Việt Nam góp phần thúc đẩy vai trò của NPT đối với an ninh toàn cầu

27/08/2022 - 14:30

Đêm 26/8, tức trưa 27/8 (giờ Việt Nam), Hội nghị lần thứ 10 kiểm điểm Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân (NPT) đã kết thúc sau gần 4 tuần tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ), New York (Mỹ) với những cuộc thảo luận sâu rộng về những chủ đề mới trong 3 trụ cột chính của hiệp ước gồm giải trừ vũ khí hạt nhân, chống phổ biến hạt nhân và sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hoà bình. Tại đây, Việt Nam đã góp phần thúc đẩy vai trò của NPT đối với an ninh toàn cầu song các nước thành viên NPT đã không đạt được nhất trí về văn kiện cuối cùng.

Ngày 1/8/2022, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo rằng thế giới phải đối mặt với "một mối nguy hiểm hạt nhân chưa từng thấy kể từ thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh" và "chỉ cần một tính toán sai lầm cũng sẽ dẫn tới huỷ diệt hạt nhân". Phát biểu của ông Guterres được đưa ra tại Hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) lần thứ 10 (ảnh), một hiệp ước quốc tế có hiệu lực vào năm 1970 để ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, tại phiên khai mạc, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo về những nguy cơ hạt nhân ngày càng lớn trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay, kêu gọi các nước cần tăng cường cam kết vì các mục tiêu chung trong thực hiện NPT.

Trong 4 tuần hội nghị, các nước thành viên NPT đã có các phiên thảo luận chung, trao đổi sâu tại 3 ủy ban chính cùng các uỷ ban giúp việc. Nhiều vấn đề lớn tiếp tục được thảo luận, trong đó có việc thúc đẩy giải trừ vũ khí hạt nhân trong bối cảnh vẫn còn số lượng lớn đầu đạn hạt nhân trên thế giới, giảm bớt vai trò của vũ khí hạt nhân trong học thuyết chiến lược của các nước trên thế giới, bảo đảm an ninh cho các nước không có vũ khí hạt nhân. Các nước thành viên Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TNPW) cũng đề cao việc hiệp ước bắt đầu có hiệu lực từ năm 2021 cũng như giá trị tương hỗ của hiệp ước đối với NPT.

Nhiều chủ đề liên quan chống phổ biến cũng được các nước thảo luận, trong đó có việc thúc đẩy các khu vực phi vũ khí hạt nhân, như đã có tại châu Phi, Nam Thái Bình Dương, Trung Á, cũng như khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân (SEANWFZ). Trong bối cảnh có nhiều diễn biến quốc tế phức tạp gần đây, các nước cũng quan tâm về an ninh, an toàn hạt nhân tại nhiều nơi, trong đó có các diễn biến trong thời gian qua tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia tại Ukraine.

Thúc đẩy khả năng tiếp cận công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, vì các mục tiêu phát triển cũng là chủ đề quan tâm của đông đảo các nước, nhất là các nước đang phát triển. Các nước cũng cho rằng việc tiếp cận công nghệ hạt nhân cũng cần bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn, quy định về an ninh, an toàn, bảo đảm hạt nhân, nhất là của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Các chương trình, kế hoạch hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật của IAEA với các nước cũng được đánh giá cao.

Sau thời gian thương lượng, thảo luận kéo dài, với những vấn đề quốc tế lớn, phức tạp đang diễn ra, trong đó có những xung đột, điểm nóng tại một số khu vực, các nước thành viên NPT đã không đạt được nhất trí về văn kiện cuối cùng. Mặc dù vậy, tất cả các nước đều nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của NPT đối với cơ chế giải trừ, chống phổ biến hạt nhân toàn cầu và sự cần thiết tăng cường nỗ lực để củng cố cơ chế này trong thời gian tới.

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Việt Nam ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân triệt để chống phổ biến vũ khí hạt nhân và đề cao quyền sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình, nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần hết sức nỗ lực để giải quyết những thách thức chung về hạt nhân.     

Đoàn Việt Nam đã tham gia phát biểu chung với đông đảo các nước về những vấn đề rất được quốc tế quan tâm, trong đó có việc đề cao vai trò của Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân, nhấn mạnh hậu quả nhân đạo của việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Với tư cách Phó Chủ tịch hội nghị, Việt Nam đã cùng các nước tích cực thúc đẩy, điều hành công việc chung của hội nghị. Đoàn Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN, các nước Không liên kết để thúc đẩy các ưu tiên của ASEAN, Không liên kết, nhất là Khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân.

Theo TTXVN