Việt Nam có cần kiểm soát chặt hơn với bệnh đậu mùa khỉ?

03/09/2024 - 08:07

Việt Nam đã từng xuất hiện các ca bệnh đậu mùa khỉ, có ca tử vong và cần cảnh giác cao hơn trước tình hình dịch đậu mùa khỉ đang diễn biến phức tạp, có nhiều biến đổi ở các nước châu Phi.

Chú thích ảnh

Điều trị ca bệnh đậu mùa khỉ ở Bình Dương. Ảnh: TTXVN

Dịch đã xâm nhập, dễ tiếp tục có ca bệnh

Bệnh đậu mùa khỉ đang diễn biến phức tạp tại châu Phi, với tốc độ lây lan mạnh hơn, có nhiều điểm khác biệt so với trước đó; nhiều chuyên gia lo ngại đại dịch có thể xảy ra.

Mới đây, một số nước trong khu vực cũng đã ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ như: Thái Lan, Philippines. Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế với dịch đậu mùa khỉ. PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho rằng: “Bệnh có tên đậu mùa khỉ, nhưng thực tế là bệnh lây từ động vật gặm nhấm sang người và lây từ người sang người. Dịch vẫn lưu hành tại châu Phi, nhưng từ năm 2022 dịch đã lan ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Năm nay, dịch đậu mùa khỉ ở Công gô diễn biến nặng nề, với hàng nghìn ca tử vong. Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp của bệnh đậu mùa khỉ vì khả năng chống dịch tại châu Phi khó khăn; lo sợ dịch lan ra như năm 2022 và cũng có thể biến chủng thành những chủng nguy hiểm hơn, gây tử vong nhiều hơn”.

Tại Việt Nam, bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện từ năm 2022; đến nay, vẫn rải rác ghi nhận ca bệnh, với 202 ca mắc và 8 ca tử vong. Tuy nhiên, dịch vẫn giới hạn trong cộng đồng hẹp, chủ yếu lây lan qua đường quan hệ tình dục như ở các đối tượng gái mại dâm, người đồng tính…

Trước sự lo lắng của cộng đồng về việc dịch có thể tiếp tục lây lan vào trong nước, PGS.TS Trần Đắc Phu, cho biết:  Chúng ta không nên quá lo lắng về nguy cơ lây nhiễm của dịch đậu mùa khỉ, nhưng cũng không được chủ quan. Cần phải xác định được nguy cơ và nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó. Nếu chúng ta không đáp ứng tốt có thể bùng dịch, nhưng đáp ứng thái quá gây tốn kém cho nguồn lực. Vì trong lúc này, còn nhiều dịch bệnh khác cần được tập trung hơn.

Chủ động kiểm soát

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam cũng từng rải rác ghi nhận các ca mắc đậu mùa khỉ tại các tỉnh: Đồng Nai, Kiên Giang, Cà Mau… tuy không ghi nhận sự lây lan mạnh, nhưng trước tình hình dịch đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước và trong bối cảnh giao thương giữa các nước, Việt Nam vẫn cần chủ động không để tiếp tục lây lan mầm bệnh vào trong nước.

Theo đại diện Bộ Y tế, để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ trong nước và xâm nhập, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát diện rộng, hạn chế tối đa số ca mắc và tử vong, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống, các hướng dẫn giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ; phòng ngừa lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Tại các cửa khẩu, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay tại cửa khẩu.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện giám sát chủ động với bệnh đậu mùa khỉ, lưu ý lồng ghép giám sát, dự phòng với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giám sát tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phụ khoa, da liễu, các cơ sở y tế công lập và tư nhân cung cấp các dịch vụ về phòng chống HIV/AIDS.

Các địa phương cần rà soát, cập nhật kế hoạch, kịch bản phòng chống theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng chống dịch. Đồng thời, tăng cường thông tin, truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế; tập trung truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao, tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các địa phương; báo cáo các trường hợp nghi ngờ, mắc bệnh về Bộ Y tế.

Các Viện Vệ sinh dịch tễ, các bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh truyền nhiễm cũng tiến hành phân tích, đánh giá, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch đậu mùa khỉ tại các địa phương để kịp thời phát hiện các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh, nguồn lây bệnh, tác nhân gây bệnh mới nhất, bất thường (nếu có) để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

Chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo đặc điểm như: Dịch lây qua dịch tiết, qua đường giọt bắn… và thực hiện tốt các biện pháp tránh tiếp xúc với mầm bệnh, không thực hiện các hành vi gây nguy cơ cao như quan hệ tình dục không lành mạnh, hạn chế tiếp xúc với những người từ vùng có dịch về…

Theo TTXVN