Vì sao vẫn cần tiêm mũi 4 vaccine COVID-19?

17/06/2022 - 15:00

Cho rằng COVID-19 đã ổn, sau tiêm mũi 3 đã có kháng thể nên nhiều người e ngại khi tiêm mũi 4.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, vaccine COVID-19 không có miễn dịch bền vững, hiệu quả bảo vệ lâu dài và dần mất khả năng bảo vệ. Vì thế người đã tiêm 3 mũi vaccine COVID-19 vẫn cần thiết tiêm mũi 4, đặc biệt là người nguy cơ mắc bệnh cao, dễ bị chuyển nặng.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Y tế cũng cho rằng, SAR-CoV-2 là virus liên tục tiến hóa, khó xác định tính chất nguy hiểm của các biến thể, mức độ tăng nặng và tử vong. Hiện Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng. Thậm chí, thời gian tới có thể xuất hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch khiến ca nhiễm xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng hoặc tử vong tăng lên, đặc biệt ở các nhóm dễ bị tổn thương.

Bên cạnh đó, các tác động hậu COVID-19 chưa có nghiên cứu đầy đủ... dự báo thời gian tới dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến khó lường. Do đó, Bộ Y tế cho rằng việc tiêm vaccine mũi 4 là cần thiết.

Bộ Y tế cùng các chuyên gia đều khuyến cáo, tiêm mũi 4 vaccine COVID-19 là cần thiết. (Ảnh minh họa: Trần Minh)

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cũng nêu rõ về sự cần thiết của việc tiêm mũi 4 vaccine COVID-19. Giống như nhiều loại vaccine khác, người tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ và đúng hạn sẽ được bảo vệ tốt nhất. Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng, Bộ Y tế chỉ đạo về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 nhắc lại lần 2 (mũi 4) cho người dân.

Thời gian qua, vaccine phòng COVID-19 cho thấy hiệu quả trong việc bảo vệ con người giảm khả năng bệnh nặng, tránh nhập viện, thậm chí là ngăn ngừa tử vong, nhất là những người tiêm mũi nhắc lại. Trên thế giới, một số quốc gia đã triển khai tiêm các liều tăng cường bổ sung ngoài liều tăng cường đầu tiên (mũi 3). Tuy nhiên, dữ liệu về hiệu quả của các liều tăng cường bổ sung này rất thưa thớt và đặc biệt hạn chế về thời gian bảo vệ thêm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có 7 nghiên cứu về hiệu quả mũi 4 vaccine COVID-19. Trong đó, 6 nghiên cứu từ Israel và một từ Canada. Tất cả đều được thực hiện trong thời gian mà Omicron là biến thể lưu hành phổ biến trên toàn cầu. Mặc dù các nghiên cứu khác nhau về thiết kế và dân số được điều tra nhưng hầu hết đều đánh giá mũi 4 vaccine COVID-19 là có hiệu quả.

Tính tới 16/6, cả nước tiêm được 224.618.268 liều vaccine phòng COVID-19. Trong đó số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 201.565.489 liều (Mũi 1: 71.488.085 liều; Mũi 2: 68.825.867 liều; Mũi 3: 1.507.422 liều; Mũi bổ sung: 15.024.928 liều; Mũi nhắc lại lần 1: 43.251.900 liều; Mũi nhắc lại lần 2: 1.467.287 liều). Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.510.814 liều (Mũi 1: 8.952.753 liều; Mũi 2: 8.558.061 liều). Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 5.541.965 liều (Mũi 1: 4.834.559 liều; Mũi 2: 707.406 liều).

Cuối tháng 5, Bộ Y tế có công điện đề nghị các tỉnh, thành phố tổ chức tiêm chủng mũi 4 cho nhóm từ 50 tuổi trở lên, cho người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với COVID 19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc trong các khu công nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Y tế. 

Hiện, một số địa phương bắt đầu triển khai tiêm vaccine mũi 4 cho người dân trong đó có Hà Nội, TP.HCM và Quảng Ninh.

Theo PHẠM QUÝ (VTC)