Về cùng huyền thoại

05/04/2024 - 06:14

 - Trong Lễ kỷ niệm 55 năm chiến thắng đồi Tức Dụp - 128 ngày đêm (18/11/1968 - 25/3/1969), những ai có mặt đều cảm nhận sâu sắc sự thiêng liêng, xúc động khi được sống lại với quá khứ hào hùng. Hơn nửa thế kỷ đi qua, “ngọn đồi 2 triệu đô-la” vẫn còn đó, những cựu chiến binh từng cầm súng đối mặt với quân thù vẫn còn đây, để nhắc nhở thế hệ hôm nay về bản hùng ca bất diệt của quân - dân An Giang trong những năm tháng đạn bom ác liệt.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang cho biết: “Đồi Tức Dụp là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử trọng đại trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân - dân tỉnh An Giang. Năm 1965, cơ quan Tỉnh ủy An Giang đóng tại đồi Tức Dụp và nơi đây trở thành căn cứ địa cách mạng, lãnh đạo phong trào đấu tranh của Nhân dân tỉnh nhà.

Sau Tết Mậu Thân 1968,  Mỹ - ngụy tập trung các đơn vị thiện chiến đánh thẳng vào đồi Tức Dụp, hòng xóa đi căn cứ cách mạng lợi hại của ta. Với quyết tâm giữ vững căn cứ cách mạng đồi Tức Dụp, làm cơ sở tiếp tục phát động phong trào đấu tranh trong Nhân dân, lực lượng cách mạng đã anh dũng chiến đấu suốt 128 ngày đêm, tạo nên bản hùng ca bất diệt của quân - dân An Giang thời chống Mỹ”.

Theo ông Trần Minh Giang, Mỹ - ngụy đã huy động các sư đoàn ngụy số 7, 9, 21 thuộc vùng 4 chiến thuật cùng lính chư hầu, các liên đoàn biệt động, thiết xa, pháo binh, các loại máy bay chiến đấu… tham gia trận đánh đồi Tức Dụp. Ngoài các loại bom xăng, bom cay, chất độc hóa học, chúng còn sử dụng máy bay B52 rải bom, bắn phá rất quyết liệt từ nhiều hướng hòng xóa sổ lực lượng cách mạng tại đồi Tức Dụp.

Đồi Tức Dụp, "địa chỉ đỏ" về lòng yêu nước của quân - dân An Giang

“Để đối phó với địch, lực lượng cách mạnh chia thành từng tổ bám miệng hang, hốc đá năng động đánh trả. Đồng thời, các tổ cơ động lợi dụng địa hình, dùng chiến thuật “độn thổ”,  xuất hiện đánh “cặp hông”, đánh “bọc hậu”, đánh tập kích bất ngờ diệt nhiều sinh lực địch, buộc chúng phải tháo lui.

Mỗi lần ta phản công thì lập tức các loại bom, pháo bắn vào trận địa như mưa bão, khiến đồi Tức Dụp biến thành biển lửa. Với ưu thế thông thạo địa hình cùng tinh thần chiến đấu cao, các chiến sĩ cách mạng với sự giúp đỡ của Nhân dân đã đẩy lùi các đợt tấn công của địch, tạo nên huyền thoại 128 ngày đêm anh dũng” - ông Trần Minh Giang thông tin.

Tổng kết các trận đánh, ta diệt 4.700 tên giặc, bắt sống nhiều tên khác. Tịch thu trên 800 súng các loại và nhiều phương tiện chiến tranh, phá hủy 11 xe tăng, 9 khẩu pháo 105 ly, bắn rơi 2 máy bay ném bom, 4 trực thăng… Chiến thắng Tức Dụp là bước ngoặt đánh dấu sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang An Giang trong kháng chiến chống Mỹ, được Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng danh hiệu “Đơn vị, chiến sĩ diệt cơ giới”, “Chiến sĩ diệt Mỹ”, Huân chương và danh hiệu “Chiến sĩ kiên cường bất khuất giữ vững đồi Tức Dụp, núi Tô”…

Có mặt trong Lễ kỷ niệm 55 năm chiến thắng đồi Tức Dụp - 128 ngày đêm, bà Nguyễn Thị Ngọc (Ba Ngọc) không giấu được những giọt nước mắt tự hào. Cách đây hơn 55 năm, cô Ba Ngọc mới 18 tuổi, lên đường vào căn cứ đồi Tức Dụp chiến đấu cùng các chú, các anh. Giờ đây, khói lửa đi qua, bà trở về chiến trường xưa với mái tóc bạc phơ, đôi mắt hằn dấu thời gian và đong đầy niềm xúc động khôn nguôi.

“Sự hy sinh của người chiến sĩ cách mạng tại đồi Tức Dụp nói mãi cũng không hết được. Với thế hệ chúng tôi ngày đó, chết không đáng sợ. Thứ đáng sợ nhất là người ta sẽ lãng quên đi người chiến sĩ cách mạng đã chết vì điều gì!

Đến dự buổi lễ, gặp lại những người đồng chí cùng đi qua trận chiến đồi Tức Dụp mà tôi trào nước mắt. Anh em chúng tôi hy sinh nhiều trong khói lửa, người còn lại cũng lần lượt đi với tuổi già, nên gặp được nhau cứ vui mừng khôn xiết. Tôi luôn biết ơn những người đồng đội đã ngã xuống hôm qua, để hôm nay mình còn sống trở về thăm lại đồi Tức Dụp!” - cô Ba Ngọc xúc động.

Thắp nén hương tưởng niệm những người đồng đội cũ, cô Ba Ngọc không kềm được những giọt nước mắt tiếc thương. Lẫn trong làn khói hương nghi ngút, tiếng khấn thầm của cô Ba Ngọc tưởng nhớ những người tử sĩ hơn 55 năm trước trở nên trầm lắng.

Bất chợt, giọng nói cô run run: “Trong trận chiến 128 ngày đêm đó, chồng tôi cũng gửi lại xương thịt ở đồi Tức Dụp này. Bây giờ, tôi chỉ mong thế hệ trẻ hôm nay sẽ tiếp nối truyền thống của cha ông, nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương Tri Tôn ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh của cha anh vì hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc.

Là thế hệ thanh niên đang phấn đấu xây dựng quê hương, bạn Lê Thị Quyền Trang (Phó Bí thư Huyện đoàn Tri Tôn) chia sẻ: “May mắn được sinh ra trong hòa bình, chúng tôi càng thêm trân trọng, biết ơn sự cống hiến, hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Người Tri Tôn hôm nay không thể quên những chiến công đã đi vào huyền thoại, với cầu sắt Vĩnh Thông, ấp chiến lược Hoạch Lân, căn cứ Ô Tà Sóc, cầu sắt 13, núi Tô và đặc biệt là cuộc chiến đấu 128 ngày đêm tại đồi Tức Dụp đã trở thành bản hùng ca bất diệt, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ chúng tôi”.

Trong những lần đến thăm Tức Dụp, bạn Quyền Trang và những đoàn viên, thanh niên huyện Tri Tôn vẫn cảm nhận được sự ác liệt của chiến tranh với hàng chục hố bom, những vết đạn lỗ chỗ hằn trên các vách đá, gốc cây. Tất cả đều trở thành bài học quý báu, giúp tuổi trẻ Tri Tôn nỗ lực phấn đấu vươn lên, xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh.

Hiện nay, tỉnh An Giang đang tiến hành lập dự án quy hoạch tổng thể Khu di tích cách mạng đồi Tức Dụp, gồm: Các điểm dịch vụ, khu vui chơi giải trí, khu nhà nghỉ, tượng đài; nâng cao, mở rộng khu vực di tích... nhằm phục vụ tốt khách tham quan du lịch, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước cho Nhân dân.

“Tiếp nối truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Tri Tôn sẽ phát huy tinh thần yêu nước, huy động sức mạnh tổng hợp và khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để đưa vùng đất bom đạn tàn phá ngày nào phát triển nhanh, bền vững” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Trần Minh Giang khẳng định.

THANH TIẾN