Người trồng chỉ tốn công trong việc làm giàn để cây leo và thu hoạch. Cây lá mối từ lúc trồng đến lúc thu hoạch khoảng 4 tháng. Vụ đầu tiên, ông thu hoạch khoảng 400kg, bán với giá 35.000 đồng/kg.
Hiện nay, cách 2 ngày ông Nguyên thu hoạch 1 lần, mỗi lần hái khoảng 40kg và được thương lái thu mua với giá từ 50.000-60.000 đồng/kg. Nhờ vậy đã giúp ông có được nguồn thu nhập ổn định trong thời gian qua. Hiện nay, ông đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây lá mối để tăng thu nhập cho gia đình.
Theo đánh giá của Hội Nông dân huyện Tri Tôn, việc xây dựng và nhân rộng mô hình trồng chanh ứng dụng công nghệ cao của gia đình ông Đặng Thanh Nguyên là một trong những mô hình sản xuất hiệu quả trong việc chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, phá bỏ thế độc canh cây lúa. Bên cạnh đó, mô hình còn giải quyết vấn đề thiếu lao động cục bộ và thời vụ tại nông thôn. Đây còn là mô hình điểm để bà con nông dân tham quan, học tập và nhân rộng trên địa bàn huyện Tri Tôn…
ĐỨC TOÀN