Gửi đơn khiếu nại đến Báo An Giang, chị Trần Thị Hoàng Thúy (con bà Thơm) trình bày: “Do bị áp lực về số tiền nợ và mức lãi 4%, mẹ tôi bỏ nhà đi tu ở ngôi chùa thuộc xã Cam Hải Đông, huyện Cam Long (Khánh Hòa). Bà ủy quyền cho tôi khiếu nại, khởi kiện vụ việc ra tòa án để xem xét, giải quyết, trả lại sự công bằng cho gia đình. Trước khi đi, bà nói cả 3 người cho vay đều buộc bà phải làm Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ), kể cả quyền sở hữu nhà… để “né” pháp luật. Bà trả lãi quá nhiều, với đủ hình thức chứ không chuyển quyền nhà, đất cho bất kỳ ai.
Chị Trần Thị Hoàng Thúy
Sau khi bán nhà, đất vào năm 2015, gia đình tôi mua 293m2 đất thổ cư, tọa lạc tổ 2, ấp Trung Thạnh, phường Mỹ Thới. Năm 2016, khi có QSDĐ, gia đình tôi xây dựng căn nhà cấp 4 (ngang 9x15m) trị giá trên 400 triệu đồng. Đến cuối năm 2016, do bị bệnh, nợ nần nhiều người, mẹ tôi vay lần lượt 200 triệu đồng của vợ chồng ông Trương Quốc Hảo ở phường Mỹ Xuyên (TP. Long Xuyên). Đến ngày 25-5-2017, mẹ tôi và ông Trương Quốc Hảo hủy bỏ hợp đồng. Đồng thời, bà làm hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ với giá 250 triệu đồng cho ông Huỳnh Chí Tâm, phường Mỹ Long (TP. Long Xuyên,) thực chất là vay số tiền này. Trong thời điểm này, mẹ tôi cắt miếng đất 90m2 bán cho ông Phan Bá Thảo và 60m2 đất bán cho bà Lý Kim Phượng. Dù có thêm nguồn tiền này nhưng do số nợ lớn và lãi suất cao phải trả, nhà tôi vẫn không thể xử lý nổi.
Để có tiền trả gốc và lãi cho ông Tâm và người khác, ngày 17-10-2017, mẹ tôi vay 300 triệu đồng của vợ chồng ông Nguyễn Văn Nớp (khóm Đông Thịnh 2, phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) với lãi suất 4%. Tương tự 2 người cho vay trước đó, ông Nớp buộc mẹ tôi làm hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, nhưng lại có thêm quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Sau đó, do không kham nổi số tiền lãi phải trả hàng tháng nên số này bị nhập vào tiền gốc, số nợ cứ nâng lên. Từ hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ lập ngày 17-10-2017 (thực chất là bảo đảm vay), diện tích 293m2 đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của mẹ tôi bị chuyển qua cho vợ chồng ông Nớp ngày 29-8-2018. Việc này mẹ tôi không biết. Tuy nhiên, bà chỉ trả lãi được vài lần, sau đó không kham nổi nên đau buồn, uất ức bỏ nhà đi tu. Mẹ tôi với 3 người con phản đối việc ngang nhiên bị chuyển nhượng nhà, đất nói trên. Tuy nhiên, chấp nhận trả số tiền vay với mức lãi theo quy định. Gia đình tôi yêu cầu pháp luật sớm vào cuộc, làm rõ vụ việc, trả lại sự công bằng”.
Anh Phan Bá Thảo (ấp Tân Thành, xã Vọng Thê, Thoại Sơn), chị Lý Kim Phượng (khóm Trung Thạnh, phường Mỹ Thới, TP. Long Xuyên) cho biết: “Năm 2017, khi bà Lê Thị Thơm nói kẹt tiền muốn bán đất và chúng tôi người mua 60m2, người mua trên 110m2 đất. Mua xong, đề nghị bà Thơm đưa giấy chứng nhận QSDĐ để chúng tôi chuyển chủ quyền nhưng bà Thơm nói đang thế chấp để vay, khi lấy ra sẽ đưa cho thực hiện. Sau đó, chúng tôi xin phép xây dựng nhà ở và từ đó đến nay không thấy ai đến đo đạc, hỏi mua đất. Đến cuối năm 2018, khi đến hỏi giấy bà Thơm nói sắp chuộc ra. Đầu năm 2019 không thấy bà Thơm ở nhà, sau biết được bà Thơm vay tiền mất khả năng thanh toán. Gần đây, ông Nớp điện báo cho biết phần đất chúng tôi đang ở là chủ quyền của ông, đã chuyển nhượng từ bà Thơm. Đó là việc của ông Nớp với bà Thơm. Phần đất chúng tôi mua hợp pháp, xây dựng nhà ở ổn định, dù chưa làm giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở”. Tìm hiểu thêm sự việc, một cán bộ nghỉ hưu gần khu vực này thông tin: “Không chỉ trường hợp của gia đình bà Thơm, không ít người bị nợ thường hỏi vay với nhiều hình thức, trong đó gần đây rộ lên cách làm hợp đồng thế chấp dù không rõ bên trong của nó. Nhiều người đã bị gài bẫy với mức lãi ban đầu không cao, sau đó ràng buộc với nhiều cách để nâng mức lãi cao lên. Đến khi biết được sự việc, số tiền vay đã "đội nóc", tài sản bị thiệt hại nặng nề, có nguy cơ cao bị mất nhà, đất”.
Luật sư Trần Ngọc Bản (Đoàn Luật sư An Giang) cho biết: “Trước hết, khi vay với số tiền lớn, người vay cần tìm hiểu kỹ về mức lãi, cách tính lãi, nhất là các “quy định riêng” của người cho vay. Vụ việc nói trên cho thấy là quan hệ cho vay tài sản có bảo đảm, được “núp bóng” với hình thức hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở… Đến lúc khổ chủ mất khả năng thanh toán số tiền lãi, bị lơ là, “vỏ bọc/hình thức” sẽ trở thành hiện thực: mất tài sản. Khi sự cố xảy ra, người vay cần tìm cách tháo gỡ ngay, không nên để sự việc kéo dài. Thấy người cho vay có ý chiếm tài sản, người vay nên khởi kiện ra tòa án để xem xét, giải quyết. Cùng với việc khởi kiện, cần củng cố, cung cấp đầy đủ chứng cứ, làm cơ sở để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình”.
Bài, ảnh: N.R