Cơ hội lớn đón làn sóng FDI mới
Tính quy luật đầu tư toàn cầu 30 năm cho thấy sau giai đoạn suy giảm, đầu tư bước vào đợt sóng đầu tư mới. Năm 2017, đầu tư toàn cầu có sự suy giảm chỉ ở mức 1.430 tỷ USD, nhưng đến năm 2018, con số này tăng lên 1.570 tỷ USD. Một đợt sóng đầu tư toàn cầu sẽ tăng lên hoặc sẽ có những sóng đầu tư nổi lên theo sự nổi lên của nền kinh tế. Nền kinh tế Việt Nam đang phát đi những tín hiệu nổi bật như tăng trưởng GDP đạt mức cao khoảng 7%, các cam kết quốc tế về mở cửa thị trường và tự do hóa có hiệu lực thực hiện trong khu vực như với ASEAN và quan hệ song phương.
Thực tiễn đầu tư toàn cầu giai đoạn 1988-2018 cho thấy đầu tư nước ngoài không chỉ là bộ phận không thể thiếu của kinh tế Việt Nam mà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam còn là bộ phận không tách rời của đầu tư toàn cầu. Sự bắt nhịp thành công với động thái đầu tư toàn cầu, tạo bước ngoặt quan trọng để Việt Nam đón sóng đầu tư mới.
Sự bắt nhịp thành công càng làm tăng lòng tin nhà đầu tư vào môi trường đầu tư Việt Nam, theo đó, cơ hội nhận sóng đầu tư toàn cầu hoặc hướng làn sóng đó đổ dồn vào đất nước nếu khéo léo áp dụng các kỹ thuật cộng hưởng như kêu gọi, xúc tiến, cải thiện liên tục môi trường đầu tư và minh bạch hóa đến mức cao nhất, giảm thiểu tối đa thời gian và chi phí tiếp cận thị trường, đơn giản hóa thủ tục, tuân thủ triệt để các cam kết quốc tế về đầu tư, hoàn thiện chính sách đầu tư, chuẩn bị khả năng thích nghi với tình trạng sụt giảm sử dụng lao động giản đơn bằng hệ thống đào tạo và đào tạo lại, phát triển thị trường lao động tái sử dụng lao động từ các dự án có vốn nước ngoài, lựa chọn đối tác đầu tư đáp ứng tiêu chuẩn mới về công nghệ cao, năng lượng sạch, tạo cơ hội đào tạo nhân lực và đóng góp lớn cho ngân sách, phục vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng chiều sâu.
Cơ hội mở ra lớn trong tiếp nhận, chọn lọc vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất lớn gắn với động thái mới của dòng đầu tư toàn cầu dưới tác động của cạnh tranh quốc tế, sự thay đổi cơ cấu kinh tế thế giới, việc điều chỉnh chính sách và tiến bộ công nghệ liên tục. Việt Nam còn có cơ hội học hỏi, tích lũy kinh nghiệm đầu tư và hoàn thiện thể chế, chính sách và các điều kiện bảo hộ, định hướng và khuyến khích đầu tư giai đoạn mới thành công mới.
Tính đến hết tháng 9-2018, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam là 334 tỷ USD trong khi vốn thực hiện là 182 tỷ USD chiếm khoảng 55% tống vốn đăng ký.
Cần đánh giá thực chất
FDI ở Việt Nam sử dụng 2 chỉ số để đánh giá là vốn đăng ký và vốn thực hiện trong khi thông lê quốc tế chỉ có vốn thực hiện. Chỉ số vốn đăng ký thể hiện tiềm năng cao song vấn đề chính là số thực tế. Việt Nam cần rất lớn vốn đầu tư thực hiện. Do đó, cần đánh giá thực chất và thiện chí nhà đầu tư thông qua lượng vốn đầu tư thực hiện tại Việt Nam.
Dòng vốn FDI toàn cầu chủ yếu là đầu tư theo hình thức sáp nhập và mua lại (M&A) trong khi ở Việt Nam chủ yếu sử dụng hình thức đầu tư mới cho nên nghĩa vụ tài chính thường được miễn giảm nhiều trong goái đoạn đầu thành lập như miễn thuế 2 năm đầu và giảm 50% thuế cho 2 năm tiếp theo. Có trường hợp thời gian miễn giảm thuế kép dài trên 10 năm. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho tỷ trọng đóng góp vào ngân sách nhà nước của FDI (14%) thấp hơn so với tỷ vốn FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội (22%). Việc định hướng phát triển hình thức M&A ở Việt Nam là cách thức để cải thiện đóng góp của khu vực FDI đối với ngân sách.
Các hình thức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam thường gắn với tài sản như hợp đồng hợp tác kinh doanh, liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài trong khi xu hướng thế giới đang tiếp cận và sử dụng hình thức đầu tư phi tài sản hay cụ thể hơn là đầu tư không cần vốn cho thấy tính thiếu cập nhật trong thể chế. Chính vì thế, việc thu hút đầu tư từ hình thức đầu tư phi tài sản làm giảm phần nào quy mô thu hút.
Nguồn: PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng tổng hợp từ NCTAD, IMF, Tổng cục thống kê và ước tính.
Trong từng giai đoạn ngắn hạn, động thái FDI Việt Nam và toàn cầu khác nhau đáng kể. Năm 2000, FDI của thế giới đạt con số kỷ lục nhưng FDI của Việt Nam lại trên đà giảm xuống, Năm 2017, FDI thế giới giảm sâu nhưng Việt Nam lại đạt con số FDI kỷ lục trong 30 năm thu hút.
Nếu nhìn suốt cả giai đoạn trên 30 năm, xu hướng FDI của thế giới và Việt Nam gần như tương đồng hoàn toàn. Hai đường biểu diễn xu hướng gần như song song cùng hệ số tương quan 0,0577. Đây là trường hợp “độc nhất vô nhị” trong thực tiễn FDI thế giới kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Nó cho thấy thể chế thu hút FDI của Việt Nam vừa có hiệu năng cao, bắt nhịp với xu hướng thế giới và đặc biệt là phù hợp bản chất FDI.
Phát huy lợi thế thu hút FDI
Lĩnh vực chế biến chế tạo chiếm tới quá nửa (khoảng 58%) tổng số vốn đầu tư đặc biệt lắp ráp hàng điện tử và dệt may sử dụng nhiều lao động giá rẻ, tay nghề thấp của Việt Nam. Có dự án sử dụng đến hàng trăm ngàn lao động. Điều này góp phần khẳng định mục tiêu tạo nhiều việc làm trong nước phù hợp với dự án thâm dụng lao động của nhà đầu tư, phản ánh đúng bản chất của FDI là khai thác lao động tối ưu. Mặc dù có nhiều dấu hiệu cho thấy lợi thế này không bền vững song vẫn có thể còn có thể phát huy tác dụng trong một khoảng thời gian nhất định.
Bên cạnh đó, bất động sản là lĩnh vực mang lại siêu lợi nhuận cũng được nhà đầu tư quan tâm. Lĩnh vực nông nghiệp nhiều rủi ro, tỷ suất lợi nhuận thấp, thời hạn đầu tư dài chưa thu hút đáng kể vốn đầu tư. Các lĩnh vực kinh tế của Việt Nam phải bộc lộ sự phù hợp với chiến lược, mục tiêu và bản chất của vốn đầu tư mới có sức hút đủ mạnh.
Theo VOV