Từ sau Tết Nguyên đán, nắng nóng diễn ra nhiều nơi, thậm chí nền nhiệt tăng đến 38 - 390C. Nhiệt độ ở các đô thị cao hơn, do bức xạ nhiệt, phản xạ từ mặt đường, nhà cửa, bê-tông… Thời tiết gay gắt nhất vào khoảng từ 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều.
Nếu người đi đường cố gắng di chuyển thật nhanh để tránh cái nắng “cháy da”, thì người lao động mưu sinh, như: Thợ hồ, bán hàng rong, bán vé số, shipper… vẫn phải “gồng mình” làm việc dưới trời nắng khắc nghiệt. Mặc dù biết sẽ ảnh hưởng sức khỏe, dễ bị sốc nhiệt, nhưng vì gánh nặng mưu sinh, họ vẫn cố gắng thích ứng.
Quay quắt mưu sinh dưới nắng nóng
“Nghề nào né nắng được, chứ thợ hồ thì càng nắng càng có nhiều người cần xây dựng. Tụi tôi làm ngoài nắng chan chát suốt ngày riết cũng quen. Nhưng thời tiết năm nay nắng khủng khiếp quá, rất mau mệt. Dẫu vậy, tôi vẫn phải cố gắng làm để lo cho gia đình” - anh Toàn (thợ hồ ở TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết.
Để “tránh nắng” cho nhân công, anh Ph. (quản lý thi công ở TP. Long Xuyên) điều chỉnh thời gian làm việc sớm hơn ngày thường, từ 6 giờ sáng (trước đây là 7 giờ) và nghỉ trưa sớm hơn; buổi chiều làm muộn, nghỉ trễ hơn. Anh còn thường xuyên dặn dò nhân công phải uống đủ nước, trang bị thêm đồ bảo hộ…
Những người phải thường xuyên di chuyển ngoài đường cũng vất vả không kém. Ra đường dễ dàng bắt gặp hình ảnh người bán hàng rong, vé số dạo, thu mua ve chai, giao hàng… áo ướt đẫm mồ hôi vẫn rong ruổi dưới cái nắng gay gắt để mưu sinh. Trong khi nhiều người trùm kín, đeo kiếng bảo hộ, thì vẫn có người mặc kệ.
"Bán vé số không được bao nhiêu tiền, không đủ tiền mua dụng cụ bảo hộ. Với lại, tôi đi nhiều chỗ, ghé nhiều hàng quán mà trùm kín mít thì bất tiện lắm. Đi nhanh, bán nhanh cho mau hết để kịp giờ xổ số. Có hôm bán ế, chạy muốn rụng cặp giò mà vẫn ráng” - ông Phụng (bán vé số ở phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) chia sẻ.
Buổi trưa, công nhân của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang có mặt trên các nẻo đường ở TP. Long Xuyên để quét dọn rác thải. “Công ty trang bị đồ bảo hộ, chống nắng đầy đủ. Nhưng nắng nóng oi bức thế này, lên đến 39 - 400C, cộng với sức nóng tỏa ra từ mặt đường, tôi phải tranh thủ quét dọn, rất nhanh mất sức” - chị H. (công nhân vệ sinh) cho biết.
Quét dọn vệ sinh đường phố
Nghề shipper giao hàng mỗi ngày đội nắng bám mặt đường cũng trở nên vất vả hơn trong thời tiết gay gắt hiện nay. Anh Thà (TP. Long Xuyên) cho biết: “Nắng cháy da thịt nhưng anh em chúng tôi không dám chậm trễ, vì có rất nhiều đơn hàng và phải đảm bảo giờ giao. Đơn hàng có người nhận liền còn đỡ, nhiều đơn phải gọi tới lui mấy lần, thậm chí bị “bom hàng”. Nắng nóng, mệt mỏi đến hoa mắt, nhưng ai nấy cố gắng để có tiền trang trải cuộc sống gia đình”.
Dù còn nhiều vất vả, nhưng vì mưu sinh, nhiều người vẫn cố gắng “gồng mình” dưới thời tiết khắc nghiệt. Để phòng say nắng, sốc nhiệt, khi phải ra ngoài, hoặc làm công việc ngoài nắng người dân cần che kín cơ thể, mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu.
Thường xuyên uống nước dù chưa cảm thấy khát; có thể uống nước có pha ít muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây. Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút - 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 - 15 phút...
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, thời tiết nắng nóng vẫn chiếm ưu thế và trải dài từ Bắc vào Nam. Ở khu vực Nam Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nhiều địa phương tiếp tục có mức nhiệt độ cao, từ 35 – 38 độ C. Đề phòng nguy cơ xảy ra hỏa hoạn, cháy nổ ở khu vực dân cư và cháy rừng. Nắng nóng có thể gây mất nước, đột quỵ, sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao.
|
HỮU HUYNH