Về vùng đất tâm linh Bà Chúa Xứ núi Sam

03/12/2024 - 10:54

 - Trong “tốp 50” điểm đến du lịch hấp dẫn TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL, Khu du lịch quốc gia Núi Sam (TP. Châu Đốc) góp mặt là điều dễ hiểu, bởi tầm ảnh hưởng, nổi tiếng của vùng đất này. Nơi ấy, có một biểu tượng tâm linh được người dân hết mực tôn kính: Bà Chúa Xứ núi Sam.

Núi Sam còn có tên gọi khác là Học Lãnh Sơn, cao hơn 200m so với mực nước biển, chất chứa nhiều câu chuyện huyền bí như các ngọn núi khác trong dãy Thất Sơn. 

Điều đặc biệt nhất trên đỉnh núi Sam, thu hút du khách trong nước và quốc tế đổ về mỗi dịp vía Bà, là bệ đá sa thạch. Tương truyền, nơi đây tượng Bà Chúa Xứ đã từng ngự hàng trăm năm trước.

Vào thập niên 1980, các nhà khảo cổ phát hiện bệ đá có dạng hình vuông, cạnh 1,6m, dày 0,3m; chính giữa có lỗ vuông cạnh 0,34m, loại trầm tích sa thạch màu xanh đen, hạt nhuyễn. Bệ đá này vừa khít với tư thế ngồi của tượng Bà Chúa Xứ Thánh mẫu. Qua khảo sát, các nhà khảo cổ xác định, đây chính là nơi tượng Bà từng ngự trước khi được thỉnh xuống núi.

Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam có nhiều hoạt động bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích cấp quốc gia khu vực Bà ngự trên đỉnh núi Sam. Dự án này được khởi công năm 2022, khánh thành vào năm 2023, hiện nay vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tham quan, chiêm bái của du khách.

Theo dòng thời gian, với lòng kính ngưỡng, người dân luôn tin tưởng Bà Chúa Xứ núi Sam là nữ thần đầy quyền năng, phù hộ độ trì cho đất nước thái bình, giữ yên bờ cõi, Nhân dân đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, làm ăn phát đạt, cuộc sống ấm no, hưng thịnh… Hầu như lúc nào đông đảo người dân cũng tụ hội về kính viếng, nguyện cầu, tạ ơn Bà.

Tấm lòng thành đối với Bà được thể hiện qua từng hoạt động truyền thống. Chẳng ai hẹn ai, cứ đúng rằm tháng tư âm lịch hàng năm, người dân xa gần tụ họp về miếu Bà, thực hiện nghi thức may áo dâng Bà, tạo nên khung cảnh nhộn nhịp, nhưng vẫn rất trật tự, tôn nghiêm. Trước khi bắt đầu Lễ Vía Bà Chúa Xứ (22/4 âm lịch), “đại lễ may áo dâng Bà” được diễn ra, khởi đầu cho chuỗi lễ hội liên quan.

Truyền thuyết kể rằng, khi vùng núi Sam còn hoang vu, dân làng lên núi phát hiện pho tượng cổ ngồi trên bệ đá sa thạch, phải nhờ 9 cô gái đồng trinh mới đưa Bà xuống núi được. Quá trình lập miếu thờ, người dân đã may áo cho Bà. Dần dần, phong tục dâng áo cúng Bà được lưu truyền rộng rãi.

Đến ngày 23/4 (âm lịch), mọi người lại tụ họp về thực hiện nghi lễ quan trọng khác: Nấu 9 loài hoa tươi chuẩn bị cho lễ tắm Bà.

Hoa tươi phần lớn do người dân kính dâng, nhặt ra từng cánh đẹp nhất, thắm màu nhất. Nước tắm được đun sôi, để nguội, lắng lọc lại cả buổi chiều, vừa có hương thơm tự nhiên, vừa trong sạch thanh khiết. Việc làm này thể hiện sự thành kính, vô cùng trang trọng trước khi tiến hành nghi thức tắm cho Bà.

Người dân cũng dâng cúng nhiều loại khăn trước lễ tắm Bà, để nhúng vào chậu nước hoa, vắt khô rồi lau lên cốt tượng.

Trong tiếng trống múa lân rộn ràng, hàng ngàn du khách và Nhân dân trong vùng xếp hàng dài đến dâng hương tại Miếu Bà Chúa xứ núi Sam, Nhà bia liệt sĩ, tiến hành nghi thức rước tượng Bà từ trên đỉnh núi Sam về miếu Bà. Đặc sắc nhất là cảnh tái hiện 9 cô gái đồng trinh khiêng tượng Bà xuống núi.

Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Việt trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với cộng đồng người các dân tộc thiểu số Khmer, Hoa, Chăm. Lễ hội tôn vinh Bà Chúa Xứ cũng là dịp người dân thể hiện lòng tin yêu, tri ân, tôn kính đối với những người có công với dân với nước. 

Vì vậy, Lễ hội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2014), đang xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. An Giang kỳ vọng, đây là lễ hội truyền thống đầu tiên của đất phương Nam được đón nhận vinh dự này.

Mỗi năm, từ ngày 22 đến 27/4 (âm lịch), Lễ hội Bà Chúa Xứ được tổ chức. Trong đó, lễ rước được thực hiện theo đúng nghi lễ cổ truyền thông qua hình thức sân khấu hóa đặc sắc, tái hiện lại nguồn gốc, lịch sử Bà Chúa Xứ. 

Ngay cả khi không diễn ra lễ hội, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam vẫn thu hút đông đảo tín đồ đến viếng. Họ có niềm tin mãnh liệt vào sự phù hộ của Bà Chúa Xứ, nếu dâng tấm lòng thành, cầu nguyện sẽ nhận về may mắn, tài lộc, bình an.

Đêm 25 và rạng sáng 26/4 (âm lịch), Lễ Xây chầu và Lễ Túc yết diễn ra với nghi thức cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đất đai phì nhiêu, sức khỏe và hạnh phúc cho cộng đồng.

Một nghiên cứu của Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh cho thấy, người dân địa phương vừa hiểu biết vừa có niềm tin vững chắc vào Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam: 98,6% người dân thực hiện khảo sát đều có thể liệt kê được ít nhất 3 nghi lễ chính trong lễ hội; 92,8% người dân tham gia khảo sát đều liệt kê được vật dụng và lễ vật chính được dùng trong lễ hội.

Theo Ban Quản trị Lăng miếu núi Sam, theo thống kê chưa đầy đủ, số lượng nhung y dâng Bà có lúc lên đến 7.000 - 8.000 chiếc áo. Để ghi nhận tấm lòng khách thập phương, ban quản trị thực hiện phương án choàng cùng lúc nhiều chiếc áo cho Bà. Đối với áo thêu tương đối cầu kỳ, chiếm diện tích, chỉ mặc tối đa 3 chiếc/lần. Còn áo thường có thể mặc được 7 - 8 chiếc/lần. Những chiếc áo đã được Bà khoác, sau khi “xuống áo” sẽ được tập hợp lại, chuyển sang công đoạn cắt ra làm lộc gửi tặng khách viếng Bà. Mọi người tin rằng, chiếc áo đã được Bà khoác sẽ mang đến may mắn, tài lộc cho người nhận.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam không chỉ là một sự kiện văn hóa tâm linh, mà còn là lời nhắc nhở về lòng dũng cảm, đức tin và sự đoàn kết của người dân An Giang trong quá khứ.

Ngập tràn trong lễ hội là triệu lời nguyện cầu bình an, may mắn, là những trải nghiệm độc đáo riêng có ở vùng đất tâm linh biên giới An Giang. Hy vọng rằng, kỳ họp thứ 19 của UNESCO (từ ngày 1/12 đến 7/12/2024, tại Paraguay), hồ sơ đề cử Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam sẽ được đánh giá thông qua, công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

GIA KHÁNH