Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa

29/08/2024 - 05:45

 - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang đang triển khi các mô hình thí điểm áp dụng kỹ thuật canh tác mới thuộc Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (Đề án 1 triệu héc-ta lúa). Ruộng trình diễn và ruộng đối chứng là cơ sở thực tiễn quan trọng để nông dân đánh giá, so sánh hiệu quả, nhân rộng mô hình.

Phù hợp theo vùng đất

Giữa tháng 8/2024, tại thị trấn Cô Tô (huyện Tri Tôn), Trung tâm Khuyến nông An Giang triển khai mô hình trình diễn vận hành đánh giá hiệu quả sử dụng máy sạ hàng kết hợp vùi phân, thuộc Đề án 1 triệu héc-ta lúa trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2024.

Điểm trình diễn có sự tham dự của Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Trần Thanh Hiệp; lãnh đạo Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế, Hội Nông dân, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông các huyện Tri Tôn, Châu Phú, TX. Tịnh Biên, cùng trên 80 nông dân tham dự. Vùng đất được lựa chọn có một phần đặc trưng của vùng Tứ giác Long Xuyên, là cơ sở để đánh giá, nhân rộng toàn vùng.

Trình diễn mô hình sản xuất lúa ứng dụng tổng hợp tiến bộ kỹ thuật

Các đại biểu và bà con nông dân được xem trình diễn máy sạ cụm kết hợp bón vùi phân tại ruộng mô hình của ông Phan Văng Thắng (khóm Huệ Đức, thị trấn Cô Tô). Máy có chiều rộng băng sạ 3m, với 12 hàng sạ, công suất làm việc 6 - 8ha/ngày. Lượng phân bón sử dụng từ 200 - 220kg/ha, lượng giống 80kg/ha. So với phương pháp sạ lan truyền thống, lượng giống sử dụng khi sạ cụm giảm từ 100 - 120kg/ha, tiết kiệm 30 - 40% lượng giống, giảm từ 20 - 30% lượng phân bón.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang Huỳnh Đào Nguyên cho biết, mô hình có tác động lớn về kinh tế, xã hội và môi trường. Bón vùi phân cung cấp dinh dưỡng kịp thời cho cây lúa ngay từ những ngày đầu sau sạ, đảm bảo nhu cầu khoáng của cây, giúp cây sung sức, đẻ nhánh sớm và tập trung. Gieo sạ cụm giúp cây lúa tiếp xúc với phân và hút dinh dưỡng dễ dàng, hạn chế mất phân, kích thích rễ lúa ăn sâu, hạn chế lúa đổ ngã khi gặp gió, mưa lớn, tăng khả năng chịu hạn cho cây lúa.

Việc triển khai mô hình sạ hàng kết hợp vùi phân là một trong những hoạt động hướng đến triển khai có hiệu quả mô hình ứng dụng quy trình kỹ thuật canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp, tiến tới chi trả tín chỉ carbon cho người trồng lúa.

Liên kết các bên tham gia

Mới đây, tại xã Vĩnh An (huyện Châu Thành), Trung tâm Khuyến nông An Giang tiếp tục tổ chức Hội thảo triển khai mô hình sản xuất lúa ứng dụng tổng hợp tiến bộ kỹ thuật góp phần thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa trên địa bàn tỉnh.

Tại hội thảo, hơn 50 nông dân huyện Châu Thành được xem trình diễn máy gieo sạ cụm - giảm lượng giống gieo sạ tại 4 hộ nông dân: Phạm Văn Luông, Lê Thành Lập, Nguyễn Thị Thùy Trang và Nguyễn Văn Tâm, với diện tích 20ha trong vụ thu đông 2024. Đây là những thành viên của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Vĩnh An Nông (xã Vĩnh An).

Các đại biểu và nông dân cùng trao đổi về kỹ thuật canh tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm, được đại diện Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền giới thiệu quy trình sử dụng phân bón nhằm giảm khí phát thải; đại diện Công ty TNHH Bayer Việt Nam giới thiệu quy trình quản lý cỏ đối với ruộng lúa sạ thưa; đại diện Công ty Thanks Carbon giới thiệu về quy trình quản lý nước và công nghệ đo phát thải khí nhà kính...

Lắp hệ thống đo mực nước trên ruộng lúa

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang Huỳnh Đào Nguyên cho biết, mô hình triển khai tại HTX Nông nghiệp Vĩnh An Nông thực hiện theo Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL, do Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) ban hành. Theo đó, khâu làm đất áp dụng cơ giới hóa 100%; sử dụng giống lúa OM5451 xác nhận, lượng giống không quá 80kg/ha, sử dụng máy sạ cụm để gieo sạ; quản lý nước theo phương pháp ngập khô xen kẽ.

Với sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, thành viên HTX thực hiện quản lý dinh dưỡng theo nhu cầu của cây, đặc biệt không bón thừa phân đạm để giảm lượng phát thải khí nhà kính trong canh tác; công thức phân bón theo tình hình thực tế mùa vụ đối với vùng đất phèn nhẹ ở Châu Thành; bón phân bằng thiết bị bay không người lái (drone). Đồng thời, quản lý dịch hại tổng hợp theo nguyên tắc “4 đúng”, ưu tiên các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, hạn chế thuốc hóa học, phun thuốc bằng drone.

Nông dân thu hoạch lúa ở thời điểm lúa chín 85 - 90%, sử dụng máy gặt đập liên hợp. Sau thu hoạch, tiến hành thu gom rơm khỏi ruộng hoặc cày, xới vùi cùng gốc rạ, kết hợp các chế phẩm sinh học để thúc đẩy quá trình phân hủy rơm rạ. Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Vĩnh An Nông ký hợp đồng liên kết tiêu thụ 100% sản lượng lúa với HTX Nông nghiệp Vĩnh Cường (tỉnh Bạc Liêu).

Trong quá trình canh tác, cán bộ chuyên môn tiến hành khảo sát địa điểm, lắp hệ thống đo mực nước, gồm 3 ống đo ở ruộng mô hình và 3 ống ở ruộng đối chứng, làm cơ sở đối chiếu dữ liệu với công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo tính toán khí phát thải qua ảnh vệ tinh, phục vụ tính toán, kiểm kê khí nhà kính (CH4).

Cùng với triển khai điểm trình diễn, khoảng 80 nông dân và 10 cán bộ tổ khuyến nông cộng đồng của huyện Châu Thành sẽ được tập huấn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và các vấn đề về phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa, tạo cơ sở để nhân rộng mô hình.

An Giang là một trong những tỉnh sản xuất lúa và xuất khẩu gạo đứng đầu cả nước. Tổng diện tích lúa gieo trồng năm 2023 của tỉnh đạt 616.200ha, sản lượng gần 4,09 triệu tấn. Do đó, việc nâng cao giá trị, phát triển bền vững ngành hàng chủ lực lúa gạo là yêu cầu hàng đầu hiện nay

 

XUÂN LỘC