Làn da Nhi sạm đi vì nhiều chuyến ra đảo, nhưng đôi mắt ánh lên sự tự hào khi nhắc đến “viên ngọc xanh” của vùng đất Quảng Nam.
Cù Lao Chàm mùa này đẹp lắm bởi nắng vàng, biển lặng. Cái đẹp còn được thể hiện ở sự mến khách của người dân trên đảo, của những bãi biển trong xanh và những sản vật phong phú. Đã từ nhiều năm nay, nơi đây nói không với túi nilon. Bởi vậy, trước khi lên ca nô ra đảo, du khách đều được trang bị túi làm từ những vật liệu bảo vệ môi trường. Điều này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của chính quyền và người dân nơi đây trong việc chung sống hài hòa với thiên nhiên. Đi theo sự hướng dẫn của Tú Nhi, chúng tôi được biết đến giếng cổ của người Chăm, ngắm cây di sản ngô đồng, tắm biển bãi Xếp và đặc biệt lặn biển ngắm san hô ở hòn Dài.
Dịch vụ lặn biển ngắm san hô ở Cù Lao Chàm thu hút đông đảo du khách.
Đối với người chưa bao giờ lặn biển như tôi, mọi hoạt động, cử chỉ ở dưới nước đều phải diễn ra cẩn thận, an toàn. Chỉ một động tác hít vào và thở ra bằng miệng ở dưới nước cũng khiến cho tôi có giây phút lúng túng. Ở dưới nước không thể trò chuyện được, bởi vậy mọi giao tiếp với huấn luyện viên đều phải thông qua ký hiệu tay. Ví dụ khi muốn xuống sâu dưới đáy biển thì du khách cần chỉ ngón tay xuống dưới, khi cảm thấy không ổn thì chỉ tay lên trên và khi mọi thứ an toàn thì ra ký hiệu "Ok". Dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên Văn Phước, tôi có thể tự tin xuống sâu dưới đáy biển, được tự chạm tay vào những rặng san hô đủ màu sắc, được ngắm nhìn từng đàn cá tung tăng bơi lượn. Biển ở Cù Lao Chàm sạch và trong xanh khiến cho nhiều loại thủy sinh bừng lên sức sống.
Anh Văn Phước là người con Quảng Nam. Mỗi ngày, anh ở dưới nước khoảng 7 tiếng đồng hồ, hướng dẫn lặn biển cho hàng chục du khách. Vất vả là thế, song anh luôn tự hào vì quê hương mình được đón tiếp nhiều đoàn khách từ khắp mọi miền đến trải nghiệm. Trò chuyện với anh Văn Phước, tôi được biết, nhiều du khách ban đầu băn khoăn về mức giá 800.000 đồng/vé/20 phút lặn biển. Nhưng khi trải nghiệm xong dịch vụ, hầu hết mọi người đều cảm thấy hài lòng và mong muốn sẽ tiếp tục được lặn biển ngắm san hô khi trở lại Cù Lao Chàm. “Lặn ngắm san hô là một trải nghiệm độc đáo nhưng du khách cần tuân thủ tuyệt đối những quy định bởi môi trường nước luôn tiềm ẩn nguy hiểm. Vì thế, trước khi lặn biển, chúng tôi thường dành ra 3 đến 5 phút để hướng dẫn du khách. Bảo đảm an toàn tuyệt đối là nguyên tắc số 1 của chúng tôi”, anh Văn Phước cho biết.
Trong câu chuyện với chị Tú Nhi và anh Văn Phước, chúng tôi hiểu được nguồn lợi lớn mà Cù Lao Chàm mang lại cho người dân Quảng Nam. Cù Lao Chàm không chỉ có du lịch, hải sản mà hằng năm nơi đây còn cung cấp một lượng yến sào lớn ra thị trường. Trong định hướng phát triển Hội An trở thành thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã xác định Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm là hạt nhân quan trọng. Với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân nơi đây, hy vọng Cù Lao Chàm giữ được tên gọi “viên ngọc xanh” đẹp mãi trong mắt du khách gần xa.
Theo HOÀI PHƯƠNG (Quân đội nhân dân)