Hành trình “Hành quân về nguồn” tại huyện Ngọc Hiển vào tháng 9-2017 của Lữ đoàn 962 hướng tới kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Lữ đoàn 962 (19-9-1962 _ 19-9-2017), ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang của đơn vị. Chúng tôi xuất phát từ 2 giờ sáng, đến TP. Cà Mau khi bình minh vừa ló dạng. Đi thêm cả trăm km nữa, đoàn mới đặt chân đến Ngọc Hiển, nơi tận cùng của đất nước. Những cánh rừng ngập mặn nối đuôi nhau, trải dài tít tắp. Nhờ có đường giao thông vừa xây dựng xong, nên trung tâm huyện cũng xôm tụ hơn trước.
Ông Quách Xuân Cận, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ngọc Hiển bày tỏ: “Toàn huyện gồm 73.000ha đất, hơn 78.000 người, đúng nghĩa “đất rộng, người thưa”. Đời sống Nhân dân tương đối khó khăn do giao thông cách trở, mọi thứ đều phụ thuộc vào xuồng. Gia đình nào ở vùng sâu, con em muốn học cấp III phải ra Năm Căn.
Giờ đây, tình hình kinh tế - xã hội của huyện tương đối phát triển, khi chú trọng khai thác nguồn lợi thủy sản bằng nuôi tôm. Khách du lịch tìm đến huyện nhiều hơn trước: năm 2012 chỉ có 60.000 lượt khách, đến năm 2017 đã trên dưới 300.000 lượt. Tương lai, khi khai thác đúng lợi thế của 98km ven biển, cùng sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, chắc chắn Ngọc Hiển sẽ “thay da đổi thịt” hơn nữa!”.
Cán bộ, chiến sĩ trên chuyến tàu Phương Đông 1, chiếc thuyền gỗ đầu tiên vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam (ảnh tư liệu)
Ngọc Hiển là thế, dẫu khó khăn bao trùm, hay trở ngại đến đâu, vẫn làm tròn sứ mệnh lịch sử, giấu hàng ngàn tấn vũ khí chi viện cho miền Nam. Từ thị trấn Rạch Gộc, vượt cái nắng gay gắt ban trưa, hơi nóng hầm hập hắt từ dòng nước lên thân võ lãi, chúng tôi đến thăm Khu lưu niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bông Văn Dĩa tại xã Tân Ân. Các đồng chí trong đoàn ai nấy thành kính thắp nhang cho người anh cả của đơn vị. Người chiến sĩ ấy từ lúc trẻ đã biết dùng chữ nghĩa, hiểu biết của mình để giúp dân chống lại áp bức bất công trong xã hội. Sau thời gian dài hoạt động cách mạng, năm 1960, ông nhận nhiệm vụ tổ chức tuyến đường biển đi ra miền Bắc xin vũ khí và hàng hóa cho miền Nam.
Ngày 1-8-1961, chuyến ghe đầu tiên rời rạch Cá Mòi, mũi Cà Mau để đi miền Bắc. Tìm gặp được đồng chí Lê Duẩn, bằng hiểu biết của mình, ông Dĩa trình bày nguyện vọng của miền Nam, được Trung ương giải quyết ngay. Khi trở về, đoàn phải tìm hiểu nơi tập kết “hàng” để báo cáo về Trung ương. Mọi phương án ở đảo Thổ Chu, Nam Du, Hòn Chuối… đều không ổn. Ông Dĩa đề đạt hướng Vàm Lũng, là nơi lúc có nước lớn đầy, độ sâu lòng lạch từ 2-3m. Độ sâu này có thể giúp tàu chở 30 tấn trở lên vào được.
Đầu tháng 10-1962, 30 tấn hàng và vũ khí rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng), 9 ngày sau đã về tới Vàm Lũng. Đang họp, nhận được tin vui từ Cà Mau, đại tướng Võ Nguyên Giáp mừng rỡ: “Đây là thắng lợi to lớn, mở đầu việc chi viện vũ khí cho tiền tuyến lớn. Số vũ khí này bằng 3.000 người mang đi bộ 6 tháng mới tới được”.
Sau chuyến đi mở đường Nam - Bắc, Bắc - Nam thành công tốt đẹp, đồng chí Bông Văn Dĩa được Khu ủy giao nhiệm vụ cùng một số đồng chí khác thành lập Đoàn 962 để tổ chức triển khai bến bãi, tiếp nhận, bảo quản kho hàng hóa, vũ khí và cung cấp vận chuyển đi nhiều nơi theo lệnh của Trung ương. Con đường vận chuyển vũ khí về Nam chính thức được mang tên “đường Hồ Chí Minh trên biển”. Tổng cộng đã vận chuyển và tiếp nhận hơn 4.000 tấn vũ khí cho miền Nam.
Từ năm 1967 - 1971 và 1973-1975, ông là trung tá, Trung đoàn trưởng Đoàn 962. Trái tim lớn của người con quê hương Tân Ân ngừng đập năm 1982, thọ 78 tuổi. Dẫu vậy, tấm gương và công lao của ông được các thế hệ Đoàn 962 (nay là Lữ đoàn 962) trân trọng, khắc ghi.
Đồng đội cũ gặp lại nhau ở bến Vàm Lũng
Từ chuyến đi này, tôi được gặp “ngài đại tá về hưu” Khưu Ngọc Bảy, nguyên Trung đoàn trưởng Đoàn 962. Ký ức một thời oanh liệt của đơn vị in dấu trên gương mặt, đôi tay của “bác Bảy” - cách gọi quý mến của mọi người dành cho ông, trong từng lời tâm sự nghĩa tình mà bác gửi đến mọi người. Tuổi cao, sức yếu, nắng gió khắc nghiệt của vùng biển Cà Mau không làm đôi chân người lính Hải quân năm nào chùn bước. Bác dành thời gian đi thăm đồng đội cũ, về nguồn, làm mọi việc để lưu giữ truyền thống của Lữ đoàn, thông qua vai trò Ban liên lạc truyền thống Hội Cựu chiến binh Đoàn 962.
Tại buổi dâng hương báo công tại Khu di tích Bến Vàm Lũng, bác Bảy xúc động chia sẻ: “Chiến thắng của đường Hồ Chí Minh trên biển là chiến thắng của lòng dân. Nếu không có sự đồng lòng hỗ trợ của Nhân dân Vàm Lũng, chắc chắn không có kỳ tích diễn ra. Để làm bãi tiếp nhận vũ khí, 800 hộ dân phải di dời từ ven biển vào trong rừng, nhưng ai nấy đều ủng hộ, đồng tình. Trong quá trình hoạt động, bộ đội Đoàn 962 cùng chia với dân từng bát cơm, từng tấm áo. Nước ngọt được chưng cất từ nước biển. Thức ăn có lúc là trái mắm, một loại trái rừng chát đắng. Sự gắn bó khăng khít này tạo nên thế trận lòng dân vững chắc. Tại Tân Ân, người dân cưu mang, che giấu một tổng kho có sức chứa lúc cao nhất trên 1.000 tấn vũ khí đạn dược.
Tổng kho này cách chi khu Năm Căn của địch chỉ khoảng chục km, vậy mà chúng chẳng thể phát hiện ra. Năm 1963, có một chuyến tàu bị mắc cạn. Người dân được huy động để chuyển hàng và vũ khí. Quanh vùng, bà con ai cũng chung sức cùng với các chiến sĩ, chỉ có kẻ địch là không hề hay biết. Thế nên, Bến cảng Vàm Lũng chính là bến cảng lòng dân!”.
Lần trở về “bến cảng lòng dân” này, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 962 phối hợp nhiều đơn vị tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho gia đình chính sách, hộ nghèo tại xã Tân Ân. Nơi đây còn lắm khó khăn, như chia sẻ của ông Bùi Minh Hòa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã.
Xúc động khi trở về nơi thành lập đơn vị, đại tá Trần Văn Nước, Lữ đoàn trưởng chia sẻ: “Những món quà tuy không lớn về mặt vật chất, nhưng là tình cảm của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn, như một cách tri ân bà con, người dân địa phương đã đùm bọc, nuôi dưỡng đơn vị từ khi mới thành lập. Mong rằng, bà con ghi nhận, tin tưởng, tạo điều kiện để lực lượng vũ trang Quân khu hoàn thành tốt nhiệm vụ, cùng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như truyền thống tốt đẹp bao năm qua”.
KHÁNH HƯNG